Kéo theo giá điện, xăng dầu tăng, một loạt mặt hàng cũng đã chính thức vào cuộc tăng giá như: cước taxi, gas, thực phẩm, may mặc, thuê nhà… Theo các chuyên gia, một mặt bằng giá mới đang dần được hình thành. Nhằm kiềm chế lạm phát, ở cấp vĩ mô, chính sách “thắt lưng, buộc bụng” trong đầu tư công và chi tiêu của Chính phủ đã được ra. Ở góc độ vi mô, chi phí đầu vào tăng cũng khiến các doanh nghiệp (DN), người dân phải lên kế hoạch tiết giảm chi phí, chi tiêu.
Việc các mặt hàng thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày tăng giá cho thấy, việc kiềm chế giá cả tăng cao năm nay đang đối mặt với những thách thức không nhỏ, đặc biệt ở góc độ tâm lý người dân. Theo tính toán của Bộ Công thương, tăng giá điện sẽ làm trực tiếp tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 0,46% (trong khi Bộ Tài chính lại cho rằng chỉ 0,38%); còn tăng giá xăng dầu sẽ làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 là 0,65%.
Tuy nhiên, thực tế của tất cả những lần điều chỉnh giá xăng dầu, điện trước đây cho thấy, tác động tăng giá của các vòng sau và tâm lý người dân là rất lớn và cần có một công tác tuyên truyền đồng bộ đi liền sau đó. Có thể trên thực tế ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, điện ít hoặc không nhiều như nhiều người tưởng, nhưng do đây là những mặt hàng thiết yếu mà đa số dân chúng, đặc biệt là dân cư ở thành thị tiêu dùng hàng ngày nên ảnh hưởng tâm lý thường rất sâu, rộng. Vì thế, cần có các tính toán cụ thể và công bố rộng rãi, tránh hiệu ứng tâm lý từ đó tạo sự bình ổn giá. Thế nhưng, hiện nay, tính minh bạch trong những lần điều chỉnh giá vẫn đang là một dấu hỏi đối với không ít người.
Chẳng hạn, trong lần điều chỉnh giá điện vừa qua, người tiêu dùng vẫn không biết được biết thực tế giá mà ngành điện mua điện từ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện là bao nhiêu, chi phí của ngành điện như thế nào. Thậm chí đến ngay một lãnh đạo của Bộ Công thương (trước thông tin năm 2011 sẽ tiếp tục tăng giá điện) khi trả lời các cơ quan truyền thông còn cho rằng chưa thể khẳng định trong năm 2011 có tăng giá nữa không. Nếu những thông tin đưa ra mà thiếu sự tin tưởng, chính xác hay thiếu một lộ trình cụ thể thì khó có thể tìm được sự đồng thuận, chia sẻ cao của người dân. Khi đó, tác động tiêu cực của những lần điều chỉnh giá là khó tránh khỏi.
Theo các chuyên gia, trong khi chưa tạo được một thị trường cạnh tranh đầy đủ và lành mạnh cho các DN, để giá cả thị trường trở nên minh bạch, dễ dự báo và dễ được thị trường chấp nhận hơn, Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo các DN và cơ quan chức năng thực hiện công khai và kiểm toán sự chính xác của các con số tự kê, tự giải trình, liên quan đến chi phí thực tế đầu vào, các nghĩa vụ tài chính với ngân sách và lợi nhuận định mức tối thiểu của các DN kinh doanh xăng dầu, điện để có căn cứ hợp lý xác định mức điều chỉnh giá bán ra những lần sau này. Chẳng hạn, với những DN đang được vận hành một cách tương đối theo cơ chế thị trường như xăng dầu, sự công khai các chi phí là cơ sở để các DN này định mốc tối thiểu và cho phép họ được chủ động thông báo và giải trình, cũng như thực hiện việc tăng, giảm giá bán ra theo sát giá thị trường phù hợp các mức tăng giảm thực tế của các chi phí đầu vào...
Từ đó, các cơ quan chức năng cũng sẽ “nhàn” hơn, điều hành hợp lý hơn theo cơ chế thị trường, không can thiệp vào quá trình ra quyết định về giá của các DN, mà chỉ giám sát các chỉ số cấu thành giá cả liên quan, cũng như có chế tài nghiêm khắc cả về hành chính và tài chính răn đe và xử lý các vi phạm từ phía các doanh nghiệp. Khi đó, sự phản biện và đồng thuận về giá cả thị trường từ xã hội cũng trở lên dễ dàng, hợp lý và hài hòa hơn.
Hà My