Nắm luật trước khi ra sân

Tham gia FTA, mở ra thời kỳ mới…
Nắm luật trước khi ra sân

Hội nhập - Cơ hội và thách thức

Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) không chỉ ưu đãi về thuế, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu mà còn mở ra nhiều cơ hội trong hợp tác đầu tư, trao đổi công nghệ… Nhưng cuộc chơi càng lớn thì rủi ro càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm được “luật chơi” trước khi ra sân.

Doanh nghiệp dệt may hưởng lợi khi Việt Nam tham gia TPP (Ảnh may veston xuất khẩu) Ảnh: CAO THĂNG

Tham gia FTA, mở ra thời kỳ mới…

Đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với nhiều quốc gia, hàng hóa của Việt Nam đã vào được hầu hết các thị trường lớn. Ngoài các FTA song phương Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chile..., Việt Nam đã tham gia đa phương trong khối ASEAN ký kết và triển khai thực hiện 6 FTA là Hiệp định Khu vực Thương mại tự do ASEAN: ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Ấn Độ, khu vực thương mại tự do giữa các nước ASEAN, Australia và New Zealand.

Trong năm 2015 tiếp tục diễn ra nhiều sự kiện đáng nhớ trong hoạt động mở rộng giao thương của Việt Nam. Đó là Việt Nam tham gia tự do mậu dịch cộng đồng kinh tế ASEAN, FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (gồm 4 thành viên chính là Nga, Belarus, Kazakhstan và Armenia). Hiện nay, 2 hiệp định quan trọng mà Việt Nam đang tham gia đàm phán là Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU). Điều đó có nghĩa cuộc đua đã đến hồi cao điểm.

Hầu hết các hiệp định là tiến tới mở cửa thị trường tự do, xóa bỏ hàng rào thuế quan, có nghĩa là tạo ra cuộc chơi công bằng cho các nước. Thế nhưng, nói như ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC), thì thương mại tự do bình đẳng cũng có nghĩa là bất bình đẳng với những đối tác không ngang bằng nhau. Vì những quốc gia phát triển đã có sẵn lực lượng DN hùng hậu, lớn mạnh sẽ tạo sức ép trong cạnh tranh đối với những quốc gia đang phát triển có nhiều DN non trẻ. Cụ thể, Việt Nam có đến 80% là DN vừa và nhỏ thì cuộc chơi sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi thuế suất bằng 0%, quốc gia nào xuất khẩu nhiều sẽ được lợi. Trong khi đó, hoạt động sản xuất của DN Việt Nam nhỏ lẻ, manh mún, phải đối đầu với những rào cản kỹ thuật phi thuế quan thì càng khó trong hoạt động xuất khẩu. Câu chuyện DN Việt Nam phải đối đầu với vụ kiện chống bán phá giá cá tra khi ra sân chơi thế giới trước đây là một ví dụ. Do vậy, theo các chuyên gia, dù tháo dỡ hàng rào thuế quan, nhưng cơ hội kinh doanh là phải do DN tự tìm hiểu, nắm bắt. Hơn nữa, muốn tham gia cuộc chơi, ít nhất DN phải nắm bắt luật chơi ở từng quốc gia, như loại hàng nào được ưu đãi, thuế suất ra sao, quy chuẩn kỹ thuật thế nào, quy tắc xuất xứ quy định ra sao, các nước áp dụng biện pháp phòng vệ (chống bán phá giá, chống trợ cấp) như thế nào… Đồng thời, các DN phải liên kết trong sản xuất, cải tiến quy trình chăn nuôi để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Nếu không, hàng xuất khẩu sẽ bị chặn lại, hàng nước ngoài giá rẻ hơn tràn vào thị trường trong nước, khi đó chúng ta sẽ thua trên sân khách và mất luôn sân nhà!

Lợi thế xuất khẩu...

Nhìn chung, các FTA có mức độ tự do hóa thương mại cao, đến 90% số dòng thuế được miễn, giảm, riêng Hiệp định ASEAN có mức cam kết tự do hóa gần 100%, với nhiều dòng thuế suất bằng 0%. Doanh nghiệp có thể thấy được lợi ích ngay khi hàng rào thuế suất bị dỡ bỏ. Điển hình, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 4 của Việt Nam, nếu thuế suất về 0%, có nghĩa số thuế hơn chục phần trăm mà trước đây DN phải chịu, nay không phải chịu nữa. Chính sự ưu đãi về thuế đã giúp các quốc gia tham gia FTA có thể trực tiếp ký kết làm ăn với nhau mà không phải qua trung gian thứ ba, tăng thêm chi phí như trước đây. Với FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu, Việt Nam sẽ có lợi thế khi thuế nhập khẩu giảm đến 0% đối với các mặt hàng áo khoác, váy, đồ thể thao, giày thể thao và một số loại giày dép. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, năm 2014 kim ngạch xuất khẩu song phương giữa TPHCM - Nga chỉ 288 triệu USD, là con số còn khá nhỏ so với tiềm năng. Do vậy, sau khi có những thuận lợi của FTA, các bên sẽ đẩy mạnh xúc tiến trong các lĩnh vực thương mại, du lịch… “Sắp tới, một DN của TPHCM dự kiến sẽ đầu tư xây dựng khách sạn tại Saint Petersburg”, bà Hồng cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội xuất khẩu, cũng có một số rủi ro như hàng hóa sản xuất từ những quốc gia cận kề sẽ núp bóng hàng Việt Nam để hưởng các ưu đãi thuế quan. Đó là lý do hiệp định phải quy định chặt chẽ về nguyên tắc xuất xứ hàng hóa. Các quốc gia dù đã mở cửa tự do, nhưng phần nào họ cũng bảo hộ nền sản xuất trong nước và bảo vệ người tiêu dùng bằng hàng rào kỹ thuật phi thuế quan như tiêu chuẩn, kỹ thuật, chất lượng hàng hóa… Để nắm bắt được lợi thế và chuẩn bị hàng hóa xuất khẩu đảm bảo tính cạnh tranh, điều quan trọng nhất là các DN phải hiểu rõ nội dung cơ bản của các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

