Mưa lũ miền Trung: Nhiều tuyến đường còn bị chia cắt

Chiều 5-10, Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, cho biết liên tục trong nhiều ngày qua, tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 150-300mm. Mưa lớn đã làm cho lũ tại các địa phương này dâng cao, khiến 3 người ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên bị chết.
Mưa lũ miền Trung: Nhiều tuyến đường còn bị chia cắt

(SGGP).- Chiều 5-10, Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, cho biết liên tục trong nhiều ngày qua, tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 150-300mm. Mưa lớn đã làm cho lũ tại các địa phương này dâng cao, khiến 3 người ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên bị chết.

Tại Quảng Ngãi, mưa lũ đã gây ngập, xói lở, ách tắc cục bộ tại một số tuyến đường như tỉnh lộ 625 (Km28+700, Km28+900, Km29+200), tuyến Bình Long - Sông Trường và một số tuyến giao thông nông thôn. Tình trạng này cũng xảy ra tại một số tuyến đường của tỉnh Bình Đình như tuyến đường An Hòa - An Toàn (Km15), tuyến An Hòa - An Vinh, tuyến An Vinh và một số tuyến giao thông nông thôn.

Tại Phú Yên, cầu La Hai trên tuyến ĐT641, đường tránh cầu Suối Tía trên tuyến ĐT647, đường tránh cầu Suối Cây Sung trên tuyến ĐT642 bị mưa lũ gây chia cắt, ách tắc cục bộ. Trong khi đó tại Gia Lai, mưa lũ gây ngập tại một số xã ở vị trí trũng thấp như: xã IaBroắi, Chư Răng (huyện IaPa), phường Hòa Bình, Đoàn kết, Sông Bờ, xã IaRtô, IaSao (huyện AyunPa)...

Mấy ngày qua, địa bàn tỉnh Gia Lai liên tục có mưa, tại thị xã An Khê, lượng mưa lên đến hơn 150mm, làm nước sông Ba dâng cao. Thêm vào đó, thủy điện An Khê - Ka Nak (công suất 173MW) và thủy lợi Ayun Hạ đồng loạt xả lũ, khiến vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai bị ngập lụt dữ dội.

Trong hai ngày 3 và 4-10, tại huyện Ia Pa, nước sông Ba đã tràn vào làm ngập chân hàng chục nhà sàn của đồng bào Ja Rai, cùng 20ha hoa màu và nhiều tuyến đường tại các buôn Jư Ma Huốc, Jứ Ma Hoét và Tông Ô của xã Ia Broái (huyện Ia Pa). Khu vực trung tâm xã và các buôn trên bị chia cắt hoàn toàn. Các trường học tại xã Ia Broái phải nghỉ. Ông Trương Nguyên Hảo, Chủ tịch UBND xã Ia Broái cho biết, nước dâng nhanh làm ngập đường khiến các giáo viên không thể ra ngoài. UBND xã phải cử lực lượng lái canô vào các khu vực bị chia cắt để đưa giáo viên và người dân lên trụ sở UBND xã tạm trú.

Tại huyện Phú Thiện, từ sáng 3-10 đến sáng 4-10, nước lũ tràn về gây ngập úng nhiều địa điểm trên địa bàn huyện Phú Thiện. Nước lũ dâng cao chảy tràn qua quốc lộ 25 đoạn phía trước Trại Thực nghiệm giống cây trồng Ayun Hạ. Đặc biệt, tại trung tâm huyện Phú Thiện, nước dâng ngập cả mét, kéo dài gần nửa cây số, khiến người và các phương tiện không thể di chuyển trên quốc lộ 25. Trời mưa to kết hợp với việc hồ thủy lợi Ayun Hạ xả lũ khiến mực nước càng dâng cao. Trong buổi sáng 4-10, nước trên dòng sông Ba đã gây ngập một số khu vực thuộc các phường Hòa Bình, Đoàn Kết, Sông Bờ và các xã Ia Rtô, Ia Sao (thị xã Ayun Pa). Quốc lộ 25 đi qua hai xã Ia Sao và Ia Rtô bị ngập nặng, khiến ách tắc giao thông. Nước lũ trên sông Ba cũng đã làm chia cắt giao thông từ trung tâm huyện Krông Pa đến các xã Ia Rmok, Ia Dreh, Krông Năng, khiến việc đi lại của người dân bị ách tắc gần 24 giờ đồng hồ.

