Minh bạch thị trường vốn, bất động sản

Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, tại hội thảo chuyên đề về phát triển thị trường vốn và bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng, 2 thị trường này có sự gắn bó chặt chẽ và bổ trợ nhau nên cần nhìn nhận đúng để có giải pháp ứng xử phù hợp.

Tăng trưởng nhanh nhưng thiếu ổn định

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, các chính sách và giải pháp phát triển thị trường vốn thời gian qua đã được quan tâm để hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường vốn minh bạch, hiệu quả, trở thành kênh đầu tư và huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2021, thị trường vốn đã có bước phát triển nhanh, theo đúng định hướng. Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, đến cuối quý 1-2022 thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015, trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP và quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4-2022, thị trường chứng khoán có nhiều đợt điều chỉnh, trong đó nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản (BĐS) giảm mạnh; việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp BĐS tăng trưởng nhanh về quy mô nhưng cũng phát sinh nhiều rủi ro, bất cập. 

Đông đảo doanh nghiệp nước ngoài tham gia Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đánh giá, thị trường chứng khoán thời gian qua không ngừng tăng trưởng mạnh về giá trị vốn hóa, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân trong nước. Quy mô thị trường chứng khoán đã dần cân bằng với thị trường vốn ngân hàng. Tuy nhiên cũng phát sinh nhiều hạn chế, bất cập như các vụ thao túng giá trên thị trường chứng khoán; thị trường phái sinh ngày càng tinh vi, phức tạp; thị trường trái phiếu doanh nghiệp rủi ro khi nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa am hiểu thị trường; một số tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá năng lực còn hạn chế...  

Đối với lĩnh vực BĐS, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, mặc dù nền kinh tế chịu tác động của đại dịch nhưng giá BĐS, nhà ở, đất nền liên tục tăng từ đầu năm 2021, đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5%-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15%-20%; giá đất nền tăng 20%-30% so với thời điểm cuối năm 2020. 

Đẩy mạnh minh bạch thay vì siết chặt 

Các chuyên gia đánh giá, phát triển thị trường vốn và thị trường BĐS là những nội dung quan trọng góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Muốn 2 thị trường này phát triển bền vững, vấn đề quan trọng nhất là phải tập trung các giải pháp để đẩy mạnh minh bạch thay vì siết chặt. 
Hiến kế phát triển thị trường BĐS, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup, cho rằng, xu hướng kiểm soát tín dụng đối với doanh nghiệp BĐS là đúng nhưng không phải là giải pháp bền vững để lành mạnh hóa thị trường. Dẫn số liệu của Fiin Group khảo sát từ 54 doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm 31% cơ cấu nợ của doanh nghiệp. Trong khi đó, phần lớn nguồn vốn doanh nghiệp huy động được là từ hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp khác hoặc tiền trả trước của khách hàng.

Mặt khác, trong khi tín dụng ngân hàng dành cho BĐS năm 2021 chỉ 700.000 tỷ đồng, còn nguồn vốn đến từ người mua nhà gần gấp đôi, trên 1,3 triệu tỷ đồng. Thời gian qua, tình hình dịch bệnh và chậm trễ phê duyệt pháp lý làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn từ tiền trả trước của người mua. Do đó, các doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ngắn hạn thấp, khiến áp lực đáo hạn trái phiếu thêm nặng nề với 63% giá trị trái phiếu tính đến cuối tháng 4-2022 sẽ đáo hạn vào 2024. “Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả hơn, trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa cho nhà đầu tư cá nhân”, ông Thuân đề nghị. 

Về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán ổn định, ông Phạm Hồng Sơn cho biết, thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý theo hướng tăng cường tính minh bạch, phát triển ổn định và bền vững. Trước mắt, sẽ chỉ đạo và phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán xây dựng và đưa vào hoạt động sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, đẩy mạnh công tác giám sát việc sử dụng vốn và thực hiện công bố thông tin theo quy định. “Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng sẽ nghiên cứu báo cáo Bộ Tài chính, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán, bao gồm phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và quy định về xử lý trên thị trường”, ông Sơn cho hay. 

Đồng chí Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: TPHCM là trung tâm tài chính của Việt Nam

UBND TPHCM đã báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về Đề án xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại TPHCM. Theo đó, trước năm 2025, TPHCM sẽ nâng hạng thành TTTC quốc tế trong xếp hạng chỉ số các TTTC toàn cầu (GFCI), với năng lực cạnh tranh và trình độ phát triển ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Giai đoạn này, TPHCM bước đầu định hình khu TTTC - thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm. 

Từ năm 2026-2030, TP đặt mục tiêu là một TTTC quốc tế có thứ hạng cao ở châu Á. Trong đó, khu TTTC - thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm trở thành cụm ngành tài chính về fintech (công nghệ tài chính) gắn với hệ thống ngân hàng, dịch vụ quản lý đầu tư - tài sản gắn với thị trường vốn và giao dịch hàng hóa phái sinh xuyên biên giới. Trong dài hạn từ năm 2031 trở đi, TPHCM sẽ nỗ lực đạt thứ hạng cao trong số các TTTC toàn cầu, tiếp tục lộ trình hội nhập tài chính trên cơ sở tự do hóa đồng Việt Nam và tự do hóa tài khoản vốn. Lúc này, Khu tài chính quận 1 và Thủ Thiêm sẽ trở thành cụm tài chính về ngân hàng và fintech với các giao dịch mang tính toàn cầu. Hiện TPHCM là thành phố duy nhất ở Việt Nam được đánh giá xếp hạng theo chỉ số GFCI. Với lợi thế đặc biệt ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải, có múi giờ khác biệt với 21 TTTC lớn nhất toàn cầu, cho phép Việt Nam tham gia chu trình khép kín các giao dịch tài chính toàn cầu suốt 24/24 giờ, đây là lợi thế riêng và đặc biệt để thu hút vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này. Vì vậy, lựa chọn hàng đầu phù hợp nhất để định hướng và phát triển TTTC của Việt Nam vẫn là TPHCM. 

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital: Có thể thu hút thêm 10 tỷ USD

Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường vốn Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút mạnh mẽ sự tham gia của khối ngoại, Việt Nam cần đa dạng nhiều sản phẩm hơn nữa; đồng thời cần cải thiện tính thanh khoản, tỷ lệ giới hạn nhà đầu tư nước ngoài… và đặc biệt là sự minh bạch của thị trường. Nếu thực hiện được những điều này, khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi trong thời gian tới là rất lớn. Từ đó, có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn, thậm chí có thể tăng thêm 10 tỷ USD. 

Tin cùng chuyên mục