Mưu sinh cùng sóng gió

Mưu sinh cùng sóng gió

Gần 4 giờ sáng, đêm vẫn thăm thẳm trong cái lạnh đầu mùa. Anh Toản – người xóm 8, xã Vạn Thọ (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) – lầm lũi nhấc từng chiếc rọ, cẩn  thận lắc đổ vào lòng thuyền. May lắm mỗi rọ cũng chỉ có 1, 2 con tôm nhỏ. Cả 500 chiếc rọ, suốt đêm dài, anh chỉ mong có được vài chục ngàn đồng, cho cuộc sống cả nhà và ăn học của hai đứa con nhỏ.

Mưu sinh cùng sóng gió ảnh 1

Một mình trong đêm tối.

Trời nhá nhem tối, chúng tôi cùng Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ lênh đênh trên thuyền. Chẳng ai có thể nói chính xác trên 25km2 mặt nước Hồ Núi Cốc - danh thắng nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên này - có bao nhiêu người đang kiếm sống trên sóng nước đêm nay. Có người bảo không thể dưới 500 người.

Mặt nước mênh mông, thân phận mỗi con người trở lên bé nhỏ, chỉ như những thân cò, thân vạc đêm đêm. Ngoài một số ngư dân dưới xuôi lên làm ăn, chủ yếu vẫn là những người sống ở gần 10 xã ven hồ. Nhường đất cho hồ, nhiều gia đình chẳng còn ruộng, ao và chẳng kiếm được nơi ở mới nên đành phải kiếm sống nhờ chính tôm cá sinh sôi khi đập ngăn nước dâng thành cái hồ tuyệt đẹp này.

Đêm về khuya, là lúc họ mong ngóng vận may của cuộc mưu sinh, nhưng chúng tôi lại càng khó tiếp cận với họ. Anh Dũng, cán bộ kiểm lâm lái thuyền cho chúng tôi, đã có kinh nghiệm 9 năm đánh cá đêm trên hồ giải thích: “Họ sợ lộ địa điểm, giăng lưới sẽ bị mất trộm, cũng có người không mua vé sợ đụng đoàn kiểm tra, nên cứ thấy tiếng máy nổ là tắt đèn”.

Bởi vậy, chỉ đến khi Chủ tịch Hà gọi “bật đèn lên đi, Hà Vạn Thọ đây, ra Hà nhờ tí”, chúng tôi mới tiếp cận và trò chuyện được với một số ngư dân. Anh Bính, ở xóm Tiến Thành (xã Bình Thuận, Đại Từ) than thở: “Năm nay vé cao quá (20.000đ/ đêm), hôm nào may lắm kiếm được 40 ngàn, có đêm tiền bán cá chẳng đủ mua vé”. Anh Báo ở cùng xóm anh Bính uể oải mở cho chúng tôi xem chiếc hộp đá đựng cá chỉ lèo tèo mấy con mương nhỏ.

Quá 12 giờ đêm, khi những người đánh cá tranh thủ ngả lưng ít phút hiếm hoi ngay trên thuyền, chúng tôi cũng neo thuyền vào chiếc chòi canh ven hồ của lực lượng kiểm lâm làm chén trà nóng cho tỉnh táo. Chủ tịch Hà vẫn quen ăn sóng nói gió lúc này mới trầm giọng: “Khổ nhất là họ, bần cùng mới phải làm cái nghề vừa vất vả vừa nguy hiểm này”. Ông cho biết, gần chục năm trước, nhiều đối tượng bất hảo ở tứ xứ tụ tập tại một số đảo trên hồ đã gây mất trật tự trị an.

Để đối phó với nạn “cá tặc, lưới tặc” nhiều người kiếm ăn đêm trên hồ còn giắt túi quần cả mìn tự tạo nhằm dễ bề thoát thân khi gặp kẻ hung hãn. Có người ban đêm châm thuốc hút, sơ ý khiến mìn bén lửa thiệt mạng.

Một toán trộm nhân lúc hai vợ chồng để đứa con mới lên ba đang ngủ ở thuyền lên chợ bán cá, lẻn vào thuyền vơ vét không được gì đã nhẫn tâm đánh đắm cả chiếc thuyền. Thường xuyên diễn ra việc tranh giành ở những nơi tập trung nhiều tôm cá, không chỉ có gậy gộc mà còn cả đao búa, mã tấu. Rồi nạn đánh mìn bắt cá hủy hoại môi trường...

Biết bao những hiểm nguy khôn lường luôn rình rập khiến nhiều người quyết tâm giải nghệ. Gần 20 năm gắn bó với lưới mần, lưới tép, mỗi tháng chỉ có vài đêm được ngon giấc ở nhà, sau nhiều phen suýt chết vì bão to, sóng lớn, năm 2003 ông Coóng ở xóm 5 (Vạn Thọ) đã về nhà yên phận với nghề nông.

“Nghĩ lại cái đận ấy vẫn sởn da gà, cơn giông bất ngờ đẩy tôi đi hàng cây số, lưới cũng bị cuốn phăng đi mất. Sau nhờ bám được vào cái cọc te mới thoát chết. Cũng vì thiếu kinh nghiệm mà một anh cùng xã tôi đã chết vì sóng gió đấy” – ông bùi ngùi nhớ lại.

Mưu sinh cùng sóng gió ảnh 2
Thành quả ít ỏi sau một đêm lao động cực nhọc.
Ảnh: VĂN CHI

Biết là cực nhọc lắm, nhưng vì miếng cơm manh áo, nhiều đàn ông khoẻ mạnh vẫn phải sắm lưới ra hồ. Có những người sau một thời gian nghỉ lại “tái xuất lênh đênh”.

Anh Nhuận ở xã Vạn Thọ kể: “Đích thân Chủ tịch Hà đưa tôi và 40 người nữa trong xã xuống Hà Nội làm công nhân, nhưng lương thấp, bơ vơ không cửa không nhà, làm sao sống được, nên sau 8 tháng lại trở ra hồ làm nghề cũ”.

47 tuổi mới gia nhập làng đánh cá, ông Canh ở xã Tân Thái cho hay nhà ông có gần mẫu ruộng nhưng ngập hết, mấy anh em chung nhau kéo vó kiếm ăn. Nhìn bữa cơm đêm vừa dọn ra giữa thuyền, chỉ thấy có mớ cá tép xào khế, nồi rau cải và nắm lá đinh lăng. Ông Canh bảo: “Tiếng là đi kéo vó nhưng có biết miếng cá ngon là thế nào đâu, vì con to, tươi ngon phải dành bán lấy tiền”.

Tảng sáng, chúng tôi neo thuyền gần bến, chẳng thấy cảnh thuyền chở cá về nhộn nhịp, chỉ lác đác mấy chiếc thuyền đánh tôm đang lặng lẽ vào bờ. Chủ tịch Hà nói giọng buồn buồn: “Hiểm nguy do con người gây ra đã ít đi, nhưng cá tôm đánh mãi cũng cạn kiệt mất rồi, dân lấy gì mà sống đây. Không lo cho dân có cuộc sống ổn định thì rừng cũng không thể giữ được. Chưa kể các xã khác, chỉ riêng Vạn Thọ đã có hàng trăm hộ dân vùng bán ngập thiếu đất sản xuất, nghĩ đủ cách rồi, mà vẫn chưa có lối thoát lâu dài”.

Chỉ một đêm thức trắng trên hồ, chúng tôi đã mệt mỏi đến nỗi chẳng còn hứng thú ngắm bình minh lên. Thêm đồng cảm với điều ước quá đỗi bình dị của những người dãi dầu cả năm trong sóng nước: được ngon giấc ban đêm trong ngôi nhà ấm áp của mình.

Mới gặp, cứ nghĩ họ tuổi trung niên lâu rồi. Nhưng không, hầu hết họ đều đang tuổi thanh niên nhưng nỗi nhọc nhằn, khắc khổ đã hằn sâu trên nét mặt. Càng buồn hơn, khi nhìn những bàn tay bợt bạt nhặt nắm tôm cá ít ỏi, thành quả sau cả đêm dài may mắn. Lời Chủ tịch Hà lại văng vẳng: Làm gì để ổn định cuộc sống cho dân?

NGUYÊN HÀ

Tin cùng chuyên mục