| ||
Khi biết chúng tôi đang tìm hiểu “đồ chơi” để tự vệ, anh Hùng - một dân anh chị đã “gác kiếm” ở chân cầu Calmette (quận 4, TPHCM) - liền nói: “Cái đó quá dễ, trước đây tôi với mấy thằng đầu trọc, xăm mình đi mua hoài. Tụi nó giao nhận hàng bí mật như trong phim hình sự. Ông cần tôi đưa đi!”.
Chơi e sộp
Dứt lời, anh giục tôi lên xe. Chiếc Exciter - loại xe gắn máy hầm hố được dân chuộng tốc độ yêu thích - lao vút qua cầu, hướng về quận 1. Đến giao lộ Bùi Viện - Nguyễn Thái Học, anh Hùng dừng xe và chỉ tay vào một cửa hàng. Tấm bảng hiệu vằn vện và nhiều bộ quần áo lính rằn ri treo lủng lẳng ngoài cửa, cho thấy gần như chúng tôi đã đến đúng chỗ cần tìm. Người ta bán công khai thì mắc gì mình dấm dúi! Tôi tự tin, 2 tay đút vào túi quần, ung dung đi vào cửa hàng. Bên trong bày đủ loại quần áo lính, từ rằn ri như quân phục lính vùng Vịnh cho đến đậm màu như lính đặc nhiệm Hải quân Mỹ - lực lượng tinh nhuệ chuyên đảm nhận các nhiệm vụ khó khăn. Đó là chưa kể giày bốt, ốp tay, ốp chân, mắt kính, nón, dây lưng, áo giáp… những phụ tùng bảo vệ cực kỳ an toàn cho người lính khi xung trận, giáp mặt kẻ thù. Tôi dừng chân thật lâu tại khu vực trưng bày bao dao găm, bao súng ngắn. Có loại bằng da, có loại bằng vải dù. Dù bằng chất liệu gì, tất cả đều toát lên vẻ hầm hố của nó.
Cửa hàng bán quần áo, trang bị… trò chơi Airsolf Gun.
Cửa hàng bán đồ nóng như vậy, nhưng anh thanh niên đầu nhuộm tóc “2 lai” ngồi bán hàng chẳng có chút xíu nào nhiệt tình. Anh ta vẫn dán mắt vào màn hình laptop (sau này tôi mới biết đó là hình ảnh từ camera bảo vệ cửa hàng) đặt trên tủ kính. Tôi cầm lên một bao súng bằng da bò, có quai đeo vào đùi, hất mặt hỏi anh ta: “Bao nhiêu?”. Anh ta đáp lí nhí, tôi chẳng nghe rõ giá tiền. Tôi hỏi tiếp: “Còn cây súng?”. Không rời mắt khỏi màn hình laptop, anh thanh niên đáp, cũng ngắn gọn như câu hỏi của tôi: “Không có!”. Tôi thoáng chưng hửng. Với cảm giác bị lừa, tôi hậm hực quay ra cửa gọi anh Hùng: “Không có đâu cha nội!”. Anh Hùng bước vào cầm cái bao súng tôi đưa, rồi trợn mắt hỏi: “Mày không bán súng. Vậy tao mua cái bao này về đựng… điện thoại à?”. Thằng nhóc hình như sợ anh Hùng hơn tôi, nên trả lời lớn giọng một chút: “Cửa hàng bán quần áo, phụ tùng chơi Airsolf, chớ đâu có bán súng!”. Airsolf nôm na là trò chơi chia phe bắn nhau bằng súng hơi nhẹ. Coi dễ vậy, nhưng tham gia không đơn giản. Phải trang bị súng, đạn, quần áo, giày vớ… như một quân nhân chuyên nghiệp.
Lúc này, ngoài cửa, một thanh niên cao to mặc quần lính rằn ri (chắc có lẽ đã mua ở cửa hàng này) nẹt pô chiếc Harley-Davidson trước khi tắt máy. Anh ta gạt chống xe rồi lừng lững đi vào cửa hàng. Như mối quen, anh ta không nói không rằng, móc túi lấy tiền đưa cho anh bán hàng, rồi cầm ba lô lấy ra xem bộ quần áo lính mà anh bán hàng vừa giao. Nghe chúng tôi trao đổi với nhau, anh thanh niên nói như nạt: “Cửa hàng này quái đản lắm! Lẽ ra bán quần áo, giày, vớ… thì bán luôn súng. Bán súng đồ chơi mà làm như bán súng thiệt, phải giấu giấu diếm diếm!”. Đi ngang qua chúng tôi, người thanh niên nói nhỏ: “Súng đạn mua không khó đâu, nhưng mấy anh phải biết đường dây.
Loại súng được bày bán công khai trên mạng.
Không tin ai
Tôi nháy mắt anh Hùng bước ra cửa hàng. Anh thanh niên lẳng lặng nổ máy chiếc mô tô Harley-Davidson, rồi nẹt pô mấy cái, lao thẳng ra đường Trần Hưng Đạo. Anh Hùng chở tôi phóng xe theo. Đèn tín hiệu giao thông bật đỏ. Anh Hùng trờ xe chạy ngang mô tô và chỉ chỉ tay vào lề. Anh thanh niên gật đầu. Đến đoạn đường vắng vẻ có nhiều bóng mát, chúng tôi lao xe lên vỉa hè. Dân Airsolf là vậy, chỉ cần một lần chạm mặt là quen nhau, nhìn ánh mắt biết người đối diện cần gì. Ra vẻ hiểu biết, tôi gãi đầu, nói nhỏ: “Tụi anh mới lập nhóm. Có nhóm bạn ở Đồng Nai rủ cuối tuần này “ốp” (offline - gặp nhau). Coi “phây” (trang Facebook) thấy tụi nó hầm hố quá, tụi anh muốn sắm mấy cây súng dài. Vậy mà tìm hoài không được. Em tham gia với nhóm tụi anh cho vui nghen!”. Anh thanh niên cười cười, cho biết: “Thứ này ở nước ngoài chơi thoải mái. Em mua mấy bộ đồ cho nhóm em. Tiếc quá, ngày mai em đi công tác rồi, không tham gia nhóm mấy anh được. Em mới mua cây này đã lắm!”. Nói rồi người thanh niên móc điện thoại ra khoe. Nhìn cây AK báng xếp có nước xi bóng ngời, chúng tôi trầm trồ. Anh nói tiếp: “Airsolf có hình dạng giống như các loại súng thật trên thế giới. Nhìn như thật, nhưng sức bắn bằng gas hay hơi nên rất yếu. Ở các nước, chơi Airsolf thịnh hành lắm, thanh niên tham gia rất đông. Súng ống Airsolf mua không khó như ở Việt Nam. Tôi cho mấy anh trang “phây” này, mấy anh đăng ký tham gia thành viên, rồi lựa hàng và liên hệ. Nhưng nhớ khi nào nhận hàng mới giao tiền, đừng chuyển khoản trước, coi chừng bị lừa”.
Anh ta không ngần ngại mở trang Facebook cho chúng tôi xem. Chưa biết nội dung ra sao, nhưng thấy hình ảnh súng ngắn, súng dài… mạ kền sáng bóng như thật, có ghi giá đàng hoàng, chúng tôi liền đăng ký tham gia. Hơn 1.200 thành viên của trang web đang chờ đón chúng tôi với đủ lời chào mời gia nhập nhóm, mua, bán, sửa chữa súng ngắn, súng dài Airsolf. Kể từ đó, chúng tôi đã trở thành lính Airsolf! Có không ít kẻ cướp đã mua súng đồ chơi Airsolf làm vũ khí để hù dọa cưỡng bức, trấn lột nạn nhân. Kẻ gây ra vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước cũng mua một khẩu súng như vậy để đi gây án. Việc mua bán loại súng đồ chơi này bị cấm ở Việt Nam, nhưng thâm nhập để mua không khó chút nào.
ĐOÀN HIỆP - ĐĂNG NGUYÊN