Miền Trung tiếp tục bị bầm dập trong lũ

Nguyên Khôi
Miền Trung tiếp tục bị bầm dập trong lũ
  • Đã có 13 người chết và mất tích
  • Giao ban trực tuyến công tác phòng chống lũ lụt

 (SGGPO).- Ngày 17-11, Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung – Tây Nguyên, cho biết: Đêm 16 rạng sáng 17-11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, Quảng Ngãi có nơi mưa rất to. Từ 19 giờ ngày 16-11 đến 4 giờ ngày 17-11 lượng mưa từ Quảng Trị đến Quảng Nam phổ biến từ 10 - 20mm, Quảng Ngãi phổ biến từ 30-60mm. Lượng mưa đo được tại Tà Lương (Thừa Thiên - Huế) là 49mm, Trà My (Quảng Nam): 59mm, Sơn Giang (Quảng Ngãi): 82mm.

Sáng nay, 17-11, tại các tỉnh miền Trung, trời bắt đầu hảnh nắng nhưng mực nước lũ vẫn còn cao. Tại Quảng Nam, nước lũ vẫn tiếp tục dâng cao gây ngập sâu tại các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc. Tuyến QL1A  thuộc khu vực này nhiều đoạn bị ngập sâu. Các tuyến đường liên tỉnh nối QL1A với các huyện bị lũ chia cắt toàn bộ. Người dân ở các huyện này hiện đi lại chủ yếu bằng ghe và xuồng máy.

Người dân huyện Điện Bàn (Quảng Nam) chèo ghe vượt lũ về nhà. Ảnh: Nguyên Khôi

Người dân huyện Điện Bàn (Quảng Nam) chèo ghe vượt lũ về nhà. Ảnh: Nguyên Khôi

Lũ trên các sông thuộc Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, thượng lưu các sông thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi đang ở mức ngang hoặc trên báo động 3 và xuống chậm; hạ lưu hầu hết các sông từ Đà Nẵng đến Bình Định đang lên và ở mức rất cao, riêng sông Trà Bồng đang xuống chậm.

 Hiện có 21 huyện của 5 tỉnh miền Trung từ  Quảng Trị đến Bình Định bị ngập lũ, trong đó những điểm ngập nặng nhất thuộc hai tỉnh Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế. Đến 19 giờ ngày 16-11 có 44.510 nhà dân bị ngập, tăng 35.764 nhà so với ngày 15-11. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã sơ tán 4.768 hộ gồm 21.091 người dân tại các vùng ngập lũ, vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ bị sạt lở núi, sạt lở bờ sông, bờ biển đến nơi an toàn.

Lũ trên các sông lên nhanh nên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện tiếp tục ách tắc nhất là ở Thừa Thiên-Huế và Quảng Ngãi.

Tại Quảng Ngãi, QL1A qua thị trấn Châu Ổ, Bình Sơn bị ngập sâu 0,5m; tỉnh lộ 622B từ Trà Bồng đi Tây Trà bị tắc do có 5 điểm sạt lở; 26 tuyến đường huyện, xã (Bình Sơn: 05 tuyến; Tây Trà: 16 tuyến, Nghĩa Hành: 04 tuyến, Trà Bồng: 01 tuyến; Ba Tơ: 01 tuyến). Khối lượng đất, đá bị sạt lở, cuốn trôi: 120.000 m3.

Tại Thừa Thiên Huế, giao thông bị ách tắc cục bộ tại 4 quốc lộ và 7 tuyến tỉnh lộ. Theo đó, đường Hồ Chí Minh bị tắc tại xã A Roàng (Km 389+050 và Km 394+500) do sạt ta-luy dương khoảng 3.500 m3 đất đá và tại xã Hồng Vân (Km 319+950), khoảng 200m3 đất đá. Hiện đơn vị quản lý đang khắc phục; QL1A vẫn còn đi lại khó khăn tại Km 829 do bị ngập 0,2-0,3m; QL49B còn bị ngập từ 0,5-1m trên toàn tuyến.

