Miền Trung tiếp tục căng mình chống lũ

Hà Tĩnh: Đề nghị Chính phủ hỗ trợ 250 tỷ đồng khắc phục hậu quả lũ
Miền Trung tiếp tục căng mình chống lũ

(SGGPO).- Sáng nay, 5-10, mưa lũ tại Quảng Bình tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp với lượng mưa phổ biến hơn 810mm, cá biệt tại Minh Hóa lượng mưa đo được hơn 1100mm đã khiến lũ tiếp tục lên nhanh vượt mức báo động 3.

Quảng Bình có 7 huyện, thị thì 6 huyện đã bị lũ dâng ngập, hơn 500.000 người dân bị lũ bủa vây. Trong khi đó, những cơn mưa kéo dài vẫn dội xuống các làng mạc và nước lũ vẫn tiếp tục tràn về.

Đường Hồ Chí Minh lên Minh Hóa bị ngập hoàn toàn

Đường Hồ Chí Minh lên Minh Hóa bị ngập hoàn toàn

Quốc lộ 1A đã ngập sâu từ 0,5 đến 1,5m, kéo dài hàng cây số từ Quảng Ninh đến Lệ Thủy, giao thông đi lại hoàn toàn bị ách tắc. UBND tỉnh Quảng Bình đã lệnh chuyển 13 ca-nô cao tốc và 250 cán bộ, chiến sĩ giúp các địa phương di dời dân và đối phó với các tình huống khẩn cấp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình đã hoãn tất cả các cuộc họp, cử cán bộ về cơ sở nắm bắt tình hình và cùng dân chống lũ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang cho biết, ngày 5-10 nước lũ tại các huyện vẫn tiếp tục lên, vì vậy, việc sơ tán người dân ở các vùng nguy hiểm phải tiếp tục được triển khai.

Tám tàu bị lũ cuốn trôi ra biển cùng với 43 ngư dân vẫn chưa được ứng cứu do mưa to, sóng lớn. Ban tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình đã phải yêu cầu Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn Trung ương hỗ trợ. Trong khi đó tại biển Nhật Lệ, tàu cá số hiệu BÐ 40689 do ông Nguyễn Hồng ở Phú Mỹ (Bình Ðịnh) làm thuyền trưởng bị đứt neo trôi ra cửa biển Nhật Lệ (Ðồng Hới) và bị chìm. Trên tàu lúc đó có tám ngư dân. Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã đưa được sáu ngư dân vào bờ an toàn, hiện còn hai người chưa tìm thấy. Một thông tin quan ngại khác, Quảng Bình còn có 251 tàu với gần 1.800 ngư dân đang lênh đênh trên biển, các tàu trên hiện chưa biết ra sao.

Miền Trung tiếp tục căng mình chống lũ ảnh 2

Trường học ở Tuyên Hóa ngập sát mái

Tại huyện Lệ Thủy, công an huyện đã cứu sống bốn công nhân thi công đập Thượng Mỹ Trung bị lũ cuốn trôi. Tại huyện Quảng Ninh, tái diễn tình trạng lũ lịch sử năm 1992 khiến hàng chục ngàn người phải lên sống tạm trên mái nhà.

Huyện Tuyên Hóa cho biết, nhiều xã đã bị lũ cắt đứt mọi liên lạc thông tin. Đặc biệt xã Thanh Hóa đã bị cô lập hoàn toàn, mọi nỗ lực liên lạc đều bị vô hiệu do lũ quá dữ. Trong khi đó, huyện Minh Hóa vẫn chưa thể tiếp cận ứng cứu dân do lũ đầu nguồn nước chảy quá xiết. Qua báo cáo nhanh, huyện Minh Hóa hiện có hàng ngàn người phải lên nóc nhà sinh sống dưới mưa to gió lớn, tại bản Lương Năng xã Trọng Hóa, nhà ông Cao Minh bị cuốn, hai tấn gạo hỗ trợ hộ nghèo nhận về trước lũ chưa kịp phát cũng bị mất trắng.

Đến thời điểm này, Quảng Bình đã có bốn người chết, ba người mất tích, số nhà bị lũ ngập lên đến hàng chục ngàn nhà. Trước mắt, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ khẩn cấp dân vùng lũ 5.000 gói mì tôm nhưng vẫn không giảm được sự thiếu thốn của người dân. UBND tỉnh chỉ đạo các cấp quyết liệt không để dân đói, dân rét.

* Hà Tĩnh: Lũ tiếp tục dâng

Đến 11 giờ, sáng nay, 5-10, tại tỉnh Hà Tĩnh mặc dù lượng mưa đã giảm nhiều, song mực nước từ các vùng thượng nguồn đổ về rất mạnh khiến cho tình trạng ngập lụt thêm nghiêm trọng.

Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy PCBL tỉnh Hà Tĩnh, đã có 32 xã, thuộc 4 huyện, gồm 17/22 xã thuộc huyện miền núi Hương Khê, 9/12 xã thuộc huyện Vũ Quang, 4 xã thuộc huyện Đức Thọ và 2 xã thuộc huyện Hương Sơn bị ngập và bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Tất cả các tuyến đường (Tỉnh lộ 5, QL 15A…) lên huyện Hương Khê, Vũ Quang đều bị ngập sâu, nhiều nơi ngập từ 1m đến 1,8m khiến giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Hiện các huyện này chỉ có thể liên lạc với bên ngoài bằng tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.

Riêng với đập thuỷ điện Hố Hô, sáng nay, ông Lê Trần Sáng, phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết cơ bản đập đã tạm thời vượt qua nguy cơ bị vỡ và mực nước trong lòng đập đã giảm xuống đến mức an toàn...

Hiện Bộ Tư lệnh Quân Khu IV đã điều động 120 cán bộ chiến sĩ. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh điều động thêm tiểu đoàn 2 và trung đoàn 841 xuống bảo vệ đập thuỷ điện Hố Hô. Tổng công ty điện lực miền Bắc, Bộ NN-PT-NT, Cục Quản lý đê điều, Cục Quản lý Công trình và PCBL Trung ương cũng đã cử các đoàn trực tiếp vào Hà Tĩnh để  chỉ đạo và đã khắc phục sự cố công trình đập thuỷ điện Hố Hô. Bước đầu đã trục vớt được hơn 1.000m³ gỗ chèn trước miệng đập, cửa van số 1 và số 3 đã hoạt động trở lại bình thường, riêng cửa van số 2 và hệ thống thuỷ lực bị hư hỏng nặng vẫn chưa thể vận hành được.

Trong 2 ngày nay, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho dừng tất cả các cuộc họp để trực tiếp cử các đoàn đến các vùng trọng điểm lũ lụt nắm tình hình và tổ chức cứu trợ dân, với tinh thần không để người dân trong vùng lũ phải chịu đói, chịu rét. Cũng trong sáng nay các đoàn cứu trợ Trung ương đã có mặt tại vùng rốn lũ huyện Hương Khê, Vũ Quang để cứu trợ người dân.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trích khẩn cấp 1 tỷ đồng hỗ trợ cho hai huyện Hương Khê và Vũ Quang mua lương thực, thực phẩm, nước uống giúp dân.

Tỉnh cũng quyết định trích ngân sách hỗ trợ cho 7 gia đình nạn nhân bị chết trong lũ (6 triệu đồng/người, bị thương 1,5 triệu đồng/người).

Cho đến thời điểm này, theo đánh giá của Ban Ban chỉ huy PCBL tỉnh Hà tĩnh tổng thiệt hại trong đợt mưa lũ này khoảng 353 tỷ đồng. Đợt mưa lũ này đã khiến 17.557 hộ dân bị ngập nước, trong đó 1.881 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 1.708ha lúa mùa, 2.412ha ngô đồng, 700 ha khoai đông, 31ha lạc, 1.638ha ràu màu bị hư hỏng hoàn toàn. 32.150 con gia cầm bị trôi. 390.500m³ công trình thuỷ lợi, 305.500m³ công trình giao thông và 638 cầu, cồng bị sạt lở và cuốn trôi. 31 trạm y tế, 71 trường học,  bị hư hỏng nghiêm trọng. 1.858 trụ điện trung, hạ thế bị gãy đổ, 144.4km đường dây bị đứt…

Sáng nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với UBND huyện Hương Khê đã tìm được thi thể của thiếu úy Đoàn Trọng Giáp (SN 1985) trú tại xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà, là chiến sĩ thuộc Đại đội Kỹ thuật C17 Công binh thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh: Đề nghị Chính phủ hỗ trợ 250 tỷ đồng khắc phục hậu quả lũ

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gởi báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các cấp bộ ngành Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh Hà Tĩnh 250 tỷ đồng để giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Hỗ trợ 250 tấn gạo cứu đói dân bị ngập lũ, hỗ trợ thêm 20 chiếc xuồng cao tốc, 500 nhà bạt, 1.000 áo phao, 1.500 phao cứu sinh để phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn.

UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tổng Công ty điện lực miền Bắc có giải pháp khắc phục sự cố nhà máy thuỷ điện Hố Hô đảm bảo an toàn cho công trình và nhân dân vùng hạ lưu trong mùa mưa lũ 2010.

Quảng Trị - Thừa Thiên Huế: Lũ cuốn trôi thủy điện, quốc lộ bị sạt lở nghiêm trọng
* Tính đến hôm nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có trên 5.500 nhà dân bị ngập, trong đó Triệu Phong có trên 2.000 hộ, Hải Lăng có 2.000 hộ, Cam Lộ có 690 hộ, thị xã Quảng Trị có 479 hộ, Đakrông  có 45 hộ, thành phố Đông Hà có 254 hộ. Chính quyền địa phương đã tiến hành di dời khẩn cấp 710 hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Hai cửa tràn xả lũ ở công trình thủy lợi Bản Của và đập Tân Vĩnh bị hư hỏng kè, riêng trạm y tế xã Triệu Nguyên (Đakrông) bị lũ cuốn trôi 15m...
Quốc lộ 49A từ Huế đi A Lưới bị sạt lở nặng.

