Một “cơn sốt” ở Nhà Trắng

Một “cơn sốt” ở Nhà Trắng

Ủy ban điều tra vụ tiết lộ tên nữ điệp viên CIA Valerie Plame vừa buộc tội Lewis Libby, trưởng ban cố vấn của Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney 5 tội danh, trong đó có tội khai man và cản trở công lý. Libby đã từ chức, song sự việc tiếp tục nóng lên khi nhiều đảng viên Dân chủ Mỹ đòi Tổng thống Bush phải có sự “thay máu” trong nội bộ Nhà Trắng.

  • Nhân vật “phá bĩnh” cuộc chiến Iraq

Sự việc bắt đầu khi hai nhà báo Matt Cooper và Robert Novak đăng bài tiết lộ tên của nữ điệp viên C.I.A Valerie Plame trên tạp chí Time vào ngày 14-7-2003 vì chồng bà là Joseph C. Wilson đã cáo buộc chính phủ Bush đánh Iraq với bằng chứng giả tạo với cái gọi là “vũ khí hủy diệt hàng loạt” của Saddam Hussein.

Một “cơn sốt” ở Nhà Trắng ảnh 1

Phó Tổng thống Dick Cheney (trái) và cố vấn Lewis Libby.

Joseph C.Wilson làm trong ngành ngoại giao 15 năm trước khi tới Iraq nhận nhiệm vụ vào năm 1991. Ông từng nổi tiếng với chính kiến chống lại chính phủ Saddam Hussein. Năm 1992, Wilson được cử làm đại sứ của Mỹ tại Gabon và São Tomé và Príncipe (São Tomé and Príncipe).

Cuối năm 2003, Wilson nổi lên như một người chống chiến tranh Iraq nổi tiếng trong chính phủ Bush. Ông đã đưa ra một quan điểm rất cẩn trọng về các thông tin tình báo mà Mỹ lấy làm cơ sở để tấn công Iraq. Ông đã chọn hai nhà báo lão luyện của tờ New York Times và tờ The Washington Post là Nicholas Kristof và Walter Pincus để tiết lộ về thông tin của mình.

Trong câu chuyện với 2 nhà báo, ông cho biết vào tháng 2-2002, theo yêu cầu của Phó Tổng thống Dick Cheney và CIA, ông được cử tới Niger để điều tra xem liệu Saddam Hussein có mua uranium ở đây đem về Iraq sản xuất vũ khí hạt nhân hay không. Và rằng ông đã trở về mà không hề có bằng chứng xác thực nào.

Tuy nhiên, vào tháng 1-2003, 2 tháng trước khi Mỹ tấn công Iraq, chứng cứ về việc Saddam Hussein “sản xuất vũ khí giết người hàng loạt” đã được Tổng thống George W.Bush công bố trong thông điệp liên bang. Nhà báo Kristof đã đem câu chuyện của ông Wilson đăng trên tờ New York Times vào ngày 6-5-2003, sau đó nhà báo Pincus cũng có bài tương tự đăng trên tờ The Washington Post vào ngày 12-6-2003 nhưng không nêu tên Wilson mà ghi là một đại sứ về hưu.

Tuy nhiên, chính ông Wilson đã lên tiếng trong bài xã luận của tờ New York Times ký tên ông vào ngày 6-7-2003, trong đó ông tiếp tục khẳng định không có bằng chứng xác thực cho việc cáo buộc Iraq sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt. Khi tờ báo này xuất hiện, theo Phó Tổng thống Cheney, Wilson đã đặt Phó Tổng thống và Tổng thống trong tình huống thật khó xử.

Trong thời kỳ Mỹ xâm lược Việt Nam hay là vụ Watergate, nhiều nhà báo thân chính phủ đã bị mất uy tín trước công chúng. Những nhà báo này thường lui tới với các quan chức cấp cao và hãnh diện vì đã góp công cho chính phủ. Ngược lại, những nhà báo bị sa thải do đã dám nói sự thật về chính phủ được người dân ủng hộ.

Nhiều bang của Mỹ từ thập niên 70 của thế kỷ 20 đã thông qua luật bảo vệ mối quan hệ giữa phóng viên và người cung cấp thông tin nhằm khuyến khích phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ năm 1972 ra nghị quyết và Tòa án tối cao ra phán quyết rằng luật pháp Mỹ không bảo vệ phóng viên khi ra làm chứng trước tòa.

Do đó, khi ông Wilson có bài viết phản bác cáo buộc của chính phủ Mỹ đối với chính phủ Saddam Hussein thì gần như cả chính phủ Mỹ xem ông là kẻ thù. Kể từ cuối tháng 5-2003, chính phủ Mỹ đã tìm mọi cách để hạ uy tín của ông Wilson. Bài báo của Robert Novak tiết lộ tên điệp viên Valerie Plame, vợ ông Wilson cũng nằm trong chiến dịch này.

Tuy nhiên, những nhân vật cấp cao trong Nhà Trắng không ngờ đến hậu quả quá lớn của vụ tiết lộ tên tuổi bà Valerie Plame. Nói như ông Wilson, chồng bà Plame, thì việc tiết lộ tên một điệp viên CIA đã đặt an ninh nước Mỹ vào tình thế nguy hiểm. Hơn nữa, điều này cũng đã đe dọa cuộc sống gia đình ông. Ông và vợ đã phải thay đổi số điện thoại và nhờ nhân viên an ninh bảo vệ.

  • Vai trò của Phó Tổng thống Dick Cheney và cố vấn Tổng thống Karl Rove

Báo chí Mỹ đã đặt ra rất nhiều nghi vấn đối với Phó Tổng thống Cheney trong vụ tiết lộ tên nữ điệp viên CIA Valerie Plame. Ông Cheney đã từng ra điều trần kín trước bồi thẩm đoàn và câu hỏi lớn nhất mà các nhà điều tra đang muốn biết là ai đã ra lệnh cho Lewis Libby, cố vấn của Phó Tổng thống Cheney, tiết lộ cái tên Valerie Plame.

Nhiều tháng sau khi tên nữ điệp viên CIA bị tiết lộ, thư ký báo chí của ông Cheney (sau đó trở thành thư ký báo chí Nhà Trắng) cho rằng “Phó Tổng thống Cheney không biết gì về chuyến công tác của ông Wilson tới Niger”. Sau đó, trong chương trình “Gặp gỡ báo chí” của truyền hình NBC, trả lời phỏng vấn nhà báo Tim Russert, ông Cheney còn nói ông không biết Joseph Wilson là ai.

Thế nhưng trong báo cáo buộc tội Libby dày 22 trang cho thấy ông Cheney không thể không biết ông Wilson và chuyến công tác tới Niger của ông Wilson. Thậm chí, ông Cheney còn biết rõ rằng CIA đã sắp đặt cho chuyến đi của ông Wilson và bản thân ông ta tìm thông tin về chuyến đi này. Ông còn biết là vợ ông Wilson, điệp viên CIA Valerie Plame, đã tiến cử chồng mình tới Niger.

Ông Wilson thì cho rằng: “Mặc dù chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau nhưng chắc chắn rằng ông ấy (Dick Cheney) biết rõ tôi là ai trừ khi trí nhớ ông ấy có vấn đề”. Một chi tiết quan trọng hơn là trước cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, khi đó ông Cheney là Bộ trưởng Quốc phòng, còn ông Wilson là đại sứ Mỹ tại Iraq. Kênh liên lạc duy nhất giữa Washington với Baghdad lúc đó chính là ông Wilson. Wilson báo cáo công tác hàng ngày với Nhà Trắng và ông Cheney nắm giữ đa số các thông tin này.

Sau khi trưởng ban cố vấn của Phó Tổng thống Cheney, ông Libby bị buộc tội, giờ đây, dư luận Mỹ, đặc biệt là các đảng viên đảng Dân chủ, đang tập trung vào cố vấn cấp cao của Tổng thống Bush, ông Karl Rove. Mặc dù Rove chưa bị buộc tội nhưng cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục. Đáng chú ý là trong bản buộc tội Libby có ghi tên “quan chức A” của Nhà Trắng là người đầu tiên tiết lộ tên của nữ điệp viên Valerie Plame cho phóng viên Robert Novak.

Nhiều Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ tin rằng “quan chức A” này không ai khác hơn là Karl Rove. Tuy nhiên, Tổng thống Bush sẽ làm hết sức mình để cứu Rove. Với ảnh hưởng rất lớn từ chính trị cho tới chính sách ngoại giao, Rove có quyền lực rất mạnh sau hậu trường hơn là chức danh của ông. Ông cũng là nhà hoạch định chiến lược giúp Bush giành chiến thắng trong 2 cuộc tranh cử năm 2000 và năm 2004. Do đó, theo đánh giá của công luận Mỹ, Tổng thống Bush khó mà để Karl Rove phải rời vị trí. 

VŨ MINH

Tin cùng chuyên mục