Tại Quảng Nam, 3 tuyến giao thông bị ách tắc gần như hoàn toàn gồm tỉnh lộ 616 đi huyện Nam Trà My, tỉnh lộ 610, tỉnh lộ 611 đi huyện Nông Sơn do bị ngập sâu 2-3m. Hầu hết các tuyến giao thông từ trung tâm huyện xuống các xã, đường liên xã các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Nông Sơn bị sạt lở.

QL1A đoạn qua xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bị nước lũ gây ngập. Ảnh: Nguyên Khôi

QL1A đoạn qua xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bị nước lũ gây ngập. Ảnh: Nguyên Khôi

Ông Phạm Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, khó khăn lớn nhất của người dân ở các vùng lũ, vùng ngập sâu lúc này là vấn đề nước sinh hoạt vì phần lớn các giếng đã bão hòa với mực nước ngập. Trong khi đó, tại huyện miền núi Tây Trà, tối qua sạt lở núi đã làm sập hoàn toàn 3 ngôi nhà tại thôn Gò Rin, xã Sơn Thành, làm em Đinh Thị Tâm (10 tuổi) chết ngay tại chỗ, 3 người khác bị thương hiện đang cấp cứu tại bệnh viện huyện Sơn Hà. Mưa lớn trong những ngày qua cũng đã làm xuất hiện thêm một điểm nứt núi mới tại thôn Trà Hoa, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, gây ảnh hướng trực tiếp đến 30 hộ dân. Hiện huyện Trà Bồng đã khẩn cấp di dời 16 hộ, với 48 nhân khẩu có nguy cơ cao đến nơi an toàn trong sáng nay.

Tại Bình Định, 2 tuyến đường liên huyện tại huyện miền núi An Lão bị tắc do núi sạt lở làm lấp đường 3.800 m³ đất đá
 
Đến nay, các tỉnh miền Trung có 13 người chết và mất tích, 12 người bị thương. Lũ làm ngập 43.510 ngôi nhà; đổ, sập, trôi  35 ngôi nhà; hư hại, tốc mái, xiêu vẹo: 26 ngôi. Ước tính tổng thiệt hại sơ bộ do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung là 60,6 tỷ đồng.

* Trưa 17-11, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương đã giao ban trực tuyến về tình hình Phòng chống lụt bão tại các tỉnh, thành miền Trung. Tại đầu cầu Quảng Nam, ông Nguyễn Ngọc Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam báo cáo với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương tình hình ứng phó với mưa lũ tại Quảng Nam những ngày qua. UBND tỉnh đặc biệt chú ý, tập trung chỉ đạo các địa phương sơ tán nhân dân ở các khu vực có nguy cơ sạt ở đất, lũ quét, vùng trũng thấp đến nơi an toàn. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu nhân dân. Các địa phương dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm ở những vùng dễ bị chia cắt nhằm cứu trợ cho nhân dân bị lũ lụt dài ngày. Tăng cường kiểm tra các hồ chứa nước, chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu có thể xẩy ra. Tại những nơi ngập sâu, lực lượng chức năng bố trí thường trực 24/24 giờ để ngăn không cho người dân lưu thông, tránh tình huống đáng tiếc có thể xảy ra. Các công tác dự phòng lương thực, thực phẩm ở Cù lao Chàm, kiểm tra, kiểm sát hoạt động các tuyến đò ngang và việc vận hành các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện hết sức chặt chẽ. 

 Chỉ đạo tại buổi giao ban trực tuyến công tác Phòng chống lụt bão ở các địa phương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ có khả năng diễn biến phức tạp; công tác chỉ đạo phòng tránh lũ phải hết sức khẩn trương; các hồ chứa đặc biệt quan tâm đến qui trình xả lũ, không được tạo lũ nhân tạo như các cơn lụt trước đảm bảo tính mạng cho nhân dân vùng hạ lưu...

  • Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị: Lũ rút chậm, triều cường dâng cao

Sáng nay 17-11, mưa lũ tại Thừa Thiên- Huế và Quảng Trị rút xuống xấp xỉ báo động II nhưng triều cường dâng cao và các hồ thủy điện xả lũ nên các huyện vùng thấp vẫn còn ngập sâu trong nước.

