Mỹ Latinh chìm sâu trong dịch Covid-19

Theo số liệu The New York Times tổng hợp và phân tích, khi dịch Covid-19 bắt đầu hạ nhiệt ở New York và các thủ đô ở châu Âu, thì làn sóng dịch bệnh lại chuyển hướng tấn công các thành phố ở Mỹ Latinh.
Cảnh sát kiểm tra thông tin của người dân trên đường phố Santiago, Chile
Cảnh sát kiểm tra thông tin của người dân trên đường phố Santiago, Chile

Bất ngờ và khó đoán

Ngày 14-5, Chính phủ Chile đã ban bố lệnh phong tỏa toàn bộ khu vực thủ đô Santiago sau khi số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 bất ngờ tăng tới 60% trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 34.381 người.

Bộ trưởng Y tế Chile Jaime Manalich cho biết đây là biện pháp mạnh nhất mà chính quyền buộc phải áp dụng đối với Santiago, nơi hiện chiếm tới 80% số ca mắc Covid-19 trên cả nước. Ông J.Manalich cho biết, Chile đang trải qua giai đoạn gay cấn nhất của dịch bệnh, việc số ca nhiễm mới liên tục tăng cao trong 10 ngày qua đã khiến chính quyền nước này phải đưa ra những biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Trong khi đó, số ca tử vong ở Peru cũng tăng gấp đôi, không hề kém tháng tồi tệ nhất của dịch Covid-19 ở Paris. Con số này cũng tăng gấp 3 lần ở Manaus, một đô thị nhỏ nằm sâu trong rừng Amazon của Brazil. Ở Guayaquil, một thành phố cảng ở Ecuador, ghi nhận sự gia tăng đột biến về số ca tử vong do Covid-19 trong tháng 4 tương đương như thành phố New York trải qua trong tháng tồi tệ nhất: số người chết cao gấp hơn 5 lần so với mức trung bình của những năm trước.

Theo New York Times, đại dịch đang trở nên tồi tệ hơn ở Mỹ Latinh vì các bệnh viện không được đầu tư phù hợp, hệ thống hỗ trợ yếu kém và các nền kinh tế đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguồn lực trầm trọng.

Khó khăn chồng chất

Việc cắt giảm ngân sách dành cho y tế sau thời gian dài trì trệ kinh tế cũng là lý do khiến những nước như Ecuador và Brazil chứng kiến tỷ lệ tử vong cao nhất trong khu vực. Cựu Bộ trưởng Y tế Ecuador Carina Vance nói: “Chừng nào các cá nhân với mức thu nhập ít ỏi nhất còn chưa tiếp cận được các dịch vụ y tế thiết yếu và cơ bản nhất thì mọi người đều có nguy cơ”.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đóng băng tài trợ cho WHO cũng làm ảnh hưởng đến những nỗ lực trợ giúp của tổ chức này, khiến những nước như Venezuela hay Haiti càng dễ bị tác động nặng nề hơn. Trung Quốc, nước từng gia hạn khoản nợ hàng tỷ USD cho Mỹ Latinh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cũng hạn chế gửi các bộ kit xét nghiệm và đồ bảo hộ để giúp khu vực này chống dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 tác động đặc biệt nặng nề đối với Manaus, một đô thị 2 triệu dân bên trong rừng nhiệt đới Amazon thuộc Brazil. Thành phố này ghi nhận 2.800 ca tử vong trong tháng 4. Theo phân tích của NY Times, sự gia tăng này có thể so sánh với những gì thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã trải qua ở thời kỳ đỉnh dịch Covid-19 từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4.

Manaus đã phải vật lộn để có được các thiết bị y tế cần thiết, việc cung ứng các nguồn lực cũng gặp nhiều khó khăn ở khâu hậu cần, do không có nhiều tuyến đường dẫn tới đây và phải dựa nhiều vào giao thông đường không và đường sông. Cuộc khủng hoảng của Manaus còn gây mối lo ngại cho hàng trăm nhóm bộ lạc sống ở trong và xunh quanh khu vực rừng Amazon. Họ thường ít hoặc không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhiều người có thể phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 khi họ đổ tới các thành phố để nhận những khoản tiền mặt hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo người dân trên thế giới sẽ phải học cách sống chung với virus SARS-CoV-2. Người đứng đầu chương trình các tình trạng khẩn cấp của WHO Michael Ryan nêu rõ khó có thể dự đoán thời điểm con người tiêu diệt được loại virus mới xuất hiện này. Ông cảnh báo cùng với thời gian, SARS-CoV-2 sẽ trở thành một virus đặc hữu trong cộng đồng và sẽ không bao giờ biến mất.

Tin cùng chuyên mục