Mù mờ những con số

Khi Việt Nam giành được quyền đăng cai Asiad 18-2019, dư luận đã có nhiều phản biện liên quan đến đề án đăng cai với mức ngân sách thấp “vô tiền khoáng hậu” chỉ 150 triệu USD. Vì lẽ đó mà khi Việt Nam được đăng cai, có không ít thông tin cho rằng vì chẳng ai đua tranh cả đương nhiên là Việt Nam “thắng chắc” dù ngân sách bao nhiêu đi nữa. Chính vì những suy diễn không tốt đó mà người ta chờ đợi nhiều ở buổi họp báo công bố đăng cai do Bộ VH-TT-DL cùng Ủy ban Olympic quốc gia tổ chức, hy vọng sẽ được sáng tỏ hơn. Thế nhưng, cái cần biết là chúng ta sẽ phải tốn bao nhiêu tiền để tổ chức Asiad lại không ai giải thích cặn kẽ.

Kết thúc buổi họp báo, người tỉnh táo nhất cũng chỉ tạm giải bài toán ấy như thế này: 150 triệu USD thực ra chỉ mới là chi phí tổ chức.

Muốn biết số tiền thật phải hỏi thêm lãnh đạo cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, về lý thuyết là chủ đầu tư của Asiad 18 với tư cách thành phố đăng cai. Nhưng vì đây là một sự kiện thể thao có ý nghĩa tôn vinh hình ảnh quốc gia nên có thể cộng thêm khoản ngân sách khác từ phía ngành quản lý, cộng thêm ngân sách từ 14 địa phương đồng đăng cai.

Tóm lại, muốn biết cụ thể chúng ta tốn bao nhiêu tiền, cứ đợi kết thúc Asiad 18 mới biết chính xác. Hiểu một cách khác, dù đây là sự kiện do một thành phố đứng ra vận động, nhưng trên thực tế, lại vừa mang tính quốc gia, vừa mang tính địa phương, vừa bao hàm cả ngành dọc quản lý. Mỗi nơi một khoản ngân sách cộng dồn lại để cùng tổ chức. Ví dụ như việc xây dựng trường đua lòng chảo cho môn xe đạp thì hết 70% vốn là do đối tác nước ngoài bỏ ra, phía địa phương là Hà Nội bỏ 30% giá trị từ đất.

Nhưng trên thực tế, số vốn mà đối tác bỏ ra chỉ có 50% xây trường đua, 50% còn lại là xây khách sạn. Chưa hết, để xây được trường đua ấy, đối tác lại phải đợi chính phủ duyệt đề án cá cược thể thao. Nghe câu chuyện này xong, không ít người liên tưởng đến vấn đề đầu tư sân golf kết hợp kinh doanh bất động sản vốn ồn ào thời gian trước. Chính vì nhập nhèm hàng loạt nguồn vốn như vậy nên chẳng biết chính xác, số tiền phải bỏ ra cho cái trường đua ấy là bao nhiêu. Mà đã không biết thì tất nhiên sẽ không cộng được vào ngân sách xin đăng cai Asiad 18.

Ngược lại, với một số chuyên gia trong ngành thể thao, nếu với cách tính phân bổ như thế thì 150 triệu USD để tổ chức Asiad lại không thấp. Hơn thế, nó còn cho thấy có dấu hiệu của một kiểu “lợi ích nhóm” do các nhà quản lý thể thao tạo ra. Chính Bộ VH-TT-DL còn không tham gia vào việc tính toán con số này thì đồng nghĩa, các khoản chi cho đầu tư ngành thể thao để có thành tích tại Asiad đã không được tính vào mặc dù về lý thuyết, đây lại là khoản đầu tư cần tính toán bởi dù sao, để Asiad thành công, hoạt động thi đấu thể thao vẫn đóng vai trò quyết định. Phía đơn vị quản lý ngành chưa tính ra con số thì rốt cục, 150 triệu USD ấy thực tế là tiền gì? Vì sự nhập nhèm này, rất dễ dẫn đến suy diễn số tiền đó chỉ để thỏa mãn một số mục tiêu của một nhóm những người viết đề án, mà ở đây trực tiếp là Ủy ban Olympic quốc gia.

Nhận được quyền đăng cai Asiad 18-2009 là một vinh dự và công bằng mà nói, đó cũng là cơ hội để phát triển hình ảnh quốc gia. Tuy nhiên, tiền để tổ chức sự kiện ấy chắc chắn phải đến từ tiền thuế của người dân nên không thể chấp nhận sự nhập nhèm trong cách tính của những người có trách nhiệm.

V.TÂM

Tin cùng chuyên mục