Ông Hồ Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, từ đêm 16-11, mưa ngớt nhưng do hồ thủy điện Hương Điền trên sông Bồ xả lũ cộng với triều cường dâng cao nên 80% các xã trên địa bàn vẫn bị ngập từ 0,5-1m, 100% đường liên xã và các tuyến tỉnh lộ bị ngập lụt, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Phương tiện mà người dân có thể di chuyển trên đường nhựa, bê tông lúc này phụ thuộc vào đò và thuyền nhỏ. Học sinh các xã Quảng Thành, Quảng Lợi và thị trấn Sịa... tiếp tục phải nghỉ học để đảm bảo tính mạng. Hơn 1.000 ngôi nhà đang bị ngập sâu trong nước, 100ha rau màu các loại bị thối rữa... Khó khăn nhất của địa phương lúc này là lũ lớn rơi đúng vào thời điểm bà con nông dân trên địa bàn đang triển khai trồng hoa, rau màu các loại phục vụ thị trường tết nguyên đán 2011, một khoản thu lớn mà nông dân địa phương ngóng cả năm đang có nguy cơ mất trắng.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, cùng với huyện Quảng Điền, các huyện Phú Vang, Phong Điền và Hương Trà cũng đang bị ngập sâu trong nước lũ. Thuỷ điện Bình Điền (sông Hương) và Hương Điền (sông Bồ) vẫn tiếp tục xả lũ vào ban ngày, hạn chế xả lũ về đêm để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Toàn tỉnh hiện có 11 ngàn ngôi nhà bị ngập từ 0,3 - 0,7m, nhiều nhà ngập nặng đến gần 1 mét nước. 7 tỉnh lộ bị ách tắc cục bộ do nước ngập sâu gần 1 mét. Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện A Lưới bị sạt lở 4 điểm, trong đó 2 điểm đã khắc phục xong, hai điểm còn lại dự định chiều nay đơn vị thi công sẽ tạm khắc phục để thông xe. Quốc lộ 49B đoạn từ Mỹ Chánh đi Vân Trình ngập hơn 1 mét, hàng vạn mét khối đất đá đường liên huyện, liên xã bị sạt lở, chia cắt giao thông.

Tính đến 10 giờ sáng nay, Thừa Thiên - Huế đã có 4 người chết, 1 người mất tích và 1 bị thương. Hàng trăm trường học trên địa bàn phải cho học sinh nghỉ học để hạn chế tối đa thiệt hại về người trong lũ dữ.

Trong đợt lũ này vẫn còn nhiều hộ tỏ ra chủ quan đánh liều tính mạng, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá tôm trong khi nước lũ còn dâng cao. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần cảnh báo, thường xuyên kiểm tra, tuần tra nhưng người dân vẫn lén lút đánh bắt cá tôm trên các sông, đầm phá trong khi nước lũ chảy xiết. Chỉ mới bắt đầu lũ nhưng đã có 4 người chết và 1 mất tích.

Tại Quảng Trị, mưa lớn kéo dài từ ngày 15-11 cộng với lũ từ đầu nguồn đổ về các con sông Hiếu, sông Thạch Hãn, Sê Pôn dâng cao gây ngập lụt trên diện rộng. Đường giao thông hai huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông bị sạt lở nghiêm trọng gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Ông Hồ Văn Ao (thôn Pa Hang, xã A Túc, huyện Hướng Hoá) trên đường đi làm về qua sông Sê Pôn đã bị nước lũ cuốn trôi hiện chưa tìm được xác. Cầu tràn nối xã Tà Rụt - A Ngo đường Ba Lòng huyện Đakrông nhiều đoạn bị ngập lụt... 

Nguyên Khôi, Hà Minh, Văn Thắng

Điểm sạt lở tại Km 1294 + 820 trên quốc lộ 1A đã được khắc phục. Ảnh:Hoàng Trọng

Điểm sạt lở tại Km 1294 + 820 trên quốc lộ 1A đã được khắc phục. Ảnh:Hoàng Trọng

Tin cùng chuyên mục