Mòn mỏi chờ rạp hát

Tính đến nay, rạp Hưng Đạo (TPHCM) đã xây xong hơn cả năm, và được bàn giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nhưng nhà hát không thể đưa vào sử dụng. Với thiết kế hiện đại và “độc, lạ” nhưng không đáp ứng so với yêu cầu căn bản của một rạp hát cải lương cần sử dụng, khiến rạp hát mới xây không thể hoạt động biểu diễn phục vụ khán giả.
Mòn mỏi chờ rạp hát

Tính đến nay, rạp Hưng Đạo (TPHCM) đã xây xong hơn cả năm, và được bàn giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nhưng nhà hát không thể đưa vào sử dụng. Với thiết kế hiện đại và “độc, lạ” nhưng không đáp ứng so với yêu cầu căn bản của một rạp hát cải lương cần sử dụng, khiến rạp hát mới xây không thể hoạt động biểu diễn phục vụ khán giả.

Trước tiên là sân khấu quá nhỏ, diện tích chỉ chừng 8x8m; chiều cao sân khấu đến trần hơn 5m, nhưng khi vừa bước vào trong cánh gà, chiều cao bị tuột ngay xuống còn 2,5m, không thể di chuyển các cảnh trí lớn, cảnh trí có độ cứng bằng gỗ, khung sắt, diện tích hậu trường nhỏ...

Ngoài ra, khán phòng quá nhỏ, sức chứa chỉ 600 ghế nhưng 300 ghế trên lầu không thể phục vụ khán giả vì bị lan can tầng lầu che khuất tầm nhìn, không có chỗ để dàn nhạc cổ ngồi đàn, nơi hóa trang của diễn viên là dãy hành lang tầng trên ngay phía sau sân khấu, cách không gian sân khấu một tấm màn, thiết kế xây dựng mặt tiền rạp cũng kém tính thẩm mỹ…

Khi nhận công trình được xây dựng hơn 130 tỷ đồng này, NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, đã lắc đầu ngao ngán, ông cho biết không thể đưa rạp hát vào hoạt động và dù cho có cố gắng sửa chữa đến đâu đi nữa, cũng không thể sử dụng sân khấu vào việc tổ chức biểu diễn. Một công trình rạp hát mang ý nghĩa “thánh đường sân khấu cải lương” của TPHCM; một công trình văn hóa độc đáo, ấn tượng; một sân khấu nghệ thuật hiện đại, sang trọng và lộng lẫy dành cho nghệ thuật dân tộc, là công trình đặc biệt chào mừng thành phố 40 năm… được xây dựng quy mô, nhưng đến khi hoàn thành, ngay lập tức đã gây bao ngỡ ngàng, bức xúc, thất vọng cho giới làm nghệ thuật, các đạo diễn, nghệ sĩ sân khấu cải lương tâm huyết.  

Rạp Hưng Đạo đã xây xong hơn cả năm, được bàn giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nhưng nhà hát không thể đưa vào sử dụng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Công trình văn hóa này do Ban Quản lý dự án (thuộc Sở VH-TT TPHCM) thực hiện nhưng khi xây xong, rạp hát thường xuyên đóng cửa. Trước những bức xúc của giới nghệ sĩ, Thanh tra TP đã vào cuộc. Sau nhiều tháng chờ đợi ròng rã, đến nay, khi đã có kết quả thanh tra nhưng sự việc về rạp Hưng Đạo vẫn chìm trong im lặng.

Mới đây, trong buổi làm việc của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM, sau khi nghe NSND Trần Ngọc Giàu trình bày, Bí thư Đinh La Thăng đã truy đến cùng về sự vụ công trình rạp Hưng Đạo và Giám đốc Sở VH-TT TPHCM đã nhận lỗi thuộc về Ban Quản lý dự án Sở VH-TT TPHCM.

Bây giờ, đau đầu nhất vẫn là những dấu hỏi lớn dành cho một công trình văn hóa trăm tỷ đồng đồ sộ, với nhiều sai phạm: Làm sao sửa chữa, kinh phí ở đâu, sửa chữa xong có thể biểu diễn nghệ thuật được không? Nếu không thì tòa nhà bê tông cốt thép ấy dùng vào việc gì cho phù hợp, thiết thực, không bị lãng phí?

Nhìn vào thực tiễn tại TPHCM, hầu hết các rạp hát còn được sử dụng đều có tuổi đời mấy chục năm, đa số đã xuống cấp. Khi rạp Hưng Đạo được xây dựng, giới nghệ sĩ sân khấu đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào ngôi nhà mới này, nhưng khi rạp xây dựng xong, tất cả sự hân hoan, bao mong mỏi về một thánh đường nghệ thuật mơ ước bỗng chốc vỡ tan. Và hơn một năm qua, anh em nghệ sĩ sân khấu lại tiếp tục chờ mòn mỏi, đợi quy trình thanh tra nhà hát hoàn tất, chờ kết quả khắc phục có hậu cho sân khấu cải lương, nhưng đến nay sự việc vẫn im ỉm, cả Sở VH-TT TPHCM lẫn đơn vị chịu trách nhiệm là Ban quản lý dự án vẫn chưa có động thái nào rõ ràng về cách giải quyết đến nơi đến chốn vụ việc rạp Hưng Đạo.

Bao dấu hỏi về công trình vẫn còn đó, bao nỗi niềm bức xúc của giới nghệ sĩ vẫn còn đó, những ai quan tâm về vụ việc này đang mãi nghiền ngẫm một chữ chờ - chờ một kết luận rõ ràng, chờ cách giải quyết có giá trị và ý nghĩa vì lợi ích thiết thực của sân khấu truyền thống.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục