Môi trường thân thiện

Chương trình phát triển nguồn nhân lực (giai đoạn 2011-2015) vừa được Hội nghị Thành ủy TPHCM
lần thứ 3 thông qua, trong đó đề ra nhiều giải pháp, chính sách thu hút nhân tài. Khi góp ý dự thảo chương trình này, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn bày tỏ quan điểm với Thường trực Thành ủy TPHCM: Đừng nghĩ cứ trả thu nhập thật cao là có thể thu hút được nhân tài. Điều những người trí thức cần hơn cả, là môi trường làm việc thân thiện để cùng nhau hợp tác và nghiên cứu khoa học. Nhưng nhìn lại, môi trường làm việc ở nhiều đơn vị đang là lực cản cho phát triển, làm cho cán bộ giỏi chán nản, bỏ ra ngoài làm việc.

Một thạc sĩ trẻ được đào tạo ở nước ngoài, mới xin nghỉ việc ở một sở, bộc bạch, anh xin ra ngoài làm không hẳn vì thu nhập thấp mà tại cách đối xử giữa người với người, giữa cấp trên và cấp dưới ở cơ quan anh. “Người dám làm thì không ai bảo vệ, còn người nhát gan lại được cất nhắc. Có người khuyên tôi cần phải “quan hệ” với cấp trên thì mới trụ vững lâu dài được. Điều này không hợp với tôi”, anh phân trần. Thường thì người tài chỉ giỏi chuyên môn nhưng kém tài xu nịnh.

Nhà báo Hữu Thọ có lần tâm sự: Cái “ngu dốt” nhất của người tài là không hiểu biết gì về môn “khoa học xu nịnh”. Người quân tử không phải không có trí, không phải không có mưu, nhưng người quân tử không thèm làm những chuyện mưu mô, xảo trá mà tiểu nhân dám làm. Trớ trêu thay, trong nhiều hoàn cảnh, kẻ tiểu nhân lại thắng người quân tử - một kẽ hở trong chính sách trọng dụng nhân tài.

Có giáo sư Việt kiều là giảng viên trường đại học danh tiếng ở Nhật về nước làm việc và ông thấm thía nhiều bài học xương máu chỉ vì tính ông là người ngay thẳng, hay nói thẳng sự thật. Ông hiểu, sự thật dễ làm tổn thương người khác và đưa đẩy chính mình lâm vào tình cảnh bất an. Sự thật cũng dễ làm lung lay cái ghế quyền lực, nên một khi đã yên vị trên ghế quyền lực rồi, nhiều người có quyền lực lại sợ sự thật, tìm mọi cách bảo vệ ghế bằng quyền lực. Lâu dần, có vị chỉ quen độc thoại chứ không quen đối thoại. “Thành ra, người nắm quyền lực nếu không cởi mở, thiện chí và có tâm trong sáng, chẳng ai dám nói thẳng, nói thật” - nhà trí thức này bày tỏ.

GS Trần Quốc Vượng kể rằng, người Việt Nam có nhiều đức tính tốt, nhưng “căn tính và tâm thức tiểu nông” là thách thức lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ông liệt kê, đó là tính hẹp hòi (ích kỷ hại nhân), tính đố kỵ (níu kéo lẫn nhau), tính bè phái (kéo bè kéo cánh), tính đại khái (không bao giờ chính xác) và thích sống theo lệ hơn theo luật… Những “căn tính và tâm thức tiểu nông” chính là căn nguyên làm “ô nhiễm” môi trường làm việc.

Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 3 đặt vấn đề cần phải đột phá tư duy để thực hiện 6 chương trình đột phá. Nên chăng, để đột phá tư duy cần thiết phải xây dựng môi trường thân thiện?

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục