Cùng với áp lực giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh từ việc tăng dân số cơ học, những năm gần đây TPHCM luôn đau đầu với hình ảnh nhếch nhác, chèo kéo khách của những người lang thang, xin ăn. Chính vì thế, để cải thiện bức tranh về đô thị và xóa dần những hình ảnh khó coi này, TPHCM đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015 giải quyết căn cơ, dứt điểm tệ nạn người lang thang, xin ăn.
Chủ trương này hoàn toàn đúng và trở nên bức bách trước yêu cầu phát triển của thành phố mang tên Bác theo hướng văn minh, hiện đại. Thế nhưng mổ xẻ bài toán nan giải này, nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại và chưa yên tâm với những giải pháp mà Sở LĐTB-XH đưa ra. Cụ thể là ngoài tuyên truyền, giáo dục, tập trung đối tượng về cơ sở bảo trợ xã hội để dạy nghề, văn hóa, tổ chức lao động, định hướng hòa nhập cộng đồng… TPHCM sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức hồi gia họ về nơi xuất cư. Mổ xẻ thực tế và nhìn lại những gì TPHCM đã và đang nỗ lực thực hiện mới thấy mục tiêu giải quyết dứt điểm tệ nạn này không đơn giản, nếu không muốn nói là vô cùng phức tạp.
Cứ sau những đợt cao điểm ra quân tập trung những đối tượng này, TP bớt hẳn lượng người lang thang, xin ăn. Thế nhưng, sự yên bình này chỉ tạm thời và để dẹp nó TPHCM lại tái diễn những đợt ra quân mới. Vì sao? Theo Sở LĐTB-XH TP, chiếm khoảng 90% trong tổng số người lang thang, xin ăn được tập trung vào cơ sở bảo trợ xã hội những năm qua là người của các tỉnh khác. Họ đến thành phố tìm kiếm cơ hội mưu sinh vì nhiều lý do, hoàn cảnh như nghèo khó, thiên tai dịch bệnh… Từ mục đích đó, họ sẽ không từ bỏ cơ hội mưu sinh, kiếm tiền của mình bằng mọi cách. Nếu chính quyền thành phố nỗ lực, tìm mọi giải pháp trợ giúp họ có cơ hội lao động chân chính, học nghề, học văn hóa, tìm việc làm… chưa chắc họ đã chấp nhận đổi đời theo hướng nhân bản đó. Bởi lẽ nhiều người trong số họ đã coi ăn xin là nghề dễ kiếm tiền, nhàn hạ nhất. Đây chính là gốc rễ của vấn đề và không thể đơn thuần giải quyết vấn đề này bằng giải pháp tuyên truyền, giáo dục, định hướng hòa nhập cộng đồng…
Từ thực tế đó, chúng ta cần phải mổ xẻ nguyên nhân, khảo sát đối tượng để đưa ra các giải pháp kinh tế xã hội phù hợp, tạo ra lưới an sinh bền vững cho mọi người dân trong cả nước. Như thế một mình TPHCM không thể đủ sức và đủ lực để giải quyết bài toán người nhập cư nói chung và người lang thang, xin ăn nói riêng.
Kinh nghiệm cho thấy, TPHCM đã nhiều lần xới vấn đề này lên và hạ quyết tâm cao nhưng kết quả chúng ta chỉ giải quyết được phần “ngọn”- giảm bớt số lượng người lang thang, xin ăn vào TPHCM, chứ chưa thể xóa hẳn tình trạng này.
Để giải được bài toán nan giải và tốn nhiều công sức này, ngoài những việc cần làm ngay, TPHCM cần đề xuất với Chính phủ chỉ đạo, hỗ trợ những giải pháp đồng bộ, mang tầm quốc gia. Đó là ưu tiên chăm lo cho những đối tượng yếu thế - những người không có khả năng, cơ hội mưu sinh bằng sức lao động của mình, tạo mạng lưới an sinh xã hội bền vững, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn… Ngoài ra, cũng cần phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương - những nơi để cho người dân, nhất là người già, trẻ em không nơi nương tựa phải tha phương, cầu thực. Ước muốn một ngày nào đó thành phố mang tên Bác không còn hình ảnh người lang thang, xin ăn là có thể. Thế nhưng, để ước muốn và mục tiêu đó trở thành hiện thực, ngoài quyết tâm cao, TPHCM phải tiếp tục nghiên cứu để tìm ra cách làm căn cơ, hiệu quả hơn.
Khánh Bình