Đời bộ đội là gian lao, vất vả, hy sinh nhưng người lính luôn vượt lên mọi thử thách, gian khó, yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ. Những lo toan đời thường của họ và gia đình cũng giống như bất cứ người lao động trong những ngành nghề khác. Đó là, mong có được sự sum họp, đời sống ổn định, an cư trong ngôi nhà của mình. Được đến thăm Căn cứ 696 - đơn vị bảo đảm kỹ thuật - hậu cần thuộc Vùng 2 Hải quân, chúng tôi càng cảm nhận rõ ràng và mong được chia sẻ, góp sức nhiều hơn với mơ ước chính đáng ấy, để người lính nhẹ vơi bớt lo toan, thêm động lực thường trực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu vì sự bình yên của biển đảo quê hương.
1. Người lính thời bình cũng như thời chiến: đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Điều khác biệt so với thời chiến là những sĩ quan chuyên nghiệp có thể được ở cùng gia đình, nếu cha mẹ, vợ con họ chấp nhận xa quê, chuyển cư tới nơi người lính đóng quân. Nhưng thực tế không đơn giản, bởi khi đó người lính cùng gia đình họ phải cùng nhau giải bài toán khó, cũng là niềm mong mỏi có được một mái nhà để an cư và một công việc có thu nhập cho người thân, phụ vào đồng lương người lính, đủ nuôi sống gia đình. Nếu vượt qua được hai điều quan trọng đó, hiển nhiên sẽ tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho bộ đội càng yên tâm công tác vì bên cạnh họ đã có một hậu phương vững chãi nhất. Và, những CB-CS hải quân ở Căn cứ 696, ngoài việc luôn hoàn thành nhiệm vụ mà quân đội giao phó, đang nỗ lực “chiến đấu” vượt qua khó khăn đời thường để vươn tới, đạt được niềm mong mỏi đơn sơ đó.
Ngôi nhà của trung úy Trần Anh Đức rộng chừng 60m2 (ở ấp 3 xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch), cách căn cứ chừng 3km, khá khang trang và tiện nghi. Tiếp chúng tôi, vợ chồng anh cùng 2 con gái tỏ ra rất hồ hởi, tự nhiên. Căn nhà được xây dựng từ năm 2007 sau khi cặp vợ chồng mua được mảnh đất giá 30 triệu đồng, nhờ hai bên gia đình trợ giúp, sau khi anh chị sinh cháu thứ 2. Người vợ làm công nhân trong KCN Nhơn Trạch. Có nhà rồi, thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng trung úy Đức chừng 10 triệu đồng, giúp gia đình nhỏ này ổn định và yên tâm cuộc sống. “Nhìn lên chẳng bằng ai, nhưng chúng em cảm thấy gia cảnh mình ổn định, sung sướng hơn so với nhiều đồng đội”, bằng giọng Hà Tĩnh khá nhẹ, trung úy Đức chia sẻ.
2. Trung tá Nguyễn Bá Tỉnh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Căn cứ 696, xác nhận thực tế, có đến gần 50% gia đình CB-CS của đơn vị đang phải ở nhà thuê. Gánh nặng lo toan đời thường quả thật đang đè nặng trên vai người lính. Nhưng bù lại, có vợ con ở liền bên, những CB-CS này được sẻ chia rất nhiều về mặt tinh thần. Đa số những người vợ lính ở Căn cứ 696 đều có việc làm trong KCN Nhơn Trạch. Thu nhập của các chị, dù không nhiều, nhưng cũng là nguồn phụ giúp quý giá cùng chồng vén khéo chăm lo cuộc sống, lo ăn học cho con. Các gia đình bộ đội ở đây trong tình thương yêu đầm ấm đang cùng nhau vượt khó với niềm hy vọng và tin tưởng: cuộc sống sẽ ngày càng ổn định và tốt đẹp hơn.
