Mong manh kè biển

Thực trạng hiện tại cho thấy triều cường, bão dữ liên tiếp uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân khiến những tuyến đê, kè biển trở nên rất mong manh...
Mong manh kè biển

Thực trạng hiện tại cho thấy triều cường, bão dữ liên tiếp uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân khiến những tuyến đê, kè biển trở nên rất mong manh...

Đe dọa kè sắt

Trở lại bờ kè cửa Đại (xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) những ngày đầu mùa mưa. Chỉ mới gặp những đợt gió cấp 5-6, toàn bộ phần kè cừ lá sen bằng sắt được đóng xuống để chống sạt lở với vốn đầu tư 49 tỷ đồng đã nằm vùi sâu dưới lớp cát dày. Không những vậy, những cọc sắt tiếp giáp trực diện với sóng biển cũng đã bị đánh nghiêng ngả.

Phía bên xã Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh), bờ kè bằng tre được dồn dập thi công cũng tháng 9 năm ngoái đã xiêu vẹo, có nơi bị sóng biển đánh bay lên bờ nằm chỏng chơ. Nghiêm trọng hơn, do cát bồi lấp, sạt lở khiến gần 200 tàu cá của ngư dân mắc kẹt bên trong không thể nào thoát ra để đánh bắt được. Trong đó, hai chiếc tàu cá 1.000CV/chiếc của ngư dân Lê Văn Quốc mới vừa hạ thủy xong chờ ngày ra khơi đành “án binh bất động” khiến gần 20 lao động và chủ tàu như ngồi trên đống lửa.

“Bỏ ra gần 10 tỷ đồng đóng mới hai tàu đánh bắt xa bờ, định bụng trời yên biển lặng ra khơi để thu hồi vốn, trả nợ. Ai dè cửa biển bị bồi lấp, bít luôn. Kè biển gì mà có cũng như không” - anh Quốc bức xúc. Lý giải về việc bỏ ra gần 50 tỷ đồng đóng kè nhưng vẫn sạt lở và cửa biển vẫn bị lấp, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Huỳnh Chánh cho rằng, do tình huống cấp bách khi đó nên phương án tối ưu là đóng kè cừ lá sen để nạo vét cửa biển cho tàu thuyền ra khơi. Phương án lâu dài phải làm kè bê tông vĩnh cửu, mà phương án đó đang còn bàn bạc và chưa có kinh phí.

Cùng tình cảnh với kè cửa Đại, chỉ hơn 2 năm đưa vào sử dụng, tuyến kè bảo vệ bờ biển xã Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã bị xé toạc một đoạn dài và một số điểm khác có dấu hiệu xuống cấp, mất dần công năng. Đoạn bờ biển tiếp giáp công trình này vẫn chưa được đầu tư xây dựng nên luôn xảy ra hiện tượng sạt lở, xâm thực nghiêm trọng.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Nguyễn Hưởng, cán bộ địa chính và xây dựng xã Tam Hải, giải thích: “Do điểm cuối của tuyến kè tiếp giáp với hệ thống kênh thoát nước nên mùa mưa bão sóng lớn đánh vào liên tục, trong khi đó nước từ kênh thì chảy ngược ra tạo thành vòng xoáy mạnh phá nát công trình. Nếu không có giải pháp khắc phục một cách nhanh chóng thì e rằng những mùa mưa bão kế tiếp sẽ xé toạc tuyến kè này”.

Kè biển Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) bị sóng đánh vỡ toác. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Tại Đà Nẵng, trong các trận bão cuối năm 2007 và 2008, tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), nước biển đã ăn sâu vào đất liền, cuốn trôi nhà cửa và ao tôm của 16 hộ chuyên nuôi tôm giống. Cạnh đó, một đoạn đê dài gần 2km chạy dọc sông Cu Đê (đoạn cầu Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc) cũng bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của cầu Nam Ô. Sóng biển xâm thực đã đánh sập và hư hỏng hàng loạt điểm trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành cũng là kè chắn sóng của người dân trên trục đường này.

Đánh hỏng kè mềm

Vào tháng 8-2007, tại Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, một loại mỏ hàn mềm có tên gọi là Stabinplage (hai con lươn chắn cát) chống xói lở và xâm thực bờ biển do Công ty Espace Pur (Pháp) thi công được đưa vào thử nghiệm với kinh phí gần 30 tỷ đồng.

