Bình Phước đang bước vào mùa khô hạn, Người dân một số nơi phải vét từng gáo nước để ăn uống và nghề đào giếng lại bắt đầu vào mùa làm ăn mới.
Người dân thiếu nước sạch
Con suối K Liêu chảy qua địa bàn xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước mùa này cạn gần sát đáy. Từ gần tháng nay, giếng nước nhà chị Trần Thị Hường ở ấp K Liêu này đã bị cạn, nên hàng ngày chị phải vào UBND xã chở từng can nước về ăn uống. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp bất đắc dĩ. Vì không thể nào cứ đi xin nước nhờ mãi nên chị Hường thuê người tới đào một cái giếng mới với giá 530.000 đồng/m (đo theo chiều sâu giếng) với hy vọng tìm được mạch nước. Thế nhưng, khi đào xuống được 7,3m thì đụng phải đá xanh và tốp thợ đành phải dừng lại. Chị Hường cho hay, lúc đầu tốp thợ đề nghị dùng thuốc nổ phá đá nhưng thấy làm như vậy quá nguy hiểm nên chị không đồng ý.
Hiện tại, mặc dù đã bỏ ra số tiền hơn 4 triệu đồng nhưng cái giếng mới của nhà chị Hường phải bỏ dở dang. Anh Triệu Văn Cương, một người dân ấp K Liêu cho hay, không chỉ có giếng đào mới bị cạn nước, hàng chục giếng khoan ở đây dù được khoan xuống độ sâu vài chục mét cũng trong tình trạng tương tự. Thậm chí, có những giếng sau khi khoan xong chỉ rỉ được chút ít nước nhưng rất nặng mùi phèn, không thể sử dụng. Còn tại ấp 6, xã Lộc Hưng (Lộc Ninh), anh Mã Văn Miên thuê người khoan giếng sâu đến 98m nhưng nước vẫn rỉ ra một cách nhỏ giọt.
Đào giếng - nghề nguy hiểm
Mùa khô hạn ở Bình Phước là thời điểm thợ đào giếng hết sức bận rộn. Mặc dù hiện nay dịch vụ khoan giếng tràn lan, nhưng do giá thành cao, vả lại có những nơi giếng khoan chưa chắc nhiều nước, nên không ít người dân vẫn chuộng giếng đào. Nghề đào giếng nhờ đó có một mùa làm ăn khấm khá. Anh Trần Văn Định (ở khu phố Phú Xuân, Phường Phú Thịnh, TX Bình Long) - người có gần 20 năm làm nghề đào giếng cho hay, ở chỗ đất mềm, mỗi ngày 2 người có thể đào được hơn 2m giếng. Với mức giá khoảng 550.000 đồng/m như hiện nay, mỗi ngày một thợ có thể kiếm trên 500.000 đồng.
Tuy nhiên, theo anh Định: “Nếu gặp giếng đá xanh, phải đục bằng máy mà mỗi ngày cũng chỉ được chừng 2 tấc (20cm). Còn nếu đục bằng tay, buổi sáng được một xô, chiều được một xô đá”. Anh Định còn cho biết thêm, hiện tại với giếng có đá cứng, anh nhận đào với mức giá lên đến 4 triệu đồng/m. Tuy vậy, do tiến độ đục đá rất chậm nên mỗi ngày, sau khi trừ chi phí máy móc, mỗi thợ chỉ được khoảng 300.000 đồng. Vì vậy, với thợ đào giếng, hầu như không ai muốn gặp khu vực có đá xanh.
Mặt khác, theo kinh nghiệm của thợ đào giếng lâu năm, ở những vùng có đá xanh như tại ấp K Liêu, xã Lộc Thành, thường rất ít có nước. “Thành thật mà nói, người thợ đào giếng để kiếm sống, nhưng nếu đào giếng cho gia chủ mà không có nước, chúng tôi rất ái ngại”- anh Định bộc bạch.
Với thợ đào giếng, nếu không tính đến máy đục, máy khoan đá, thì đồ nghề cũng khá đơn giản chỉ gồm có xà beng, cuốc chim và một tay quay. Thông thường, để đào một cái giếng chỉ cần 2 người thay phiên nhau, hễ người này xuống đào thì người kia ở trên quay đất và ngược lại. Theo các thợ đào giếng kinh nghiệm, khi xuống giếng, họ sợ nhất là người quay xô đất ở trên không chú ý, để đất đá rơi xuống. Có những trường hợp người đào giếng chỉ bị một viên đá nhỏ rơi từ trên cao xuống trúng đầu mà bị chấn thương nặng, thậm chí có người đã tử vong vì bị đá rơi trúng. anh Điểu Sáu ở ấp Lộc Bình 1, xã Lộc Thành trong khi leo xuống giếng bị rơi giữa chừng hiện thời đã trở nên tàn phế, phải ngồi xe lăn.
Bên cạnh việc có thể bị đất đá rơi trúng, người thợ đào giếng còn có thể gặp các rủi ro khác như giếng bị lở đất đè lên. Trước đây, thợ đào giếng còn bị chết ngạt khi leo xuống giếng do thiếu không khí. Hiện nay, hầu hết thợ đào giếng chuyên nghiệp đều thủ sẳn máy bơm ô xi xuống giếng nên hạn chết được rủi ro nêu trên. Tuy vậy, mặc dù đào giếng là nghề có thu nhập khá cao, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Ng.Việt - T.Nhất
Nguy cơ cháy rừng cao
Từ sau Tết Quý Tỵ 2013 đến nay, tỉnh Bình Phước đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô hanh, nhiệt độ có nơi lên đến 35-36°C, cao nhất vùng Đông Nam bộ. Chính nhiệt độ quá cao này nên nhiều nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng. Tỉnh Bình Phước đã yêu cầu các các đơn vị chức năng có liên quan tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), thường xuyên kiểm tra công tác PCCCR và phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Đảng, chính quyền các ngành chức năng và nhân dân các địa phương, đảm bảo an toàn PCCCR mùa hanh khô.
UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ sau: Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng năm 2013; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, trong đó chú trọng việc cam kết bảo vệ rừng đối với các hộ dân sống và sản xuất gần rừng, trong rừng.
Xác định rõ khu vực trọng điểm về phá rừng, cháy rừng để bố trí lực lượng, phương tiện, dụng cụ và thông tin liên lạc để kịp thời huy động lực lượng đối phó khi xảy ra cháy rừng, phá rừng. Tổ chức phân công trực 24/24 tại Ban chỉ đạo bảo vệ rừng của huyện, xã để xử lý các vụ việc cấp bách trong công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp giữa các lức lượng của huyện để tổ chức truy quét và xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ rừng, nhằm ổn định tình hình trên địa bàn.
Ng.Việt