Nắm chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu

Chúng ta cần tìm cách giảm phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu nhập ngoại mà ở trong nước có thể cung ứng được, như một số loại phân bón, thức ăn chăn nuôi… Trong dài hạn, cần đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc một vài nguồn cung.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Con số 246,84 tỷ USD để nhập hàng hóa (tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước) trong 8 tháng năm 2022, theo báo cáo của Bộ Công thương và Tổng cục Thống kê, cho thấy sau đại dịch, sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu nhập khẩu đầu vào tăng cao và sẽ còn gia tăng mạnh trong các tháng chạy nước rút cho đơn hàng cuối năm.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với giá hàng hóa, nguyên - nhiên - vật liệu nhập khẩu tăng cao và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cải thiện, do tình hình địa chính trị trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. 

Mặt khác, tỷ giá đồng USD liên tục tăng cao sẽ càng đẩy giá nguyên vật liệu nhập khẩu leo thang, tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu các giải pháp tránh tác động tiêu cực do đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu…

Trước hết, chúng ta cần tìm cách giảm phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu nhập ngoại mà ở trong nước có thể cung ứng được, như một số loại phân bón, thức ăn chăn nuôi… Trong dài hạn, cần đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc một vài nguồn cung. Tuy nhiên, đối với những nguyên liệu mà chúng ta phải nhập khẩu (kể cả dầu mỏ, than đá, bông vải, da giày, máy móc, linh kiện điện tử…), giải pháp hiệu quả nhất là nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, đại dịch Covid-19 tiếp tục trở thành động lực thúc đẩy mạnh hơn xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhờ lợi thế chi phí lao động rẻ và hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), chúng ta đã có cam kết lộ trình cắt giảm thuế suất, Việt Nam đang trở thành điểm đến của các doanh nghiệp FDI, cũng như làn sóng dịch chuyển nhà máy, công xưởng của các tập đoàn lớn tới Việt Nam. 

Theo tính toán, các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh lại tỷ trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chỉ còn chiếm khoảng 45-50%, đồng thời di dời 15-20% chuỗi cung ứng về Việt Nam, Ấn Độ, Philippines, Myanmar, Bangladesh và Campuchia. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng dự báo, làn sóng dịch chuyển đầu tư về dệt may vào Việt Nam từ nay đến năm 2025 sẽ tăng mạnh, không chỉ đến từ các nước châu Á mà còn từ nhiều nước ở châu Âu. Đây rõ ràng là cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn FDI cho ngành sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, da giày, điện tử, phụ tùng, máy móc, thiết bị… ngay trong nước, từng bước giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Tuy nhiên, Việt Nam không phải là vị thế số 1, mà cạnh tranh khốc liệt với các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… trong cuộc đua dịch chuyển này. Do đó, để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các chuỗi cung ứng khi nhiều quốc gia cùng nỗ lực thu hút dòng vốn FDI về nước mình, Chính phủ cần linh động điều chỉnh về chính sách, tăng cường tiềm lực quốc gia, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng mạng lưới giao thông, sân bay cảng biển...

Cùng với đó, tái cơ cấu bền vững nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào nước ngoài, giảm hoạt động gia công xuất khẩu. Cần đẩy mạnh sản xuất ở những lĩnh vực trọng yếu mà chúng ta có thế mạnh về xuất khẩu, tập trung tái cấu trúc các ngành công nghiệp phụ trợ. Điều này sẽ giúp sản xuất nội địa có thể chủ động về nguồn cung trong nước, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhất là hàng Trung Quốc. 

Phát triển các mắt xích phụ trợ cũng giúp doanh nghiệp của ta có thể phát huy hết cơ hội mà các FTA mang lại, từ đó thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời cần tập trung thu hút FDI có chất lượng, ngăn chặn những cuộc dịch chuyển có ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, khuyến khích các dự án có liên kết với công ty trong nước, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, ngăn chặn tình trạng chuyển giao công nghệ lạc hậu, có ảnh hưởng xấu cho môi trường.

Tin cùng chuyên mục