
Các đối tượng khai thác cát trái phép lộng hành đến nỗi lực lượng dân quân, trưởng thôn và một số người dân thôn An Đôn, xã Triệu Thượng (Triệu Phong-Quảng Trị) “ra quân” không cho hơn 10 chiếc đò khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn (đoạn ở địa bàn của thôn) thì ngay lập tức, những người này đã bị các đối tượng khai thác cát trái phép dùng gậy, xẻng tấn công.
Chỗ nào có cát là... hút

Giữa cái nắng như đỗ lửa, trưa ngày 18-5, chúng tôi bắt gặp ông Phan Cường, trưởng thôn An Đôn, người ướt đẫm mồ hôi, đang tìm cách “cứu” mấy luống dưa trồng cạnh bờ sông đã bị bốc rễ do các đối tượng khai thác cát trái phép gây sạt lở khiến các luống dưa này cũng trôi theo ra sông.
Xa xa theo mép sông này có nhiều nông dân đang ngậm ngùi làm việc giống như ông Cường. “Chỉ mấy hôm thôi, hàng chục chiếc thuyền hút cát ở đây đã gây ra những mãng lở lớn, khiến cho đất đai canh tác của nhiều bà con đang trồng đậu phộng, trồng dưa bị vuì lấp, ông Cường ngao ngán nói.
Hiện trên dòng sông Thạch Hãn đang diễn ra vấn nạn khai thác cát, sạn một cách vô tội vạ, hoạt động này diễn ra cả ngày lẫn đêm. Hễ chỗ nào còn cát, sạn là các đối tượng khai thác cát trái phép cho thuyền cùng với những đội quân hùng hậu tới “làm sạch”. Từ đầu năm 2008 cho đến nay, trên địa bàn các thôn thuộc phía Bắc dòng Thạch Hãn như: Trấm, An Đôn, Xuân An, Trung Kiên, Thượng Phước, Nhan Biều 1,2,3, xã Triệu Thượng (Triệu Phong) với chiều dài gần 25km, xuất hiện 30 cho đến 40 chiếc đò máy không rõ nguồn gốc tiến hành khai thác cát trái phép, trong đó các đối tượng khai thác cát trái phép tiến hành khai thác mạnh và ồ ạt nhất là thôn An Đôn.
Bà con nông dân cho hay: Cứ vào 0g cho đến 15g, trên khúc sông này có hàng chục chiếc đò, mỗi đò có từ 4 đến 5 người, với một máy hút lớn, đậu giữa dòng và thả vòi hút áp sát vào bờ để hút cát.
Ông Cường cho biết thêm, chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng trở lại đây, việc khai thác cát đã làm cho đất canh tác của bà con bị sạt lở nghiêm trọng, mất trắng hơn 10ha, có đoạn bị sạt lở ăn sâu vào bờ hơn 30m và kéo dài hàng cây số từ đầu thôn cho tới cuối thôn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, cùng thôn với ông Cường, là người có rất nhiều hoa màu vừa bị mất nói trong nước mắt: “Mấy tháng vừa qua, ngày nào cũng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để chăm cho mấy chục luống đậu phộng, vậy mà...”.
Đất hoa màu sẽ không còn
Nhiều năm qua, thiên tai, bão lũ, đã làm cho nhiều diện tích đất canh tác của bà con nông dân dọc theo dòng Thạch Hãn bị sạt lở, xói mòn, cuốn trôi. Đứng trước nguy cơ mất đất canh tác nên nhiều năm nay, bà con đã tự góp sức, góp của lên đến hàng trăm triệu đồng tu bổ như: Đắp hệ thống đê bao để hạn chế hiện tượng xâm thực và tiến hành xây một số đoạn kè để giữ lấy đất.
Song vì cái lợi trước mắt, các đối tượng khai thác cát trái phép đã đạp bỏ quyền lợi chính đáng của người dân, gây sạt lở hệ thống đê bao của bà con. Trước thực trạng trên, bà con nông dân đã lên tiếng ngăn chặn..., đồng thời gửi đơn thư xin chính quyền các cấp tỉnh Quảng Trị xem xét giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Một công an thôn An Đôn cho biết; Việc khai thác cát trái phép diễn ra ngày càng ngang nhiên, bất chấp luật pháp, các đối tượng khai thác cát trái phép với số lượng lớn, cùng phương tiện khai thác hiện đại và chúng sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng ngăn cản.
Qua điều tra, chúng tôi được biết, vừa qua một công an huyện Triệu Phong trong lúc làm nhiệm vụ ngăn cản việc khai thác cát, sạn trái phép trên sông Thạch Hãn đã bị nhóm người khai thác này tấn công dẫn đến bị thương. Và gần đây nhất là vụ dân quân thôn An Đôn lên đò của “sa tặc” để ngăn chặn nạn khai thác cát cũng bị chúng dùng gậy, xẻng khống chế và lập tức bị ném xuống sông.
Thôn An Đôn, xã Triệu Thượng có 315 hộ với 1.380 khẩu, sinh sống chủ yếu dựa vào 178ha đất trồng trọt phân bổ theo dọc triền sông Thạch Hãn, nhưng trước thực trạng khai thác cát, sạn như trên nếu không được ngăn chặn kịp thời thì trong vòng 5 đến 7 năm nữa số đất canh tác của bà con này sẽ không còn nữa.
VÕ LINH