Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 31 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều và 1 khoản; bao quát hầu hết các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật GDĐH năm 2012.
Trong đó, đáng chú ý nhất là dự thảo mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở GDĐH phát huy tối đa nội lực trong thực hiện tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế. Theo đó, đại học được tăng tính tự chủ trong hoạt động chuyên môn; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính, tài sản.
Thời gian học ĐH có thời gian từ 3-5 năm (so với trước đây là 4-6 năm) để phù hợp hơn với thực tiễn và phân biệt rõ hơn chương trình đào tạo cử nhân và chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù của một số ngành (đào tạo bác sĩ, kỹ sư…).
Đáng chú ý, về quản lý tài chính, tài sản, luật sửa đổi để chuyển quy định về học phí sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật giá, Luật Phí và Lệ phí. Theo đó, các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện do các cơ quan nhà nước quy định khung giá. Các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, cơ sở GDĐH tự chủ quyết định mức giá dịch vụ, công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.
Thảo luận về dự án luật này, rất nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Luật GDĐH cần được sửa một cách toàn diện, vì thế cần thiết nên có thêm thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo. ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, sứ mệnh của GDĐH là cung cấp nguồn chất lượng chất lượng cao cho phát triển của đất nước. Mọi sửa đổi phải hướng đến đáp ứng chuẩn đầu ra ĐH, tức là sinh viên ra trường phải làm được việc, phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhân lực, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4,0 hiện nay. Tuy nhiên, ĐB cho rằng dự thảo luật nhiều vấn đề chưa rõ, vì vậy không nên nôn nóng, nếu cần phải thêm thời gian để nghiên cứu.
Vấn đề nổi lên nhất trong buổi thảo luận là vấn đề quy hoạch mạng lưới ĐH. Các ĐB cũng đề nghị phải quy hoạch lại mạng lưới GDĐH, không để có đến 200.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp như hiện nay. Việc giao tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH là đúng nhưng phải có sự kiểm soát, không để tình trạng các trường cứ mở, cứ đào tạo nhưng không bảo đảm chất lượng. Do đó, cần quy định chặt chẽ việc mở ngành của các trường ĐH. Theo ĐB Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng), ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đều cho rằng cần có cuộc cách mạng trong việc quy hoạch các trường ĐH, đầu tư cho một số trường ĐH công lập trọng điểm, có chất lượng; giảm trường công kém chất lượng. Còn với những trường yếu kém cần được sắp xếp lại. Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát triển các trường ĐH tư thục chất lượng cao nhưng bảo đảm không thương mại hóa giáo dục.
Tình trạng dạy chay, học chay, đào tạo không gắn thực tế cũng được các ĐB chỉ ra, dẫn tới tình trạng sinh viên ra trường thì thất nghiệp còn doanh nghiệp thì vẫn thiếu lao động. “Đào tạo phải làm sao không còn chuyện ra trường phải đào tạo lại sinh viên”, ĐB Phùng Đức Tiến nói (Hà Nam) nói.
Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Luật phải khắc phục triệt để tình trạng người có tình trạng tốt nghiệp ĐH bị thất nghiệp. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ hơn 200.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp chiếm khoảng 4% so với tổng số lao động. ĐB Hoàng Quang Hàm cho rằng, tuy tỷ lệ này không lớn so với các quốc gia nhưng ở Việt Nam, để nuôi 1 sinh viên, cả gia đình phải chắt bóp, là niềm hy vọng của cả dòng họ. “Không thể để tình trạng này, nhất là khi đã sửa luật. Sửa luật phải thực hiện quy hoạch mạng lưới ĐH, không để các trường yếu kém hoạt động. Kiểm soát chặt chuẩn đầu ra, bảo đảm đào tạo phải gắn với thị trường. Đồng thời cần bắt buộc các trường công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm để người học lựa chọn”, ĐB Hoàng Quang Hàm nêu quan điểm. Vẫn theo ĐB, phải bảo đảm tự chủ ĐH thực sự, điều kiện tự chủ không được bó buộc. Nhưng cũng phải bảo đảm tính giải trình, các cơ sở tự chủ dù công lập hay ngoài công lập đều phải công khai, minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả sinh viên có việc làm..
Về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, không ai là không thấy bức xúc về việc lạm phát bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam trong thời gian qua. Theo đại biểu Tiến, để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của nước ta trong những năm tới được nâng cao, ông Tiến đề nghị cần triển khai một cách nghiêm túc hơn, thực chất hơn chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.