
Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được cảm nhận như thế nào trong mắt người Thái? Hợp tác đã là xu thế tất yếu, nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp đồng bằng
Bất ngờ với hội chợ
Giao lưu, tìm hiểu đối tác không phải “đứng bục” diễn thuyết mà “đối mặt” nhau, trao đổi trực tiếp. Tại Hội chợ triển lãm sản phẩm Thái Lan, 6 nhóm được chia cụ thể theo khu vực, lĩnh vực như du lịch, giáo dục; đồ dùng gia đình, sức khỏe; dệt may, thời trang; văn phòng phẩm, thủ công mỹ nghệ; máy móc, dụng cụ nông nghiệp…
“9 giờ khai mạc nhưng hơn 7 giờ người dân đã kéo về đông nghẹt” - bà Lê Thị Kim Thu, Giám đốc Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ hào hứng nói. Theo bà Thu, chỉ trong một ngày sản phẩm của các công ty Thái Lan đã bán gần như hết sạch.

Các doanh nghiệp An Giang trao đổi với đối tác Thái Lan.
Trên 40 công ty với gần 50 gian hàng, nhiều chủng loại mặt hàng chất lượng cao hiện diện trong hội chợ. Bà Thủy Trúc (Công ty TNHH Trung Huy - TPHCM) chuyên nhập hàng gia dụng Thái Lan cho biết, doanh thu tăng gấp 2 - 3 lần so dự kiến ban đầu. Anh Trần Sự ngắm hoài chiếc “Taxi Thái Lan” hình dáng như xe lam thuở trước, nhận xét: “Hàng hóa của bạn đa dạng, nhiều kiểu dáng mới lạ, giá cả khá phù hợp”.
“Hapy! Hapy”, bà Malinee Harnboonsong, Lãnh sự thương mại kiêm Giám đốc Văn phòng Thương vụ, Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TPHCM luôn nói như vậy khi được hỏi về cảm nhận từ hội chợ. “Rất bất ngờ và phấn khởi. Hội chợ không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn phục vụ cho người tiêu dùng với giá cả hợp lý, đúng chất lượng. Hàng năm chúng tôi tổ chức hai kỳ hội chợ hàng Thái ở Hà Nội và TPHCM; lần này mở rộng thử nghiệm ở Cần Thơ bởi đây là trung tâm ĐBSCL, giữ vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa… của Việt Nam”.
Hợp tác tương đồng
Bà Malinee Harnboonsong nhận xét thế mạnh của ĐBSCL là các mặt hàng liên quan tới nông sản, đặc biệt là lúa, trái cây. “Việt Nam và Thái Lan nên hợp tác trên cơ sở tương đồng giữa các ngành nghề. Ví dụ, trên lĩnh vực nông nghiệp, các công ty Thái Lan có thể tới đây tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu rồi xuất khẩu qua Thái Lan hoặc đầu tư, sử dụng nhân công tại chỗ rồi xuất thành phẩm qua Thái. Việc một tập đoàn Thái Lan mua lại hệ thống Metro là chính sách và định hướng từ doanh nghiệp tư nhân. Trên thực tế, các doanh nghiệp từ hai phía cũng thường xuyên hợp tác, đầu tư như vậy (như Vietjet Air…). Đây là cách đầu tư, hợp tác kinh doanh giữa các quốc gia, hai bên cùng có lợi chứ không phải để khai thác tài nguyên của nhau”, bà Malinee Harnboonsong cho biết.
ĐBSCL rõ ràng là thị trường đầy tiềm năng trong mắt các doanh nghiệp Thái Lan. Sắp tới, sản phẩm Thái Lan không chỉ tới đồng bằng qua kênh phân phối của các doanh nghiệp trong nước, mà còn thông qua trung tâm thương mại của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn Thái Lan. Đó là xu thế mở rộng hợp tác, tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết. Các doanh nghiệp đồng bằng cần nhanh chóng nhìn lại mình, sắp xếp lại nội lực nếu không muốn “thua trên sân nhà”.
Du lịch và thách thức
Các đối tác đồng bằng đặc biệt quan tâm đến du lịch. Bà Huỳnh Thị Thúy Kiều, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành An Giang, nhìn nhận: “Khách yêu cầu đi Thái Lan rất nhiều nhưng khách về An Giang và đồng bằng còn ít. Công ty muốn tìm thêm đối tác để vừa đưa khách sang Thái, vừa mời khách về An Giang... Gặp gỡ được họ là mở thêm nhiều cơ hội liên kết”.
Bà Chutathip Chareonlarp, Giám đốc cơ quan du lịch Thái Lan (TAT) tại TPHCM, nhận xét: “Du lịch ĐBSCL nên gắn với nông nghiệp (du lịch xanh, du lịch sinh thái...) sẽ tạo thế mạnh riêng để hút khách. Năm 2015 sẽ thực hiện hội nhập kinh tế khối ASEAN, thuận lợi cũng nhiều nhưng thách thức rất lớn. Các nước trong vùng, nhất là những nước có dòng Mekong chảy qua nên kết nối tạo sức mạnh chung. Tuy nhiên, đây cũng là nơi “nhậy cảm” về thiên nhiên vì nếu quản lý không tốt sẽ dẫn tới cạn kiệt. Phát triển du lịch quan trọng là quản lý, điều hành để bảo tồn và phát triển bền vững”.
Các công ty du lịch lữ hành tại TP Đà Nẵng đã “bắt tay” đưa du khách Việt Nam bay thẳng sang Thái Lan là một gợi ý tốt cho việc mở đường bay tới đồng bằng. “Việc kết nối hàng không từ TP Cần Thơ thẳng đến Thái Lan sẽ khả thi nếu có lượng khách ổn định. Tôi đã đến sân bay Cần Thơ và thấy hạ tầng nơi đây đã sẵn sàng cho việc này. Chúng ta đều mong rằng du lịch mỗi nước không chỉ kết nối trong khu vực mà với cả thế giới” - bà Chutathip Chareonlarp chia sẻ.
VŨ THỐNG NHẤT