Mỗi con lươn có chiều dài 50m vuông góc với bờ biển, cao khoảng 1,5m, trong con lươn được bơm đầy cát. Cấu tạo gồm 2 phần, vỏ ngoài có hai lớp làm bằng chất liệu polyester và polypropylene, vỏ trong làm bằng chất polypropylene. Khoảng cách giữa hai con lươn từ 20-30m, tác dụng cản sức đập của sóng vào bờ, không cho các trôi theo các đợt sóng. Tuy nhiên, mỏ hàn mềm này đã bị sóng biển đánh bay hoàn toàn trong khoảng 1 năm sau khi đưa vào sử dụng.

Trong khi vào năm 2009, tỉnh Quảng Trị đầu tư 6 tỷ đồng xây dựng hệ thống kè bê tông kiên cố dọc bãi tắm Cửa Tùng (xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh) dài 700m với 3 đoạn cùng có kết cấu tường đứng. Đến tháng 11-2010, do tác động của triều cường, sóng lớn gây sụt lún, hư hỏng khoảng 200m kè, sạt lở khoét sâu và phá vỡ tuyến đường nhựa dọc bờ biển từ 4 đến 10m tại đỉnh cung lõm của đường bờ. UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các đơn vị thi công phải xử lý khẩn cấp bằng cách đổ đá hộc hàn gắn các điểm đường bị sạt lở, sụt lún và bảo vệ bờ bằng các khối bê tông nặng 5 tấn/khối.

Lão ngư Nguyễn Thọ, xã Vĩnh Quang là người gắn bó cả đời với nghề cá tâm sự, vẫn chưa có nhà khoa học hay cơ quan chức năng nào vào cuộc xác định nguyên nhân bãi tắm bị xâm thực và sạt lở. Nhưng kinh nghiệm của ngư dân, nguyên nhân xuất phát từ khu neo đậu trú bão và hậu cần nghề cá (KNĐTB-HCNC) Cửa Tùng.

Cuối năm 2005, KNĐTB - HCNC Cửa Tùng với kinh phí xây dựng 39 tỷ đồng đã làm thay đổi đột ngột mối liên kết tự nhiên, gây ra những biến đổi bất lợi. Khu này có diện tích gần 100.000m2 nằm sát phía bên phải của bãi tắm. Trước khi xây dựng đây vốn là cái vũng khổng lồ hình vòng cung được che chắn sóng biển bằng cồn cát lớn nằm án ngữ phía trước mặt. Nhưng khi triển khai xây dựng, đơn vị thi công đã huy động máy móc “ngoạm” toàn bộ 189.289m3 cát từ cồn cát, san lấp cái vũng hình vòng cung rồi... bê tông hóa.

Đối với làng cổ Thai Dương Hạ, để chống lại nguy cơ bị nhấn chìm xuống biển, tháng 5-2014, dự án xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển khu vực xã Hải Dương, thị xã Hương Trà là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên - Huế, với mục tiêu chống sạt lở bờ biển, đảm bảo an toàn dân cư ở thôn Thai Dương Hạ. Công trình được xây dựng bằng hệ thống kè mái nghiêng tại bờ biển bị xói lở, với chiều dài 730m, kết cấu đỉnh kè kết hợp làm đường quản lý và giao thông bằng bê tông, tổng mức đầu tư của dự án là gần 49 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, khi dự án này sắp hoàn thành thì lại phát hiện một số vấn đề uy hiếp thân bờ kè. Tại buổi làm việc tại hiện trường trước khi tuyến đê biển thuộc dự án này được nghiệm thu với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao vào ngày 10-10, ông Trần Đa Min, cán bộ UBND xã Hải Dương nhìn nhận, qua khảo sát, đánh giá thực tế, phía trong thân kè (phía bên phá Tam Giang) nếu không được gia cố thì nguy cơ sạt lở, gây hư hỏng công trình và mở cửa biển rất cao. Riêng chủ đầu tư Dự án là Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị tỉnh cho phép xử lý, gia cố thân kè đảm bảo an toàn.

HÀ MINH - VĂN THẮNG

Thừa Thiên - Huế diễn tập ứng phó vỡ đập thủy lợi

Sáng 31-10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức diễn tập phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ du các công trình thủy lợi, thủy điện.

Tình huống giả định: hồ thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ đang điều tiết xả lũ về hạ du với lưu lượng 2.000m3/giây đã gây ngập nặng và cuốn trôi nhà cửa tài sản của nhiều hộ dân ở thị xã Hương Trà. Đặc biệt, hồ thủy lợi Thọ Sơn nước lũ dâng cao gây nguy cơ vỡ thân đập uy hiếp tính mạng và tài sản của hàng ngàn hộ dân trong vùng. Phương án gia cố cứu đập thủy lợi, sơ tán di dời dân ở vùng nguy hiểm.

VĂN THẮNG

>> Miền Trung: Lở từ sông ra biển

Tin cùng chuyên mục