Miền Trung và ĐBSCL - Sạt lở đe dọa cuộc sống người dân

Miền Trung và ĐBSCL - Sạt lở đe dọa cuộc sống người dân
  • Bờ sông Hương sạt lở vào đất liền 25m

Mưa lũ liên tục khiến bờ sông Hương qua xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị sạt lở nặng. Sáng 6-11, bờ sông Hương đoạn qua xã Hương Hồ bị sạt lở ăn sâu vào bờ 25m, nhấn chìm hàng trăm m3 đất đá, nhiều cây cối. Hàng trăm người dân hoang mang trước sự việc nghiêm trọng ấy và nhốn nháo di dời khỏi vùng sạt lở.

Có mặt tại đội 5, thôn Long Hồ Thượng, xã Hương Hồ sáng 6-11, chúng tôi chứng kiến cảnh sông Hương đoạn qua khu vực Bến Đá “nuốt” sâu vào đất liền. Hàng trăm m3 đất, nhiều cây cối ven bờ bị hà bá nuốt chửng. Đến chiều 6-11, bờ sông bị sạt lở sâu vào đất liền gần 25m, dài khoảng 30m, 3 căn nhà bị đe dọa nghiêm trọng khi điểm sạt lở chỉ cách khoảng 4m.

Bờ sông Hương đoạn qua bến Đá (thôn Long Hồ Thượng, xã Hương Hồ) bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Phan Lê

Bờ sông Hương đoạn qua bến Đá (thôn Long Hồ Thượng, xã Hương Hồ) bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Phan Lê

Hiện có hơn 100 hộ gia đình có nhà cửa, vườn tược dọc sông Hương qua thôn Long Hồ Thượng đang rất hoang mang trước tình cảnh sạt lở này. Ông Hà Thành, Phó trưởng thôn Long Hồ Thượng cho biết: “Mấy chục năm nay, chưa xảy ra sạt lở bờ sông nghiêm trọng như vậy. Nguyên nhân là do những ngày 4 và 5-11 nước lũ dâng đột ngột khiến đất xốp, thiếu độ chắc chắn, thiếu bờ kè che chắn nên xảy ra sạt lở. Hơn nữa tình trạng khai thác cát sạn trái phép nhiều năm qua khiến bờ sông bị khoét sâu, mỗi lần có mưa lũ là sạt lở kéo dài”.

Theo ông Hà Thành, ngay sau khi xảy ra sạt lở, thôn đã điện báo với chính quyền xã. Tuy nhiên địa phương vẫn chưa có phương án để đối phó.

Chiều 6-11, lãnh đạo UBND huyện Hương Trà đã đi kiểm tra điểm sạt lở ở Bến Đá và trước mắt huyện đồng ý di dời khẩn cấp 4 hộ dân đang bị lở đất nghiêm trọng tại khu vực nhà thờ họ Nguyễn. Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu để tiếp tục lên phương án xây bờ kè mới và tái định cư cho gần 100 hộ dân đang sinh sống sát bờ sông Hương thuộc thôn Long Hồ Thượng xã Hương Hồ.

Gần một tuần qua, 21 hộ dân tái định cư từ lô 54 - 74 nằm trong khu tái định cư Nam cầu Tuyên Sơn (thuộc tổ 22, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) nơm nớp lo sợ công trình đang thi công bị đổ sập do bờ bao cao gần 3m sạt lở do mưa lớn. Theo đó, từ ngày 4 đến 6-11, do mưa lớn kéo dài, bờ bao hồ cá Làng trẻ SOS TP Đà Nẵng bị sập đổ một số đoạn, trong khi những vết nứt dài và rộng tiếp tục xuất hiện. Trước đó, trận mưa lớn hôm 4-11 đã làm hơn 30m tường bao cao 3m lún dần rồi kéo theo đoạn mương nước cùng đất đá sập xuống hồ cá.

  • Quảng Nam: Sạt lở đường, giao thông ách tắc

Liên tiếp mấy ngày qua, tuyến ĐT 616 tuyến độc đạo nối các huyện miền núi như Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My với TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng khiến giao thông bị ách tắc. Tuyến đường 50km từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My có hơn chục điểm sạt lở, trong đó đoạn qua xã Trà Giác (Bắc Trà My) dài chừng 5km nhưng có đến 5 điểm sạt lở ta-luy dương khiến giao thông ách tắc.

Cũng tại xã Trà Giác, tuyến ĐT 616 bị ách tắc do đập thủy lợi xã Trà Giác gây ngập, trong khi tuyến đường tránh rải đá gần 1km cũng bị đất đồi sạt lở. Sạt lở núi cộng với ngập lũ, huyện Nam Trà My bị chia cắt từ 4 ngày qua. Theo UBND Nam Trà My, mỗi ngày tỉnh lộ ĐT 616 xuất hiện thêm ít nhất 4 điểm sạt lở, trong khi phương tiện giải phóng đường bị mắc kẹt tại đoạn ngầm Sông Trường, huyện Bắc Trà My.

Tuyến ĐT 616 đoạn thủy điện Đắc Mi 3 sạt lở nặng nề, bùn đất ngập sâu gần 1m, đội phu khiêng xe máy và thồ hàng qua điểm sạt lở thu 50.000 đồng/xe gắn máy/lượt. Có những đoạn mặc dù bùn đất ngập sâu hơn 1m nhưng người dân vẫn cố khiêng xe vượt sạt lở để ra bên ngoài. Tại huyện Bắc Trà My, cầu Sông Trường ngập sâu trong nước lũ nên muốn qua đoạn đường này phải đi xe ôm qua đường vòng với giá 100.000 đồng/lượt.

  • ĐBSCL: Lũ rút, nguy cơ sạt lở tăng

Chiều 6-11, theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh An Giang, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên đang xuống nhanh. Dự báo ngày 7-11, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 3,72m (dưới báo động 2 là 0,28m), trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 3,32m (dưới báo động 2 là 0,18m). Mực nước xuống nhanh đã giảm áp lực đối với nhiều tuyến đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái, hàng chục ngàn ha lúa vụ 3 cũng giảm được nguy cơ vỡ đê.

Hiện các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang… đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ 3, đồng thời khẩn trương vệ sinh đồng ruộng để xuống giống vụ lúa đông-xuân 2011-2012 khi lũ đang rút.

Đáng lo ngại hiện nay là sạt lở bờ sông tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở An Giang, Đồng Tháp. Theo ông Đặng Ngọc Lợi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tình trạng sạt lở mùa lũ năm nay ở mức báo động đỏ. Hiện tại lũ đang rút, nhiều nơi sẽ còn lở dữ dội hơn bởi chân đất đã bị hỏng. Tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương vận động người dân tăng cường cảnh giác, khẩn trương di dời những hộ dân vùng sạt lở ra khỏi nơi nguy hiểm, tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc.  

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục