Mở lối xuất khẩu sản phẩm nhựa

Nhiều doanh nghiệp nhựa đang nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác hoặc chuyển đổi sản phẩm để tránh bị áp mức thuế cao như hiện nay.
Sản xuất bao bì nhựa tại Công ty Nam Thái Sơn. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất bao bì nhựa tại Công ty Nam Thái Sơn. Ảnh: CAO THĂNG

Năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nhựa được dự báo khá khả quan, đạt mức tăng từ 15% - 18%/năm. Thế nhưng, trong những diễn biến gần đây, nhiều doanh nghiệp nhựa cho biết đang gặp khó khăn khi xuất khẩu hàng vào thị trường Mỹ. Nguyên nhân do Chính phủ Mỹ đang áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng bao bì nhựa Việt Nam. Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp nhựa đang nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác hoặc chuyển đổi sản phẩm để tránh bị áp mức thuế cao như hiện nay.

Biến thách thức thành cơ hội

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, trong năm 2017, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa đã được cảnh báo khá nhiều về nguy cơ Chính phủ Mỹ sẽ áp mức thuế chống bán phá giá sản phẩm nhựa, nhất là đối với mặt hàng túi ni lông nhập khẩu từ Việt Nam. Thế nhưng, quy mô và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước còn khá yếu nên rất khó có thể theo đuổi, tham gia các cuộc đàm phán nhằm chống lại phán quyết này.

Ngược lại, doanh nghiệp chọn cách chủ động đối phó với vấn đề này bằng cách mở rộng thị phần xuất khẩu, giảm mức phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Và thực tế, ngay từ đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Á - Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Đông.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, quy mô thị trường tại các khu vực này còn rất hạn chế, ước chỉ đạt 1/5 quy mô xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Do đó, song song với việc mở rộng thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đang nỗ lực tìm giải pháp trụ lại thị trường Mỹ bằng cách đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường để tránh bị áp mức thuế chống bán phá giá khi xuất sản phẩm nhựa vào thị trường Mỹ.

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, cho biết năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của công ty đã đạt 50 tỷ USD. Trong đó, phần lớn xuất khẩu sang thị trường Mỹ và dự kiến đạt mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2018 từ 22% - 27%. Đầu năm 2018, công ty đã nhận được đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ với tổng giá trị 2 triệu USD.

Nhận định về những tác động khi bị Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá, ông Trần Việt Anh cho rằng, không thể không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của công ty, mà thậm chí sẽ ảnh hưởng rất lớn do thị phần tiêu thụ chính của công ty nói riêng và doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa nói chung chủ yếu là Mỹ - thị trường vốn khó tính nhưng có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, do đã được cảnh báo trước nên từ năm 2017, công ty đã có những định hướng thay đổi nhất định trong hoạt động đầu tư sản xuất.

Cụ thể, công ty đã thực hiện tái đầu tư toàn bộ dây chuyền sản xuất sản phẩm theo hướng tự động hóa hoàn toàn để giảm thiểu chi phí, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường xuất khẩu. Mặt khác, chuyển hướng sản xuất sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường để tránh mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhựa sản xuất tại Việt Nam. Một hướng đi khác doanh nghiệp cũng đang thực hiện là mở rộng thêm thị phần xuất khẩu sang các khu vực châu Âu và Á - Âu.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh thêm, việc mở rộng thị phần xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam ra thị trường các nước trên thế giới hiện khá thuận lợi do chất lượng và thương thiệu sản phẩm nhựa Việt Nam đã có vị trí nhất định trên thị trường quốc tế. Vấn đề khó khăn nhất của ngành nhựa trước đây là sản xuất khuôn mẫu nhưng nay đã được sản xuất với chất lượng tốt. Đặc biệt, một số doanh nghiệp của TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đầu tư nhà máy có trình độ tiên tiến, trang thiết bị máy móc hiện đại, có thể so sánh với các công ty khác trong khu vực, đáp ứng nhu cầu sản phẩm khuôn đúc. Điều này giúp doanh nghiệp ngành nhựa đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng tốt hơn sự thay đổi chủng loại, thiết kế sản phẩm nhựa trên thị trường nói chung.

Chỉ tính riêng doanh nghiệp ngành nhựa TPHCM, không những sản xuất và cung ứng đa dạng sản phẩm nhựa gia dụng mà còn sản xuất mặt hàng phục vụ các ngành công nghiệp khác như pallet nâng hàng, thùng nhựa, vỏ ngoài của sản phẩm điện - điện tử...

Giảm rủi ro cho doanh nghiệp

Tuy nhiên, cùng với việc chủ động nỗ lực giải bài toán khó về thị trường, nhiều doanh nghiệp nhựa cho rằng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp đàm phán để giảm mức thuế áp chống bán phá giá tại thị trường Mỹ. Bởi còn nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có điều kiện chuyển đổi công nghệ sản xuất và thị trường xuất khẩu mới. Một vấn đề khác nữa là phải chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước để ổn định giá thành, giảm thiểu rủi ro, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Dự kiến trong thời gian tới, giá nguyên vật liệu vẫn còn cao nên sản xuất vẫn bị ảnh hưởng.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, đang mở rộng nguồn cung ứng nguyên liệu từ thị trường Nga, thay cho một phần thị trường nhập khẩu nguyên liệu nhựa từ Kuwait và Trung Quốc, bởi giá nguyên liệu nhựa nhập khẩu từ 2 thị trường này rẻ hơn, chỉ khoảng 1.000 - 1.200 USD/tấn. Trong khi đó, tại nhiều thị trường khác có giá 1.400 - 1.700USD/tấn. Ngoài ra, tăng cường nhập khẩu thêm nguồn nguyên liệu nhựa từ các nước Arabia Saudi, Nam Phi, Nga, Qatar, Philippines, Ấn Độ, UAE, Australia.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Công thương cho biết, hiện bộ này đang tích cực cùng tham tán thương mại tại Mỹ tổ chức các hoạt động đàm phán nhằm gỡ bỏ rào cản mức thuế áp chống bán phá giá cho ngành nhựa. Mặt khác, bộ cũng liên tục đưa ra cảnh báo và định hướng chuyển đổi xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nhựa theo hướng đa dạng hóa thị phần xuất khẩu để giảm rủi ro, tránh chỉ tập trung vào thị trường Mỹ để rồi bị động trong hoạt động sản xuất. Đại diện Vụ thị trường Bộ Công thương cũng cảnh báo, việc sử dụng công cụ áp thuế chống bán phá giá sẽ được nhiều nước sử dụng phổ biến hơn trong thời gian tới. Do vậy, doanh nghiệp Việt cần chủ động để thích ứng.

Tin cùng chuyên mục