Mơ giấc mơ của những vì sao

Bây giờ, chỉ còn lại mình tôi, trong căn phòng trọ. Tất cả xôn xao của ngày, đã đóng khép. Nhưng dường như sự oi bức của nắng, chưa vội tan. Khát một cơn gió, khát một ly cà phê, và khát một bàn tay.

Quá nhiều nỗi khát. Chở bao nhiêu nước, cho nỗi khát một đời?

Có nhiều câu hỏi, chẳng có lời đáp. Cũng như mọi người, tôi loay hoay tìm kiếm bình yên, nhưng chưa bao giờ biết thế nào là bình yên. Có lẽ lúc này, bình yên là khoảng lặng của phố, hanh hao sau một ngày nắng nóng.

Mười mấy năm rồi, tôi sống đời ở trọ. Bao nhiêu lần chuyển chỗ, bao nhiêu lần đếm từng giọt thời gian. Đôi khi khát được như Văn Cao: “Dưới mái nhà, một người đang ngủ. Mơ giấc mơ, của những vì sao...”.

Không hiểu sao, khi ở trọ, đêm nào tôi cũng... giật mình thức giấc. Giấc ngủ chẳng thể an lành. Phải chăng vì đó không phải là nhà? Phải chăng vì đó không phải là chốn bình yên, để nằm mơ, giấc mơ của những vì sao?

Tôi thích một câu hát của nhạc sĩ Vũ Thành An: “Hãy nhìn lên trời cao, trong một đêm trăng sáng, sẽ thấy mênh mông bầu trời. Ước là một vì sao, bay giữa xanh cao rộng, thấy đời như giấc mộng mà thôi”.

Có những mái nhà cao lắm, rộng lắm, sang lắm... nhưng những người trong đấy, chỉ muốn ra đi.

Có những mái nhà thấp lắm, chật lắm, nghèo lắm... nhưng những bước chân lại muốn quay về.

Tôi khát một mái nhà, tôi khát ngày về. Nhà tôi - ngày xưa - nằm bình lặng cuối một con hẻm nhỏ dài hun hút, chìm khuất trong một vườn cây xanh um những lá. Nơi ấy, tôi đã lớn lên cùng chị cùng em. Đầy ắp những hoài niệm dấu yêu.

Cha mẹ tôi đi làm ăn xa. Bỏ ở nhà đàn con thơ dại mà nát lòng, cháy dạ. Nhưng biết làm sao, vì cuộc đời có bao giờ như một giấc mơ.

Có nhiều giấc mơ không bao giờ trọn vẹn, vì giấc mơ quá lớn.

Đã có những buổi trưa nắng vàng trên lối, ba chị em tôi ngồi đợi một tiếng rao. Tiếng rao của người bán bánh còng, bánh cam. Chúng tôi đã nghèo khó, nhìn dáng người ấy còn nghèo khó hơn. Ban đầu, người ấy dừng lại xin một ly nước. Rồi dần dà quen. Chị nói, thích ngồi dưới mái hiên nhà tôi, cho đỡ nhớ nhà dưới quê.

Thềm nhà tôi lót gạch tàu, màu nâu đỏ. Còn mái hiên, mỗi khi ngước lên, có thể ngắm cả bầu trời, vì lỗ chỗ những khoảng trống. Không hiểu vì lý do gì, chị lại bán thiếu cho ba chị em tôi. Hồi đó, 200 ngàn đồng là lớn lắm, vậy mà chúng tôi ăn bánh còng, bánh cam đến những 200 ngàn đồng tiền nợ. Thú thật, chúng tôi ăn trừ cơm, vì đói quá.

Rồi năm tháng đi qua. Cha mẹ tôi trở về, sửa căn nhà lá thành căn nhà gỗ. Đêm mưa chúng tôi không còn phải thức dậy ngồi co ro một xó. Thoảng đi, không còn thấy chị bán bánh còng lai vãng nữa. Vườn nhà bao lần thay lá. Những trái vú sữa, những trái xoài, bao giờ cũng nằm đầy trên chiếc bàn gỗ độc nhất giữa nhà. Khi giận hờn cha mẹ, tôi và nhỏ em hay leo lên cây trứng cá ngồi. Bình yên lắm. Chỉ có tiếng gió và tiếng chim chìa vôi kêu chim chíp…

Ai cũng mang cho mình, một giấc mơ. Có những giấc mơ hồn nhiên tinh khiết. Có những giấc mơ bay bổng trong lành.

Năm 18 tuổi, tôi thi đại học. Cha mẹ nhìn tôi buồn lắm. Vì tiền đâu đưa con lên Sài Gòn, tiền đâu mua giấy bút để con thi vẽ...

Có lẽ trời thương thì phải, tôi nhận được giấy báo tuyển thẳng đại học. Giấc mơ này lại được thay bằng giấc mơ kia.

Bao năm rồi nhỉ, đã sống đời xa quê? Những tham vọng, càng khiến người ta muốn nhiều hơn. Tôi bây giờ đã khác, không còn lãng mạn và trong trẻo như những ngày thơ bé. Tôi bây giờ lao vào cuộc đời bộn bề với những toan tính lo âu.

Đã quên rồi mái hiên nhà mưa dột. Đã quên rồi lòng bao dung chân chất của chị bán bánh còng bánh cam. Nhiều khi tôi thèm được trở về, ngả mình nằm trên cỏ mượt. Để cảm nhận được mùi của đất. Và để cảm nhận được gió vuốt ve…

Xa rồi. Xa thật rồi.

VÔ THƯỜNG

Tin cùng chuyên mục