Chợ Bến Thành

Một biểu tượng của TPHCM

Một biểu tượng của TPHCM
  • Chợ xưa
Một biểu tượng của TPHCM ảnh 1

Chợ Bến Thành xưa.  Ảnh: T.L

Theo nhiều tài liệu và giả thuyết, chợ Bến Thành đã có từ trước khi Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái).

Bến này để cho khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, do đó khu chợ này cũng có tên gọi là chợ Bến Thành. Khu vực xung quanh thành Gia Định lúc bấy giờ chỉ có khoảng 100.000 dân và chợ Bến Thành là nơi đông đúc nhất. Cạnh khu chợ, dọc theo bờ sông Bến Nghé, các ghe, thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, khi ấy khu họp chợ trên bến chỉ là một dãy nhà trống lợp ngói.

Năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định và dùng hỏa công thiêu rụi thành, chợ Bến Thành cũng bị cháy theo. Năm 1860, chính quyền Pháp cho xây cất lại chợ Bến Thành ở địa điểm cũ. Chợ được cất bằng cột gạch, sườn gỗ và lợp lá. Tháng 7-1870, chợ bị cháy mất một gian, phải xây cất lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp ngói, tất cả có năm gian: gian thực phẩm, gian hàng cá, gian hàng thịt, gian hàng ăn uống và gian hàng tạp hóa. Trong năm gian hàng này, chỉ có gian hàng thịt được lợp bằng tôn, nền lót đá xanh.

Khu chợ càng trở nên đông đúc với các cửa hiệu phần đông là của người Hoa, người Ấn và người Pháp. Tuy nhiên, khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ. Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt vì mái tôn nhẹ nên chưa bị phá. Đồng thời, người Pháp cũng lựa chọn một địa điểm xây cất một khu chợ mới, lớn hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán ngày càng sầm uất, phát triển. Địa điểm lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho, tức là địa điểm chợ Bến Thành ngày nay. Cuối tháng 3-1914, khu chợ Bến Thành mới được khánh thành. Lễ ăn mừng chợ mới được báo chí thời đó gọi là “Tân vương hội” vì diễn ra suốt 3 ngày với pháo bông, xe hoa và hơn 100.000 người dân, kể cả từ các tỉnh đổ về tham dự.

Khu chợ mới này vẫn mang tên gọi Bến Thành, ngoài ra người dân còn gọi là chợ Mới để phân biệt chợ Cũ tại địa điểm cũ, vốn chỉ còn gian hàng thịt. Phần còn lại bị phá đi và được người Pháp xây dựng thành cơ quan Ngân khố. Đến năm 1940, hai con đường bên hông chợ trở thành bến xe đò miền Đông và miền Tây. Về sau, bến xe này được dời đi chỗ khác. Hoạt động liên tục trong 70 năm cho đến tháng 8-1985, chợ Bến Thành được cải tạo và sửa chữa lớn theo đồ án của Phó Tiến sĩ Hoàng Như Tấn với sự tham khảo ý kiến của một số kiến trúc sư khác và được đưa vào sử dụng cho đến hôm nay.

  • Chợ nay
Một biểu tượng của TPHCM ảnh 2

Cửa Nam chợ Bến Thành trở thành biểu tượng của TPHCM.

Chợ Bến Thành hiện nay có diện tích 13.056m2, nằm ngay vị trí trung tâm của thành phố, giữa các con đường Phan Bội Châu-Phan Châu Trinh-Lê Thánh Tôn-Công trường Quách Thị Trang ở quận 1. Chợ có 16 cửa với bốn cửa lớn: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Trong ký ức của ông Phạm Văn Tân (hiện là Phó ban quản lý chợ Bến Thành), lúc ông về nhận công tác ở chợ Bến Thành cách đây 17 năm, ngôi chợ này khi ấy chẳng khác cái chợ huyện, sạp hàng đóng bằng gỗ cũ kỹ, điện đóm chập chờn, hàng hóa bày bán khá tạp nhạp, người bán chưa “thấm” được câu “Khách hàng là Thượng đế”.

Từ năm 2000 trở lại đây, nắm bắt tình hình phát triển du lịch và xuất phát từ nhu cầu đổi mới phong cách chợ, Ban quản lý chợ vận động tiểu thương đóng góp kinh phí tiến hành lát gạch nền, trang trí sạp hàng, khuếch trương thương hiệu sạp bằng cách in danh thiếp riêng để liên lạc với khách hàng và bổ sung các dịch vụ đi kèm đáp ứng nhu cầu của khách.

Không gian chợ được phân bố cụ thể, chia làm bốn khu vực, khu vực 1 và 2 dành cho các sạp vải sợi và quần áo, chiếm khoảng 30% diện tích chợ, khu vực 3 và 4 chuyên kinh doanh giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi. Chợ Bến Thành hiện có hơn 1.441 hộ/ 1.471 sạp và 200 quầy hàng của 9 doanh nghiệp. Tháng 4-2002, chợ khai trương và đưa vào hoạt động khu chợ đêm ở hai bên đường Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu với 59 quầy ăn uống và 116 quầy bán hàng lưu niệm.

Một biểu tượng của TPHCM ảnh 3

Hàng ngày khách nước ngoài ra vào chợ tấp nập.

Vị trí của chợ Bến Thành cũng là một thuận lợi lớn để hàng ngày đón rất đông du khách trong và ngoài nước ghé thăm, mua sắm. Hàng hóa vào chợ được tuyển lựa kỹ càng cộng với phí dịch vụ và thuế suất cao nên đẩy giá bán sản phẩm lên khá cao.

Ngoài bộ phận khách nội địa thuộc thành phần trung lưu và khá giả vào đây mua sắm, khách nước ngoài chiếm số đông nên chợ Bến Thành được ví là chợ dành cho Tây. Chợ Bến Thành cũng nổi tiếng là khu chợ có giá sang nhượng sạp hàng đắt đỏ nhất Việt Nam. Một sạp hàng 12m² nằm ở vị trí mặt tiền trong khu vực chữ thập của chợ được hét giá sang nhượng đến khoảng 400-500 cây vàng.

Trải qua gần 100 năm, tính từ thời điểm khánh thành chợ vào năm 1914 với bao thăng trầm, cho đến ngày nay, chợ Bến Thành đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân thành phố và hình ảnh khu cửa Nam của ngôi chợ này đã trở thành một biểu tượng của Sài Gòn - TPHCM. Câu nói vui của nhiều người dân là “Đến Sài Gòn mà không đi chợ Bến Thành thì coi như chưa đến Sài Gòn” càng chứng tỏ vị thế của ngôi chợ nổi tiếng nhất ở Sài Gòn này.

CHÂU LOAN

Tin cùng chuyên mục