
Ngày 15-10 vừa qua, Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu - 6 có người điều khiển. Sau 5 ngày thực hiện nhiều công tác thực nghiệm khoa học không gian mang tính đột phá, 2 phi công đã trở về Trái đất an toàn, kết thúc chuyến bay thành công vào vũ trụ. Đây là lần thứ hai Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ có người điều khiển lên quỹ đạo, ghi danh Trung Quốc vào hàng cường quốc trên thế giới về chinh phục vũ trụ. Dư luận quốc tế, đặc biệt là các nước có ngành vũ trụ phát triển như Nga, Mỹ đều đánh giá ngành khoa học vũ trụ Trung Quốc có những bước tiến vượt bậc.
- Những giai đoạn phát triển quan trọng của ngành tên lửa - vũ trụ

Mô hình tàu vũ trụ Thần Châu - 6.
Từ năm 1956 – 1966: Hàng trăm chuyên gia và nhân viên kỹ thuật tên lửa của Liên Xô cũ sang Trung Quốc giúp đào tạo nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời còn tặng Trung Quốc 2 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn P-1. Theo ghi chép của sử sách Trung Quốc, 200 năm trước Hoàng đế Trung Quốc Khang Hy từng tặng Sa Hoàng nước Nga 2 hòm tên lửa cổ do Trung Quốc chế tạo, nay Nga “tặng lại” cho Trung Quốc 2 quả tên lửa hiện đại.
Năm 1958, xây dựng trung tâm phóng vệ tinh đầu tiên tại Tửu Tuyền. Năm 1960, Trung Quốc lần đầu tiên tự chế tạo nhiên liệu và phóng thành công tên lửa P-2 do Liên Xô chế tạo, sau đó tự chế tạo và bắn thử thành công tên lửa Đông Phong-1 phỏng theo kỹ thuật của Liên Xô.
Đến năm 1966, bắn thử thành công tên lửa hạt nhân đồng thời nghiên cứu chế tạo tên lửa tầm trung Trường Chinh và vệ tinh nhân tạo Đông Phương Hồng - 1 và đạt kết quả bắn thử khá tốt.Từ năm 1970 – 1986: Trung Quốc chế tạo và thực hiện nhiều lần phóng vệ tinh nhân tạo và tên lửa đẩy.
Năm 1970 lần đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo Đông Phương Hồng-1. Đây là mốc son lịch sử, chứng tỏ Trung Quốc trở thành quốc gia có khả năng nghiên cứu và phóng thành công vệ tinh nhân tạo. Năm 1971 phóng vệ tinh khoa học thực nghiệm Thực Tiễn-1 và tên lửa vượt đại châu. Tuy nhiên, đã có thành công ắt phải có thất bại, năm 1974 tên lửa Trường Chinh-2 bốc cháy sau khi bắn 20 giây. Năm 1975 là mốc son thứ hai trong lịch sử của ngành vũ trụ Trung Quốc nói riêng và của thế giới nói chung khi ngay lần đầu tiên Trung Quốc phóng vệ tinh có thể quay về đã đạt kết quả tốt.
Sau thời gian dài nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu năm 1984 phóng tên lửa đẩy kiểu mới Trường Chính-3 mang theo vệ tinh Đông Phương Hồng-2, song khi lên tới độ cao 400km thì bốc cháy. Nguyên nhân được xác định nhanh chóng, chỉ 3 tháng sau phóng tiếp lần nữa và thành công, tên lửa Trường Chinh-3 đưa vệ tinh vào quỹ đạo rồi sau đó lại điều khiển vệ tinh tới quỹ đạo cách Trái đất 36.000km. Năm 1986, Trung Quốc đã nắm vững hoàn toàn kỹ thuật về tên lửa đẩy, tiến từ giai đoạn thử nghiệm sang thực dụng thành công.
Từ 1988 – 1998: Trung Quốc bắt đầu “đem chuông đi đánh xứ người”, thực hiện dịch vụ đưa các loại vệ tinh thử nghiệm, vệ tinh khoa học, vệ tinh quan trắc Trái đất, vệ tinh khí tượng và vệ tinh thông tin lên quỹ đạo cho các quốc gia Pakistan, Thụy Điển, Philippines, Mỹ, Australia từ đó hoàn chỉnh hơn nữa kỹ thuật cao về tên lửa và vệ tinh.
Từ 1999 – 2005: Đây được coi là thời kỳ vàng son của ngành vũ trụ Trung Quốc, liên tục trong 6 năm Trung Quốc đã vừa phóng vừa hoàn thiện các tàu vũ trụ Thần Châu. Năm 1999, tàu vũ trụ thử nghiệm Thần Châu-1 phóng đi và sau 21 giờ trên không gian đã quay về thành công. Năm 2001 tàu Thần Châu-2 được phóng lên từ Trung tâm vệ tinh Tửu Tuyền, làm việc hơn 7 ngày trên không gian và quay về an toàn. Đây là tàu vũ trụ không người lái chính thức đầu tiên của Trung Quốc.
Năm 2002 liên tiếp phóng 2 tàu vũ trụ Thần Châu-3 và Thần Châu-4 mang mô hình người, trứng gà thực hiện nhiều công tác khoa học trên không gian và thời gian kéo dài đến hơn 180 ngày mới trở về. Năm 2003 phóng tàu vũ trụ có người điều khiển đầu tiên Thần Châu-5 mang theo phi công vũ trụ Dương Lợi Vĩ, sau 21 giờ trên không gian đã quay về Trái đất an toàn, mở ra kỷ nguyên mới trong ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc.
- Tàu vũ trụ Thần Châu-6 cải tiến hơn 110 hạng mục so với Thần Châu-5
Theo báo cáo của các nhà thiết kế, hơn 110 hạng mục cải tiến, được chia thành 4 nhóm: Nhóm một, chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, nước uống, quần áo cho 2 phi công, tủ đựng thức ăn được đặt ở khoang quỹ đạo đồng thời tăng khả năng ngưng tụ hơi nước trong khoang tàu vì mỗi người sẽ thở ra khoảng 1 lít hơi nước/ngày nhằm đạt độ ẩm an toàn là dưới 80%, không khí, nhiệt độ và độ ẩm đều được điều chỉnh bằng cảm ứng tự động.
Hai là, công năng của khoang quỹ đạo thay đổi lớn, chứa nhiều nhu yếu phẩm cho phi công, đây cũng là nơi đặt 2 túi ngủ tạo cho phi công cảm giác nằm trên giường vì ngủ trong tình trạng không trọng lượng sẽ khiến phi công có cảm giác rơi vào hố sâu không đáy. Đây cũng là lần đầu tiên sử dụng “nhà vệ sinh vũ trụ”.
Ba là, cải tiến nhằm nâng cao tính an toàn cho phi công, ghế ngồi trong khoang trở về có tác dụng chống sốc, giảm xung lực. Bốn là cải tiến về máy tính và phương tiện kỹ thuật nhằm phục vụ công tác khoa học vũ trụ. Sau thành công của tàu Thần Châu-6, Trung Quốc sẽ tiếp tục phóng tàu Thần Châu-7 với những chuyến đi bộ ngoài vũ trụ cũng như có kế hoạch chinh phục Mặt trăng.
VIỆT ANH
.