Quốc lộ 49A từ Huế đi A Lưới bị sạt lở nặng.


 Quảng Trị: Cứu sống 5 ngư dân gặp nạn

Sáng nay 5-10, thông tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, trong lúc đang gấp rút khơi thông luồng lạch ra vào Cảng Cửa Việt, hai tàu hút cát tư nhân ở Hải Dương đã bị sóng biển đánh đứt dây neo, trôi dạt về khu vực bãi biển thuộc thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong. Nhận được tin báo, Cảng vụ Cửa Việt và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt, Đồn Biên phòng 208 đã huy động cán bộ chiến sĩ cùng tàu cứu hộ, cứu sống 5 người trên hai tàu gặp nạn đưa vào bờ an toàn.

Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị đã cử 4 đoàn công tác về các địa phương kiểm tra và chỉ đạo công tác PCLB. Đồng chí Nguyễn Đức Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo ban quản lý đường bộ 2 huy động tối đa người và phương tiện sửa chữa các điểm sạt lở trên QL 9, trong đó đặt biệt là đoạn thuộc Km 51 để  sớm phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn cho hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hoá. Thăm hỏi và trao tặng 9 triệu đồng cho gia đình nhà nhà sập ở xã Tân Hợp là 2 người chết và 2 người bị thương.

Tại Thừa Thiên- Huế mưa bắt đầu ngớt hạt, lũ trên các sông dao động ở mức báo động II. Tuy nhiên, các tuyến tỉnh lộ nối các huyện Phong Điền, Quảng Điền về trung tâm TP. Huế vẫn bị ngập lụt cục bộ, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Hàng ngàn nhà dân các xã vùng thấp trũng ở các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà... vẫn còn ngập nước, người dân phải đi lại bằng xuồng trên đường. Nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi bị hư hỏng nặng (riêng đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Thừa Thiên - Huế bị sạt lở 39 điểm. Trong đó có điểm nặng nhất ở chân đèo Pake thuộc địa phận xã Hồng Thuỷ, huyện A Lưới). Hàng ngàn ha hoa màu, nuôi trồng thuỷ sản ở các địa phương ngập chìm trong nước lũ và thiệt hại nặng. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, mưu sinh của người dân vùng lũ bị ngừng trệ. Một cháu bé 4 tuổi, ở đường Trần Quý Cáp, phường Thuận Lộc, TP. Huế, bị chết đuối trên sông Ngự Hà.

Ông Lê Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, toàn huyện có hơn 2 ngàn ngôi nhà bị ngập từ 0,5-1m nước. Địa phương đã tổ chức di dời khẩn cấp 150 hộ dân thuộc nhiều xã ở vùng xung yếu. Lãnh đạo huyện cũng quyết định cho học sinh tiểu học, THCS tại nhiều xã vùng thấp trũng nghỉ học.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp với nguy cơ khó lường. Trước mắt, địa phương ưu tiên cho việc di dời trẻ em và người già đến nơi an toàn. Nhằm hạn chế tối tác động xấu từ các hồ thuỷ điện trên địa bàn khi lũ dâng cao, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế quyết định điều động Giám đốc hai CTCP thuỷ điện Bình Điền và Hương Điền vào thành viên Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh. Hiện mực nước hồ thuỷ điện Bình Điền là 64,5m chưa qua tràn (cao trình đỉnh tràn 73m). Hồ thuỷ điện Hương Điền là 50,95m qua tràn 8,2m (cao trình đỉnh tràn 42,75m).

 Thừa Thiên- Huế xuất tiền trợ giúp người dân bị thiệt hại

Chiều ngày 5-10, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế có văn bản về việc trợ giúp đột xuất từ nguồn ngân sách nhà nước cho các hộ gia đình gặp khó khăn do thiên tai gây ra trên địa bàn. Theo đó, hộ có người chết, mất tích: 4.500.000đ/người. Hộ có người bị thương nặng phải đưa vào bệnh viện hoặc Trung tâm y tế các huyện, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế chữa trị: 1.500.000đ/người. Hộ có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy hoặc phải di dời nhà khẩn cấp đến nơi ở mới: 6.000.000 đ/hộ. Các hộ có nhà cửa bị hư hỏng nặng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ sống ở vùng khó khăn thuộc danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quy định thì mức hỗ trợ: 7.000.000đ/hộ.

Văn Thắng

Minh Phong - Dương Quang-Văn Thắng

Tin cùng chuyên mục