Nắm bắt xu hướng an toàn thực phẩm để tăng xuất khẩu

Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm - FSMA, sẽ có hiệu lực từ tháng 6-2017. Đạo luật này có nhiều quy định khắt khe hơn đối với hàng hóa thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ nên là thách thức lớn đối với những doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường này. 
Thị trường Mỹ cũng là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực và quan trọng của Việt Nam, nên không ít doanh nghiệp đang quan ngại đạo luật này có những tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu.
Dẫn chứng cho những quan ngại của doanh nghiệp là có cơ sở, các chuyên gia cho biết: Để xuất khẩu mặt hàng cá tra vào thị trường Mỹ, trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều, điển hình như nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng hình ảnh cho cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu mặt hàng cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ chưa bao giờ dễ dàng và luôn phải vượt qua nhiều quy định khắt khe. 
Nắm bắt xu hướng an toàn thực phẩm để tăng xuất khẩu ảnh 1 Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp thủy sản
Theo ông Rick Gilmore, Chủ tịch Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu (GFSF), không tuân thủ quy định an toàn thực phẩm luôn là rào cản lớn nhất đối với hàng hóa thâm nhập vào các thị trường nhập khẩu nói chung, chứ không riêng gì thị trường Mỹ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam có số lượng mặt hàng thực phẩm xuất khẩu đạt chứng nhận an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế hay quy định của các thị trường còn khá khiêm tốn. 
Cụ thể, giai đoạn năm 2014 - 2016, mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã giảm hơn 30%, với khoảng 1.000 chuyến hàng bị từ chối vì không đáp ứng được quy định an toàn thực phẩm. Hay mặt hàng khác là cá da trơn của Việt Nam, khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, các lô hàng sẽ được chọn ngẫu nhiên để tái kiểm tra về các quy định an toàn thực phẩm một lần trong một quý.
Mặc dù, các bộ, ngành, hiệp hội có nỗ lực hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp không chủ động nắm bắt các quy định của Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm - FSMA thì cũng khó xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ. Đối với vấn đề chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp là trung tâm trong việc cải thiện và đảm bảo đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu nói chung và thị trường Mỹ nói riêng.
Những năm gần đây, tại Việt Nam đã xuất hiện những doanh nghiệp tiên phong áp dụng quy trình sản xuất quốc tế và hướng đến các tiêu chuẩn chất lượng uy tín. Trong đó, có thể kể đến Công ty VinEco đã triển khai quy trình khép kín từ khâu trồng đến sau thu hoạch; Công ty Vinamit không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào trong trồng trọt...
Theo các doanh nghiệp, thời điểm hiện nay là giai đoạn các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam cần nghiêm túc áp dụng quy trình sản xuất tuân thủ quy định an toàn thực phẩm, đặc biệt là Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm - FSMA. Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh bằng giá ngày càng không hiệu quả như trước, các ngành xuất khẩu của Việt Nam phải nắm bắt quy luật thị trường, thị hiếu tiêu dùng... để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục