Minh bạch trong việc xã hội hóa sách giáo khoa

“Cạnh tranh SGK cần lành mạnh, mục tiêu là chọn ra những bộ SGK chất lượng nhất cả về nội dung lẫn hình thức trình bày. Cạnh tranh SGK phải minh bạch, không nhập nhèm, tư lợi”, PGS Trần Xuân Nhĩ nói.
Cạnh tranh SGK phải minh bạch, không nhập nhèm, tư lợi
Cạnh tranh SGK phải minh bạch, không nhập nhèm, tư lợi

Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) tổ chức hội thảo để giới thiệu rộng rãi 4 bản mẫu sách giáo khoa (SGK) do nhà xuất bản này biên soạn, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chưa công bố các bộ SGK được lựa chọn, đã  khiến dư luận đặt vấn đề: Liệu đây có phải là sự cạnh tranh không lành mạnh?

Báo SGGP số ra ngày 10-11 có bài “Vẫn chưa hết độc quyền sách giáo khoa?”, xuất phát từ việc NXB GDVN vừa tổ chức hội thảo ngày 8-11 tại Hà Nội giới thiệu 4 bản mẫu SGK do NXB này biên soạn, gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục; trong khi Bộ GD-ĐT chưa công bố. Trước đó, ngày 24-10, tại TPHCM, NXB GDVN cũng đã tổ chức hội thảo và giới thiệu 4 bản mẫu SGK này.

Đây là 4/5 bản mẫu SGK lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới qua vòng 2 thẩm định của hội đồng thẩm định quốc gia. Bản mẫu SGK còn lại thuộc về 2 NXB là Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TPHCM. Hiện các NXB đang chờ Bộ GD-ĐT hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để công bố các bản SGK đạt yêu cầu trước dư luận.  

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, ngay từ đầu tháng 9-2019, NXB GDVN còn gửi công văn đến nhiều UBND tỉnh, sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, công ty phát hành sách trên cả nước để quảng cáo sách của mình và “lưu ý” sách của 2 NXB khác. Điều này theo ý kiến một số chuyên gia, là “không đẹp” trong cạnh tranh. Cụ thể, trong công văn số 1180 ngày 9-9, NXB GDVN gửi Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên, ngoài việc giới thiệu NXB GDVN thuộc Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in ấn, sản xuất và phát hành các loại SGK, sách tham khảo còn giới thiệu quá trình biên soạn 4 bộ SGK trên, đồng thời lưu ý địa phương về “đối thủ” của mình.

Theo đó, NXB GDVN lưu ý: ngoài NXB GDVN trực tiếp biên soạn và xuất bản SGK mới còn có Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) tổ chức biên soạn SGK. Công ty này đăng ký xuất bản tại NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm TPHCM. Đây là công ty có sự tham gia cổ phần của các cá nhân nguyên là cán bộ của NXB GDVN đã nghỉ hưu; để tránh nhầm lẫn trong quá trình phối hợp triển khai công việc, NXB GDVN thông báo VEPIC không phải là đơn vị thuộc hệ thống của NXB GDVN.

Bà Đinh Thị Lụa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam, xác nhận có nhận được công văn của NXB GDVN từ tháng 9, “nhưng chúng tôi không triển khai” vì “làm theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT”. “Hiện nay bộ còn chưa công bố chính thức các bộ SGK được hội đồng thẩm định quốc gia lựa chọn, nhưng NXB GDVN đã “rào” trước như vậy. Hội thảo ngày 8-11 vừa qua, phía NXB này tha thiết mời nên sở đã cử 1 phó giám đốc tham dự. Chúng tôi dự để biết chứ vẫn phải chờ chỉ đạo của bộ”, bà Đinh Thị Lụa cho biết. Cũng theo quan điểm của bà Lụa, việc lựa chọn SGK sau này sẽ do các phòng chuyên môn và phụ huynh, sở không áp đặt.

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng, vấn đề này Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải có ý kiến để chấn chỉnh, vì NXB GDVN là đơn vị trực thuộc bộ. Trong bối cảnh xã hội hóa SGK để phá bỏ thế độc quyền SGK, cần thực hiện các điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị làm SGK. Nếu đúng quy trình thì Bộ GD-ĐT sau khi công bố chính thức các bộ SGK, các NXB có SGK được lựa chọn mới tiến hành giới thiệu về bộ sách của mình, việc giới thiệu cũng phải khách quan. NXB GDVN khi giới thiệu bộ SGK của mình cũng không được ỷ thế là đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT để lôi kéo các địa phương lựa chọn.

“Cạnh tranh SGK cần lành mạnh, mục tiêu là chọn ra những bộ SGK chất lượng nhất cả về nội dung lẫn hình thức trình bày. Cạnh tranh SGK phải minh bạch, không nhập nhèm, tư lợi”, PGS Trần Xuân Nhĩ nói.

Tin cùng chuyên mục