Mỹ từ bỏ vũ khí hạt nhân như thế nào?

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay từ khi nhậm chức đã tuyên bố kêu gọi một thế giới không có vũ khí hạt nhân cũng như từ bỏ nhiều chương trình không gian tốn kém. Điều đó có nghĩa là nước Mỹ sẽ hòa bình hơn và giảm bớt tập trung vào không gian để lo chuyện khắc phục khủng hoảng kinh tế chăng? Nếu ai nghĩ như vậy sẽ là sai lầm.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay từ khi nhậm chức đã tuyên bố kêu gọi một thế giới không có vũ khí hạt nhân cũng như từ bỏ nhiều chương trình không gian tốn kém. Điều đó có nghĩa là nước Mỹ sẽ hòa bình hơn và giảm bớt tập trung vào không gian để lo chuyện khắc phục khủng hoảng kinh tế chăng? Nếu ai nghĩ như vậy sẽ là sai lầm.

Chính sách của các tổng thống Mỹ từ trước tới nay không bao giờ muốn từ bỏ quyền kiểm soát không gian, nhất là trong giai đoạn hiện nay ngày càng nhiều nước gia nhập “câu lạc bộ không gian” khiến cho cuộc chiến giành quyền kiểm soát không gian trở nên căng thẳng hơn.

Ngày 23-4 là ngày bận rộn của chương trình không gian thuộc Lầu Năm góc. Sự kiện thứ nhất là việc phóng tàu không gian thử nghiệm X-37B, một phiên bản nhỏ gọn hơn và không cần người lái so với các tàu con thoi cồng kềnh gây nhiều rủi ro cho các phi hành gia.

Lầu Năm góc hy vọng thế hệ tàu mới sẽ đảm nhận tốt chức năng vận chuyển hàng hóa và thiết bị vào không gian thay cho đoàn tàu con thoi sắp hết hạn sử dụng. Ngoài ra, tàu này còn có sứ mệnh quân sự đặc biệt mà Lầu Năm góc đã giữ kín. Nhiều nhà phân tích quân sự Mỹ cho rằng X-37B còn có chức năng thay thế nhanh các vệ tinh quân sự của Mỹ bị đối phương phá hủy hoặc cũng có thể tấn công vệ tinh đối phương.

Sự kiện thứ hai là việc thử nghiệm vũ khí siêu tốc (tên đầy đủ là Falcon Hypersonic Technology Vehicle-2, gọi tắt là HTV-2). Giới quân sự Mỹ đã vận động và giành được sự ủng hộ của Tổng thống Barack Obama trong việc cho ra đời thế hệ mới các vũ khí siêu cao tốc, có thể tấn công bất cứ nơi nào trên Trái đất trong thời gian ngắn, một việc vốn chỉ vũ khí hạt nhân làm được. Loại vũ khí này áp dụng công nghệ siêu thanh có vận tốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh.

HTV-2 sử dụng một động cơ của một tên lửa đạn đạo bay lên quỹ đạo Trái đất, tách khỏi tên lửa đẩy rồi trở lại Trái đất với tốc độ lên tới 20.000 km/giờ. Vụ thử này thất bại khi Lầu Năm góc mất liên lạc với tên lửa 9 phút sau khi phóng.

Các chuyên gia quân sự cho rằng hai loại vũ khí thử nghiệm kể trên là một phần trong chương trình Tấn công Toàn cầu chớp nhoáng (Prompt Global Strike - PGS). PGS có lợi thế là tấn công nhanh, chính xác chỉ trong vòng 1 giờ từ lãnh thổ Mỹ tới bất kỳ nơi nào trên thế giới trong trường hợp có xung đột hoặc xảy ra tình huống khẩn cấp. Báo chí Mỹ cho biết HTV-2 có khả năng tránh được radar của cả Nga và Trung Quốc.

Việc Tổng thống Obama kêu gọi thế giới hủy bỏ vũ khí hạt nhân cũng có thể hiểu rằng, Mỹ có thể sử dụng các loại vũ khí thế hệ mới mà tầm sát thương cũng không kém gì vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế sẽ khó chấp nhận một tình huống trong đó vũ khí hạt nhân biến mất, nhưng các loại vũ khí mới tiềm ẩn các yếu tố đe dọa không hề thua kém lại xuất hiện và nằm trong tay một vài nước. 

VŨ MINH

Tin cùng chuyên mục