
(SGGP-12G).- Sông Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị (con sông anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ) hiện đang oằn mình trước nạn khai thác cát diễn ra dữ dội.
“Cát tặc” hoành hành
Nạn khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn diễn ra liên tục từ nhiều năm nay. Các đơn vị chức năng cùng người dân địa phương đã nhiều lần tổ chức lực lượng đẩy đuổi, xử lý hành chính những đối tượng “cát tặc”. Tuy nhiên, tình trạng này đến nay vẫn chưa lắng xuống.
Người dân phường An Đôn, thị xã Quảng Trị cho biết, mỗi khi bị truy quét, đẩy đuổi, các đối tượng “cát tặc” liền sử dụng bất cứ thứ gì có thể để tấn công lại bà con. Không ít người dân đã bị bọn chúng phang xẻng, sào tre, ném đất, đá túi bụi vào người.

Điểm khai thác, tập kết cát sát cạnh mố cầu Thạch Hãn
Theo phản ánh của người dân phường An Đôn, các đối tượng “cát tặc” chủ yếu là người ở xã Triệu Thành (Triệu Phong) và thị xã Quảng Trị. Số đối tượng này hiện sử dụng khoảng 40 đò máy, khai thác từ khoảng 12g đêm hôm trước đến 3g chiều ngày hôm sau. Hậu quả của nạn “cát tặc” đã làm cho đôi bờ sông Thạch Hãn trở nên lở lói, nhiều nơi nham nhở như bãi chiến trường, người dân mất đất sản xuất, môi trường bị ô nhiễm nặng…
Tính riêng xã Triệu Thượng và phường An Đôn có 9 khu dân cư sinh sống dọc bờ Bắc sông Thạch Hãn, với chiều dài khoảng 25 cây số, đều bị “cát tặc” làm xáo trộn về an sinh.
Nạo vét hay khai thác kiểu thương mại?
Mặc dù Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã có văn bản cảnh báo nạn khai thác cát bừa bãi trên sông Thạch Hãn ảnh hưởng đến kè bảo vệ khu di tích lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (nằm về phía hạ nguồn). Vả lại, dưới lòng sông có thể có bảo vật, cổ vật, di vật liên quan đến các nền văn hóa, các thời kỳ lịch sử… nhưng mới đây chính quyền địa phương vẫn cấp phép cho một doanh nghiệp tư nhân (DNTN) khai thác cát ở sông này với khối lượng lớn. |
Trước năm 2001 và từ năm 2001 đến nay, UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp phép cho một số DNTN khai thác cát trên sông Ái Tử, xã Triệu Ái (Triệu Phong) và trên sông Thạch Hãn, đoạn qua xã Hải Lệ (Hải Lăng).
Trên thực tế, trữ lượng cát ở đây không nhiều nên các DN đã bất chấp, khai thác cát tại nhiều điểm trên sông Thạch Hãn một cách ồ ạt. Điều đáng nói, khi tình trạng này vẫn âm ỉ tiếp diễn, người dân bất bình thì chính quyền địa phương lại cấp phép cho một DNTN khác khai thác cát ngay trên sông Thạch Hãn, với lý do nạo vét, cải tạo luồng lạch để sử dụng nguồn cát đó vào xây dựng cơ sở hạ tầng(?!).
Trước thực tế dòng sông bị “múc” ruột dữ dội, người dân phường An Đôn đã phản ánh tới chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương đã cùng với các đơn vị chức năng giải quyết sự việc bằng cách… đưa ra các văn bản có trong hồ sơ cấp phép cho DNTN nói trên(!), nội dung cho phép DNTN này khai thác cát trên sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn An Đôn với mục đích khai thông dòng chảy và phục vụ công trình khu kinh tế Bắc Thành cổ, thời hạn khai thác là 5 năm.
Bù lại, DN này ngoài việc hoàn tất các nghĩa vụ về phí theo quy định phải đóng góp cho thôn An Đôn 100 triệu đồng(!). Giấy phép thể hiện, DNTN này được phép “nạo vét” trong thời hạn 5 năm với trữ lượng cát lấy đi 4.000m3/tháng, tương đương 48.000m³/năm….
Thương lắm dòng Thạch Hãn! |
Đến Quảng Trị, thăm di tích lịch sử cách mạng Thành cổ, thăm dòng Thạch Hãn anh hùng, hẳn mọi người đều biết hơn 10.000 chiến sĩ cách mạng, quân và dân địa phương đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, nằm lại nơi này trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm mùa hè năm 1972 bảo vệ Thành cổ linh thiêng. Người cựu chiến binh, nhà báo Lê Bá Dương đi qua chiến tranh với thân mình đầy thương tích, đã viết nên những câu thơ làm xúc động lòng người: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi nghìn năm”. Thành cổ Quảng Trị và dòng Thạch Hãn đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước sâu sắc, là khúc tráng ca âm vang mãi trong tâm khảm của mỗi người dân yêu nước. Mỗi dịp lễ, tết, người dân từ miền Bắc cho tới miền Nam, từ trong cho tới ngoài nước, đổ về đây đông nghịt, thắp nén hương, thả xuống sông những đóa hoa tươi để tưởng nhớ, tri ân công ơn của những anh hùng liệt sĩ. Vậy mà, liên tiếp nhiều năm nay, trên con sông này đã diễn ra cảnh trên, khiến người ta cảm thấy vô cùng xót xa. |
Phan Hà Linh