Một cuộc đời bị đánh cắp (*) - Những mảnh ghép cuộc sống

Chuyện của kịch...
Một cuộc đời bị đánh cắp (*) - Những mảnh ghép cuộc sống

“Một cuộc đời bị đánh cắp” vừa có 2 suất diễn ra mắt khán giả yêu kịch TPHCM vào tối 13, 17-10 và  đã tạo được ấn tượng tốt. Có thể nói, đã lâu lắm rồi những người yêu kịch mới lại được xem một vở diễn hay, có nội dung sâu sắc.

Cảnh trong vở “Một cuộc đời bị đánh cắp”.

Cảnh trong vở “Một cuộc đời bị đánh cắp”.

Chuyện của kịch...

“Một cuộc đời bị đánh cắp” được tác giả Kaonu Morimoto kể về gia đình của Xidu Xuxumi sống tại một thành phố lớn của nước Nhật vào những năm 1905 – 1945. Đây là một vở kịch được xem là xuất sắc nhất và tiến bộ nhất trong các kịch bản của Nhật từ sau đại chiến. Gia đình chủ buôn Xidu (Hoàng Trinh) ăn mừng chiến thắng của Nhật, mừng ngày tết và cả ngày sinh nhật của bà, con cái sum họp vui vẻ. Kây (Lê Khánh), một cô bé mới lớn, cha mẹ mất sớm, phải sống với người cô, nhưng lại bị đánh đập, bán vào nhà thổ, trong lúc hoảng sợ trốn chạy đã lạc vào nhà của bà Xidu. Biết được thân phận đáng thương của cô bé Kây, bà Xidu nhận cô bé vào làm giúp việc gia đình. Thời gian dần trôi, Kây ngày một lớn, càng xinh đẹp hơn và tình yêu của Kây với con trai thứ của bà Xidu là Âydi cũng chớm nở. Trớ trêu thay, bà chủ Xidu muốn Kây lấy Xintarô (NSƯT Thành Lộc), anh trai của Âydi làm chồng và kế nhiệm bà điều hành hãng buôn Xuxumi.

Từ đây, “Một cuộc đời bị đánh cắp” mở ra nhiều điều mà người xem phải suy ngẫm. Kây muốn trả ơn cho bà chủ Xidu đã chấp nhận lấy Xintarô, đánh mất tình yêu với Âydi. Khi trở thành người điều hành hãng Xuxumi, Kây đã bị sức hút của công việc, đồng tiền, suốt ngày chỉ biết có việc kiếm tiền mà quên đi bổn phận của một người vợ, một người mẹ. Rồi một ngày, tình cảm gia đình đổ vỡ, chồng một nơi vợ một ngả, con cái không nghe lời, Kây sống trong giàu có, nhưng lại trống vắng tình cảm gia đình, ngôi nhà trở nên lạnh lẽo…

Và những ấn tượng

Có thể nói, khi xem “Một cuộc đời bị đánh cắp”, tuy là tác phẩm cũ được dựng lại, nhưng tính triết lý của câu chuyện vẫn phù hợp với hôm nay. Vấn đề của vở diễn đưa ra không đơn thuần nói về sức tàn phá của chiến tranh, những mặt trái của đồng tiền, mà còn là cách sống và bản lĩnh của mỗi con người trong vòng xoáy của thời đại. Kây, một cô bé tưởng chừng như không thể nào thoát khỏi cái cảnh khốn khổ, nhưng bằng nghị lực của mình, Kây đã vượt qua tất cả và rồi khi có cơ hội, cô biết nắm bắt, mở ra một bước ngoặt mới cho đời mình.

Trong vở diễn này, vai Kây của Lê Khánh đã mang lại cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi Kây là một cô bé giúp việc, đó là hình ảnh của một cô bé hồn nhiên, thơ ngây, đáng yêu. Lúc Kây trở thành chủ hãng Xuxumi, đó lại là hình ảnh của một phụ nữ thành đạt, bản lĩnh. Đến khi về già, là hình ảnh của những người bà, sợ sống cô đơn…

Có thể nói, đây là vai diễn hay của Lê Khánh trên sàn diễn IDECAF và là cơ hội để Lê Khánh tỏa sáng hơn. Nếu như trong những lớp diễn đầu, Lê Khánh biết trau chuốt hơn nữa thì chắc chắn hình ảnh của Kây sẽ hấp dẫn khán giả trọn vẹn hơn. Tuy nhiên, để có được sự thành công của Lê Khánh trong vai Kây còn phải kể đến một dàn diễn viên tài năng chấp nhận diễn những vai phụ như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Mỹ Duyên, Hữu Châu… để nâng đỡ, tạo cơ hội cho diễn viên trẻ tỏa sáng. Chính nhờ một dàn bao đủ mạnh nên càng diễn Lê Khánh càng tự tin và diễn hay hơn!

Rõ ràng, trong tình hình sân khấu đang ngày càng hiếm những vở diễn chính kịch hay, giàu triết lý thì sự “ra đời” của “Một cuộc đời bị đánh cắp” rất đáng được khích lệ.

  • Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM:

Vở diễn này từng dàn dựng, biểu diễn cách nay hơn 20 năm và khá thành công ở Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Từ những ngày đầu mới hình thành, sân khấu xã hội hóa đã đâu phải chỉ toàn dựng những vở diễn kịch hài vì mục đích doanh thu mà họ đã ý thức được, chọn được những kịch bản hay, có nội dung, lời thoại sâu sắc, qua đó góp phần định hướng thẩm mỹ khán giả. Lần này, IDECAF mạnh dạn dựng lại “Một cuộc đời bị đánh cắp” là một việc làm rất đáng khích lệ. Với một kịch bản văn học sâu sắc đã tạo tiền đề rất tốt cho sự sáng tạo của các diễn viên. Qua vở diễn này, một lần nữa cho thấy khi các diễn viên, đặc biệt là những gương mặt trẻ, nếu có được những vai diễn hay, nhân vật có chiều sâu tâm lý, họ dễ dàng có cơ hội tỏa sáng.

  • Đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc:

Sau hơn 20 năm dựng lại tác phẩm này, tôi cảm thấy ý nghĩa và sức sống của tác phẩm vẫn tươi nguyên như ngày nào. Trong số những diễn viên từng tham gia tác phẩm trước đây, nay tái ngộ, chỉ còn mỗi một NSƯT Thành Lộc, nhưng Thành Lộc cũng diễn vai khác chứ không diễn lại vai cũ. Đây là một vở diễn trong từng câu thoại của diễn viên hàm chứa nhiều triết lý sâu sắc.

———————

(*) Kịch đang diễn thường xuyên tại Sân khấu kịch IDECAF, số 28 Lê Thánh Tôn, Q1.

Đỗ Hạnh

Tin cùng chuyên mục