Mô hình “lô cốt”

- "Lô cốt" không còn là đặc sản của các đô thị đang phát triển nữa mà đã chuyển lên miền sơn cước.

– Chắc là ở các khu đô thị mới, người ta cũng phải đào lên lấp xuống cho nó ra vẻ đô thị.

– Không có đô thị nào cả, mà là ở đập thủy điện Sông Tranh 2.

– Trời, dựng “lô cốt” ở đó để mần gì?

– Người ta đặt hai “lô cốt” ở hai đầu đường để ngăn không cho… nhà báo nào vô chụp ảnh, đưa tin về rò rỉ đập thủy điện nữa.

– Chắc là các nhà báo đưa chưa chính xác, rò rỉ một mà đưa rò rỉ mười như ông chủ đầu tư từng nói, nên phải ngăn cái sự “phóng đại” này.

– Thì ngăn, nhưng là ngăn mấy tay nhà báo biến cái “bình thường” thành cái bất thường.

– Nói rõ hơn đi.

– Thì bao nhiêu chuyên gia, nhà khoa học, chính quyền địa phương lên tiếng về sự nguy hiểm, cho rằng đây là điều bất thường trong công trình xây dựng thủy điện và đề nghị cấp bách làm rõ nguyên nhân, khắc phục nhanh sự cố rò rỉ, trong khi chủ đầu tư vẫn xem đó là sự “bình thường” không gì phải lo. Ngặt nỗi nhà báo không chịu nghe lời chủ đầu tư, cứ căn cứ yếu tố khoa học của mấy ông chuyên gia, nên chỉ còn cách dựng “lô cốt” cho an tâm.

– Vậy ra cái vụ “lô cốt” này coi bộ ngon, nó có thể giúp ngăn chặn nhiều chuyện “bình thường” ở nhiều nơi, không chừng mô hình này khi được nhân rộng thì con số thống kê sẽ cho thấy tốc độ phát triển “lô cốt” luôn đạt quán quân trong các chỉ số phát triển kinh tế xã hội đó.

Tư Quéo

Tin cùng chuyên mục