Mùa xây dựng cuối năm - Nhiều nguy cơ tai nạn lao động

Đùa giỡn với tử thần
Mùa xây dựng cuối năm - Nhiều nguy cơ tai nạn lao động

Tại TPHCM, thời điểm cuối năm, nhiều công trình xây dựng gấp rút thi công, nhưng chủ thầu và công nhân lại bất chấp các quy định về an toàn lao động khiến nguy cơ tai nạn lao động tăng cao.

Công trình xây dựng đã thi công lên tầng thứ 3 nhưng không có lưới chắn an toàn.

Công trình xây dựng đã thi công lên tầng thứ 3 nhưng không có lưới chắn an toàn.

Đùa giỡn với tử thần

Trong những ngày này, tại các công trình xây dựng nhà cao tầng ở Khu dân cư Phong Phú (ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM) công nhân làm việc rất hối hả. Mới 6 giờ sáng, tiếng nổ của máy trộn bê tông, tiếng búa gõ, tiếng nện cừ sắt… vang inh ỏi. Trên các tuyến đường 9, 10, 10A và 16, có hơn chục công trình đang thi công, với quy mô, chiều cao, kiểu mẫu khác nhau, nhưng dễ nhận ra một điểm chung: nhà thầu và công nhân thi công không thực hiện các quy định về an toàn lao động.

Công trình xây dựng nhà cao tầng ở góc đường 10 và 5, đã thi công lên tầng thứ 3 nhưng không có lưới chắn an toàn. Hàng chục công nhân làm việc trên tầng cao nhưng không có các phương tiện bảo hộ lao động như dây bảo hiểm, nón nhựa… Điều thật đáng trách, mới trước đây hơn 1 tuần, việc thi công bất cẩn tại đây đã gây ra tai nạn nguy hiểm. Lúc 16 giờ 30 ngày 27-12-2012, một học sinh Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận 8) khi đi ngang qua dưới công trình này đã bị một thanh gỗ từ tầng 2 công trình rơi trúng đầu, phải cấp cứu tại bệnh viện. Sau khi tai nạn xảy ra, đại diện nhà thầu có đến xin lỗi gia đình học sinh bị nạn, bồi thường tiền thuốc. Thế nhưng sau đó công trình vẫn tiếp tục thi công không có lưới chắn.

Tại công trình xây dựng nhà ở dân dụng của ông Nguyễn Văn Điệp nằm trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (phường Hiệp Thành, quận 12) cũng không đảm bảo an toàn lao động. Chiều tối 1-1-2013, trên độ cao cả chục mét của công trình, có 6 công nhân không đội nón bảo hiểm, không đeo dây bảo hiểm, thản nhiên đi lại trên những thanh gỗ mỏng manh gác ngang các trụ đỡ để tô tường, cứ như đang giỡn với tử thần. Công trình này cũng không có lưới an toàn dù đã thi công lên tầng thứ 3.

Đáng ngại hơn, dưới tầng trệt, nước thải từ các xe trộn bê tông liên tục chảy ra xung quanh; ngập dưới vũng nước là những dây điện kéo tạm bợ để cấp điện cho công trình, có nhiều mối nối, chỉ được bọc hờ bằng bao ni lông. Khi được hỏi thi công thiếu an toàn thế này có sợ bị xử phạt, kỹ sư giám sát công trình trả lời ngon ơ: “Phạt cái gì mà phạt! Trước giờ tui làm cả chục công trình từ miền Trung vào miền Nam, chưa hề thấy ai đến xử phạt những lỗi thế này. Với lại, thời điểm giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, nhà thầu chi mua sắm đủ trang bị phương tiện bảo hộ thì còn được mấy xu lời”.

Tại nhiều công trình xây dựng nhà cao tầng ở Khu dân cư Khang An (phường Phú Hữu, quận 9), không những không trang bị các phương tiện bảo hộ, nhà thầu còn cho công nhân thi công thâu đêm, không đảm bảo an toàn.

Chú ý kiểm tra công trình quy mô nhỏ

Thực tế cho thấy có tình trạng cấp phép cho các doanh nghiệp xây dựng hoạt động tràn lan, không đủ điều kiện vẫn cấp. Có không ít doanh nghiệp xây dựng không đủ nhân lực và trình độ chuyên môn nhưng vẫn được cấp phép hoạt động, sau đó cho các nhà thầu xây dựng không có chuyên môn thuê tư cách pháp nhân để hoạt động, hoàn công. Hậu quả tai nạn lao động trong xây dựng rất dễ xảy ra.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho biết: Để hạn chế tai nạn lao động trong mùa xây dựng cao điểm cuối năm, các đơn vị, tổ chức, cơ quan liên ngành cần phải phối hợp kiểm tra chặt chẽ việc thi công các công trình. Trước đây, mỗi đơn vị có kế hoạch kiểm tra riêng, ít có liên kết nên không hiệu quả. Thanh tra xây dựng các quận - huyện cần tăng cường kiểm tra, sâu sát các công trình do UBND các quận - huyện cấp phép. Bởi các nhà thầu dỏm, chuyên môn kém, công nhân lao động không có trình độ thường tập trung vào các công trình có quy mô nhỏ này.

Thanh tra Sở LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với lực lượng thanh tra xây dựng các cấp và chính quyền địa phương quyết liệt thực hiện các biện pháp kiểm tra, xử phạt. Ngoài ra, Thanh tra sở cũng chú ý tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp xây dựng để nâng cao kiến thức chuyên môn, nhận thức, tăng cường tính đảm bảo trong an toàn lao động.

Thanh tra xây dựng nhiều quận - huyện đang kiến nghị nâng mức phạt các vi phạm thiếu an toàn lao động trong xây dựng, vì theo Nghị định 47 của Chính phủ mức phạt cao nhất hiện nay chỉ 20 triệu đồng, chưa đủ sức răn đe các nhà thầu xây dựng vi phạm. Thiết nghĩ, không chỉ kiểm tra và tăng mức phạt, một yêu cầu quan trọng nhất, giải pháp hữu hiệu nhất là bản thân người công nhân lao động phải nâng cao ý thức, chấp hành đúng quy định an toàn lao động để bảo vệ chính mình.

Trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm xảy ra 6.000 vụ tai nạn lao động trên cả nước, làm khoảng 600 người chết và hàng ngàn người bị thương, trong đó số vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng chiếm hơn 50%. Trong năm 2012, tại TPHCM xảy ra 36 vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng (chiếm 45% tổng số vụ tai nạn lao động), đáng ngại là trong số này có nhiều vụ tai nạn để lại hậu quả nghiêm trọng (có người chết).

Tuấn Vũ

Tin cùng chuyên mục