Mỹ không còn nói “không” với Cuba?

Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện Mỹ ngày 30-6 đã bỏ phiếu thông qua dự luật dỡ bỏ việc cấm công dân Mỹ tới Cuba du lịch với 25 phiếu ủng hộ và 20 phiếu chống. Dự luật này do chính Hạ nghị sĩ Collin Peterson, Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện Mỹ khởi xướng. Thành công lần này được kỳ vọng là bước tiến quan trọng trong nỗ lực tiến đến việc xóa bỏ cấm vận của Mỹ trong lĩnh vực du lịch chống Cuba. Một thuận lợi nữa là nhiều chuyên gia hàng đầu của Mỹ về chính sách đối với Cuba cũng đã lên tiếng ủng hộ dự luật trên giúp khả năng có “giấy thông hành” từ Ủy ban Đối ngoại và Tài chính Hạ viện, Hạ viện, Thượng viện để dự luật chính thức được hiện thực hóa đang trở nên gần hơn bao giờ hết.

Mỹ hiểu rất rõ những điểm cộng mà Washington sẽ có tỷ lệ thuận với tiến trình cải tiến mối quan hệ giữa nước này và Cuba. Bà Sarah Stephens, Giám đốc điều hành của Trung tâm Dân chủ của người Mỹ tuyên bố rằng một sự thay đổi sẽ giúp… mang tiền đến cho người lao động Mỹ. Việc kết thúc cấm đi lại và bán thêm lương thực, thực phẩm cho Cuba được đánh giá không chỉ có lợi cho chính Mỹ về kinh tế mà còn giúp tăng hình ảnh cũng như hiệu quả chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực Mỹ Latinh. Mặt khác, hiện nhiều công ty Mỹ, đặc biệt là các tập đoàn dầu mỏ “đứng ngồi không yên” khi La Habana công bố trữ lượng mỏ dầu ngoài khơi của nước này có thể đạt 20 tỷ thùng. Theo đánh giá của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), với trữ lượng dầu thô như thế, Cuba hứa hẹn sẽ trở thành quốc gia cung ứng dầu mỏ lớn ở Tây bán cầu (Mỹ có trữ lượng khoảng 29 tỷ thùng dầu). Về mặt kinh tế, doanh thu từ dầu mỏ có thể giúp Cuba trả nợ nước ngoài, đồng thời có vốn dự trữ ngoại tệ để đảm bảo ổn định kinh tế trong nước, đảm bảo tốt khả năng đầu tư và phát triển đất nước. Từ đó, Cuba sẽ dần dần khắc phục được những hậu quả tiêu cực do lệnh cấm vận của Mỹ gây ra. Dường như quan hệ Cuba-Mỹ đang dần chuyển từ “Cuba chờ sự chuyển biến của Mỹ” sang thời điểm này là “Mỹ đang rất cần Cuba”.

Những “chiêu thức” của Mỹ đối với Cuba trong suốt thời gian qua hiện đang vấp phải sự phản đối gay gắt của dư luận quốc tế. Liên tục 18 năm nay, Đại hội đồng LHQ năm nào cũng ra nghị quyết đòi Mỹ bãi bỏ ngay lệnh cấm vận chống Cuba với số phiếu năm sau luôn cao hơn năm trước. Số lượng phiếu bầu dồn về cho ông Obma trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2009 một phần đã xuất phát từ lời tuyên bố của ông rằng sẽ thay đổi chính sách đối với Cuba nếu đắc cử. Cho đến nay, những người dân tin tưởng Tổng thống Obama vẫn liên tục thúc giục Tổng thống Mỹ cần hành động nhanh chóng hơn.

Trước những sức ép trên, Mỹ không thể nói không mãi với việc khắc phục sai lầm suốt 48 năm qua của mình. Nếu chính quyền Mỹ tích cực hiện thực hóa lời hứa của mình, họ sẽ được rất nhiều. Thứ nhất, người lao động Mỹ có thêm một thị trường để làm việc, giúp giảm bớt áp lực tìm kiếm việc làm đối với 16 triệu người Mỹ đang thất nghiệp. Thứ hai, Mỹ sẽ có thêm một thị trường xuất khẩu vì Cuba đang trong quá trình cải cách kinh tế, cần nhập khẩu nhiều máy móc. Thứ ba, Mỹ sẽ đạt được thêm dấu cộng đối với người dân của mình vì việc cấm dân Mỹ đến Cuba là vi hiến. Và dấu cộng thứ tư chính là “lấy lòng” được cộng đồng quốc tế.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục