Năm khó khăn của thể thao Việt

Đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) nhiều khả năng sẽ không có suất dự Olympic 2020 khi mà giải vô địch châu Á dự kiến tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 5 đang đứng trước nguy cơ hủy bỏ vì dịch Covid-19. 

Đó là cơ hội cuối của TDDC Việt Nam, với nội dung toàn năng nam. Nếu giải này không diễn ra, các suất dự Olympic sẽ căn cứ trên bảng thành tích năm 2019, nếu thế, đại diện Việt Nam có thứ hạng nằm ngoài tiêu chuẩn rất xa.

Đấy chỉ là một ví dụ tiêu biểu, dễ thấy về những khó khăn mà thể thao Việt Nam (TTVN) đang đối mặt. Nhưng chừng đó chưa nói được hết một năm đặc biệt khốn khó, thậm chí còn lộ ra những điểm yếu mang tính lâu dài của nền thể thao nước nhà. Năm 2020, sự kiện thể thao quan trọng nhất chính là Olympic. Nhưng đến nay, Việt Nam chỉ mới có 4 suất và mục tiêu 15 - 20 suất gần như không thể hoàn thành, trong bối cảnh các giải đấu vô địch châu Á, nơi xét tiêu chuẩn Olympic, đã và đang lần lượt bị hủy vì dịch Covid-19. Với việc không thi đấu quốc tế, các khoản ngân sách cấp cho ngành thể thao trong năm nay cũng lần lượt đóng băng.

Do đặc thù của TTVN vẫn còn nặng tính bao cấp, tập trung dài hạn, ít thi đấu, nên từ trước đến nay lãnh đạo ngành vẫn hay dùng khoản ngân sách phát sinh ở những sự kiện lớn thường diễn ra mỗi năm để cân đối, san sẻ cho một số môn khác nhằm duy trì việc tập luyện cũng như tổ chức các giải vô địch quốc gia. Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các môn thể thao trong nhà đều không được tổ chức, các đội tuyển quốc gia cũng không được tập trung, HLV và VĐV thì chỉ tập duy trì mà không có giải đấu để kiểm tra trình độ. Như vậy, các khoản thu nhập quan trọng liên quan đến thi đấu đều không có, trong khi tiền chế độ theo quy định vốn rất thấp.

Một nền thể thao mà đại đa số các môn vẫn ở trong tình trạng bao cấp nhưng số lượng môn lại được duy trì rất nhiều nhằm bảo đảm cho thành tích ở các sân chơi như SEA Games. Nguồn tiền hàng năm được cấp theo kế hoạch và tiến độ, nhưng vẫn phải trải đều cho nhiều môn. Các VĐV thì hầu như trông chờ thu nhập phát sinh từ thời gian tham gia giải. Trong khi đó, một số môn còn không có khả năng vận động được tài trợ để tổ chức giải vô địch quốc gia do không có phong trào, khán giả không đến xem. Mặc dù ngành thể thao quyết tâm thực hiện chiến lược đầu tư trọng điểm cho các môn Olympic, nhưng thực tế qua SEA Games 30 gần nhất, chúng ta vẫn xuất hiện nhiều đội tuyển ở các “môn lạ” và đóng góp không nhỏ vào thành tích chung. Các môn dự SEA Games theo hình thức xã hội hóa, tức là đang “sống khỏe” mà không cần ngân sách nhà nước, thì thường lại không có huy chương nên cũng chẳng được quan tâm đúng mức. 

Những bất cập này đã được phản ánh nhiều năm qua, đặc biệt là khi vai trò của liên đoàn thể thao ngày càng mờ nhạt, hoạt động không hiệu quả. Nhưng phải đến khi có sự kiện bất khả kháng như dịch Covid-19 thì những điểm yếu đó càng lộ rõ. Hãy đặt trường hợp, nếu có nhiều môn thể thao phát triển theo hướng chuyên nghiệp như bóng đá chẳng hạn, tự thân liên đoàn hay đơn vị tổ chức sẽ phải vận động để công tác thi đấu diễn ra, kể cả khi không cho khán giả vào sân nhằm bảo đảm an toàn. Việc ra sân thi đấu là để giải quyết những khó khăn của các CLB, bên cạnh đó cũng tạo điều kiện cho HLV Park Hang-seo tìm người cho đội tuyển quốc gia. 

Bản chất của thể thao đỉnh cao là phải thi đấu. Thi đấu càng nhiều, liên tục càng tốt. Chính vì thế mới cần xã hội hóa, cần sự năng động của các nhà quản lý để tìm nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động thi đấu. Nếu chỉ dựa vào ngân sách, vào khả năng thu vén tài chính hay nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn của các VĐV thì khả năng phát triển sẽ không còn và đến một hoàn cảnh cụ thể như hiện nay, sẽ thụt lùi nghiêm trọng, suy giảm nội lực.

Tin cùng chuyên mục