Cảnh báo thời tiết nguy hiểm ở Nam bộ

Chiều 5-10, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, hiện ở trên khu vực vịnh Thái Lan đang tồn tại một vùng áp thấp gây thời tiết xấu. Hiện tại, vùng áp thấp này đang có vị trí ở khoảng 10-11 độ vĩ Bắc và 102,5 - 103,5 độ kinh Đông. Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nên khu vực vịnh Thái Lan, Cà Mau đến Kiên Giang và Bình Thuận đến Cà Mau đang có mưa rào và dông mạnh. Thời tiết Nam bộ chuyển sang hình thái xấu. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh.

Chiều qua Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cũng đã phát đi bản tin cuối cùng về đợt lũ ở miền Trung và Tây Nguyên. Theo đó, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Nam, Phú Yên và khu vực Tây Nguyên hiện nay đang xuống, các sông ở Quảng Ngãi và Bình Định còn lên chậm.

Dự báo lũ trên các sông ở Quảng Ngãi và Bình Định tiếp tục lên chậm, các sông từ Nghệ An đến Quảng Nam, Phú Yên và khu vực Tây Nguyên sẽ xuống nhưng còn chậm.

*****

TPHCM hỗ trợ đồng bào tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế

(SGGP).- Ngày 5-10, đoàn cứu trợ TPHCM do Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Rảnh làm trưởng đoàn tới thăm hỏi, động viên và trao quà cho đồng bào bị ảnh hưởng trong cơn bão số 10 tại tỉnh Hà Tĩnh. Đoàn đã trao cho lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh 600 triệu đồng và trực tiếp trao 200 phần quà trị giá 100 triệu đồng (500.000 đồng/phần) cho bà con xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình chị Mai Thị Thanh có hoàn cảnh khó khăn và gia đình ông Nguyễn Đình Thoại (cùng ở xóm Minh Đức, xã Kỳ Nam) có 3 con bị nhiễm chất độc da cam. Đến chiều 5-10, có gần 20 tập thể trong và ngoài tỉnh đến tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ gần 3 tỷ đồng và hơn 30 tấn gạo, 56.000 hộp sữa cùng nhiều quần áo, lương thực, nhu yếu phẩm...

Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Võ Thị Dung trao quà cứu trợ người dân tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Võ Thị Dung trao quà cứu trợ người dân tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trong 2 ngày 4 và 5-10, nhân chuyến đi cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiên tai bão lụt, đoàn đại biểu TPHCM do Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Rảnh dẫn đầu đã đến làm lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm quê nội, quê ngoại của Bác tại tỉnh Nghệ An.

Dịp này, đoàn cũng đến làm lễ dâng hương tại Khu Tưởng niệm lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) và thắp hương mộ 10 cô gái TNXP đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh năm 1968. Theo Ban Quản lý Khu Tưởng niệm lực lượng TNXP tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2010, TPHCM đã đầu tư 10 tỷ đồng để làm hệ thống đèn chiếu sáng tại khu Ngã ba Đồng Lộc, đến nay công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần làm cho mảnh đất chiến trường xưa thêm lung linh huyền ảo và thiêng liêng hơn.

Ngày 5-10, tiếp tục chuyến thăm và cứu trợ các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do mưa bão số 10 tàn phá, đoàn cứu trợ của TPHCM do Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Võ Thị Dung làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên chính quyền và nhân dân thị trấn Lăng Cô và thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc và xã Hải Dương, thị xã Hương Trà. Đây là những địa phương chịu thiệt hại nặng nhất tại Thừa Thiên - Huế trong bão số 10. Đoàn đã ân cần thăm hỏi, động viên bà con cùng Đảng bộ và chính quyền địa phương đoàn kết sớm vượt qua khó khăn hoạn nạn, ổn định cuộc sống, tiếp tục sản xuất sau bão số 10. Thay mặt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân TPHCM, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Võ Thị Dung đã trao 200 suất quà trị giá 100 triệu đồng tới tận tay các hộ dân bị thiệt hại nặng nề trong bão số 10 tại các địa phương nói trên.

Cùng ngày, đại diện Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam đã đến thăm hỏi và ủng hộ nhân dân chịu ảnh hưởng trong cơn bão số 10 tại tỉnh Quảng Trị với số tiền 200 trăm triệu đồng.

Hưởng ứng lời phát động của UBMTTQ TPHCM về ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai bão lụt, từ ngày 3-10 đến ngày 5-10, đã có nhiều đơn vị tập thể và cá nhân đã tham gia ủng hộ gần 1,3 tỷ đồng để gửi tới đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt, ổn định đời sống.

NHÓM PV

>> Quảng Bình khốn khó với “bão” giá

Tin cùng chuyên mục