Đến thăm nơi ở của gia đình trung úy Nhữ Mai Anh, tìm hiểu về gia cảnh và cuộc sống hiện tại của người sĩ quan có 16 năm tuổi quân này, chúng tôi thấy cảm mến và nể phục. Gia đình nhỏ này có 2 con, con trai lớn 8 tuổi, học lớp 2; con gái nhỏ 15 tháng tuổi. Căn nhà cấp 4 giản dị, không có cả giường nằm. Ngó quanh, thấy vật dụng đáng giá nhất là cái TV đời cũ và bộ bàn ghế học sinh dành cho cậu con trai lớp 2. Vợ của trung úy Mai Anh là công nhân trong KCN Nhơn Trạch, đi làm chưa về dù lúc này đã hơn 6 giờ chiều. Hai đứa trẻ không hề ngại người lạ, cậu con trai nghe lời bố lấy mấy ly nước lọc mời khách rất lễ phép, trong khi cô con gái sà ngay vào vòng tay của chúng tôi. Sự bạo dạn của các cháu được lý giải là do gần như suốt ngày xa cha mẹ, nên cô bé được gửi hàng xóm. Thằng anh đi học về thì ghé đó ở chơi và học bài chờ cha mẹ đi làm về…
Lương của trung úy Mai Anh khoảng 6 triệu đồng, vợ góp thêm 3,5 triệu đồng lương công nhân. Tiền thuê nhà 500.000 đồng, tiền học ở trường và học thêm của cậu con trai khoảng 600.000 đồng, tiền gửi nhóm trẻ của bé gái 1 triệu đồng. Số tiền còn lại trong thu nhập hàng tháng đủ để chi phí cần thiết cuộc sống hàng ngày và cũng có dành ra chút đỉnh dự phòng lúc “trái gió trở trời”. Trung úy Nhữ Mai Anh trầm tư: “Ở đâu thì cũng là sống và làm việc, chứ để vợ con ở quê một chốn đôi nơi còn mệt hơn. Chúng tôi mong có được miếng đất, rồi dành dụm, vay mượn cất được căn nhà đơn sơ cho con trẻ có điều kiện ăn ở tốt hơn là mừng lắm”.
3. Cách đây hai tháng, chúng tôi được đi thực tế ở Vùng 5 Hải quân thuộc vùng biển Tây Nam bộ. Điểm chung về nỗi lo toan đời thường của bộ đội Hải quân đứng chân trên các địa bàn - dù trong đất liền hay ngoài đảo xa - và gia đình họ là làm sao có được nếp nhà an cư. Nay, dù chỉ mới đến được một đơn vị thuộc Vùng 2 Hải quân, càng thấy rõ hơn một “mẫu số chung”: gia đình người lính đã và đang cần lắm sự trợ giúp từ nhiều nguồn, nhiều phương diện để có thể sớm thỏa niềm ước ao đó.
Được biết, từ Bộ Tư lệnh quân chủng đến Bộ Tư lệnh các vùng hải quân đang coi việc chăm lo nhà ở cho gia đình CB-CS là nhiệm vụ đột phá. Chính quyền các địa phương cũng quan tâm, xem xét quy hoạch để có thể dành quỹ đất nhà ở cho gia đình bộ đội. Nhiều hoạt động từ các tổ chức xã hội cũng đang hướng tới việc trợ giúp xây dựng nhà đồng đội cho những gia cảnh khó khăn. Chương trình “Chăm lo hậu phương - Vững lòng biển đảo” do Báo SGGP cùng lực lượng bộ đội Hải quân phát động và thực hiện từ gần 3 tháng nay đã thu được những kết quả ban đầu khả quan, chăm lo được phần nào các nội dung: Trao học bổng cho con em chiến sĩ Hải quân vượt khó học giỏi, hỗ trợ thăm khám chữa bệnh cho thân nhân CB-CS… Tin rằng, qua thời gian, với sự đóng góp mạnh mẽ hơn từ các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân… chương trình chăm lo đầy ý nghĩa này sẽ góp phần hiện thực hóa niềm mơ ước về những ngôi nhà tình nghĩa, đồng đội của “những người lính giữ biển”.
THƯ NAM