EAEU - cơ hội của ngành dệt may

Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) có dân số hơn 175 triệu người, tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) 2.500 tỷ USD. Liên minh này thành lập nhằm đa dạng hóa sản phẩm thế mạnh của mỗi nước. FTA Việt Nam - EAEU cam kết mở cửa thị trường gần 10.000 dòng sản phẩm, trong đó có hơn 6.700 dòng thuế về 0% ngay trong năm đầu tiên. Với Việt Nam, trong các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, dệt may, da giày thì dệt may được coi là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đến 17 tỷ USD vào EAEU.

Như vậy, theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, với 82% số dòng thuế ngành dệt may được cắt giảm (kim ngạch 159 triệu USD), trong đó 36% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thì mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Riêng mặt hàng nhựa, đến 100% được cắt giảm thuế suất, trong đó 97% được xóa bỏ thuế hoàn toàn. Tuy nhiên, thuế suất chỉ là điều kiện cần, để đáp ứng điều kiện đủ, các DN cần nghiên cứu về quy định xuất xứ hàng hóa - một loại hàng rào kỹ thuật kiểu mới có thể vô hiệu hóa ưu đãi về thuế; các quy định hóa đơn nước thứ ba; quy định trừng phạt khi khai báo sai xuất xứ… để bước vào cuộc chơi mà không phạm luật.

HÀN NI

 Nông sản sẽ vào Hàn Quốc

Ông Bùi Huy Sơn, Trưởng đoàn đàm phán, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết, nội dung của FTA Việt Nam - Hàn Quốc không chỉ thỏa thuận thuế suất, hàng hóa mà còn thỏa thuận cả về dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thể chế và pháp lý… Điểm mới của FTA này so với cam kết của WTO là Việt Nam sẽ mở cửa thêm cho Hàn Quốc 2 ngành dịch vụ: Quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị; cho thuê máy móc và thiết bị khác không kèm người điều khiển. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng mở cửa thêm cho Việt Nam 5 ngành dịch vụ gồm: pháp lý, chuyển phát, bảo dưỡng và sửa chữa đường sắt, hỗ trợ dịch vụ vận tải đường sắt; dịch vụ nghiên cứu và phát triển khoa học tự nhiên.

Về thuế suất, điểm đặc biệt là Hàn Quốc đã cắt giảm thuế quan cho Việt Nam nhập khẩu các nhóm hàng nông thủy sản chủ lực (tôm, cá, cua, hoa quả nhiệt đới), dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí… Trong đó, đáng chú ý là sản phẩm được Hàn Quốc xếp vào hạng nhạy cảm, trước đây đánh mức thuế suất cao trên 400% như gừng tỏi, mật ong, khoai lang… nay đã mở cửa cho hàng Việt Nam vào. Việt Nam là đối tác đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa ở lĩnh vực này. Thế nhưng, nếu so đo thì Việt Nam đã “rộng cửa” cho hàng hóa Hàn Quốc vào nhiều hơn, nên có nguy cơ Việt Nam sẽ nhập siêu. Cụ thể, Hàn Quốc chỉ cho ta nhập khẩu vào với tổng kim ngạch 324 triệu USD, trong khi ta cam kết mở cửa cho Hàn Quốc nhập vào với kim ngạch hơn gấp đôi, đến 737 triệu USD mà phần lớn là mặt hàng công nghiệp như điện tử, động cơ, phụ tùng ô tô, nguyên liệu nhựa, rồi đến mỹ phẩm, dược phẩm, nguyên liệu dệt may, da giày…

Điều đáng nói khi tham gia FTA song phương này là dù được rộng cửa nhưng “lực” của Việt Nam lại có hạn. Có nghĩa là, có cơ hội nhưng ta không tận dụng hết. Ví dụ như, mặt hàng tôm được Hàn Quốc miễn thuế trong hạn ngạch 10.000 tấn/năm và sau 5 năm sẽ tăng lên 15.000 tấn/năm. Trong khi hiện nay Việt Nam chỉ có khả năng xuất 5.000 tấn/năm cho cả 10 nước ASEAN, trong đó, chỉ xuất vào Hàn Quốc 2.500 tấn/năm. Ngoài ra, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những khó khăn về các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm gắt gao mà Hàn Quốc đặt ra. Do vậy, muốn xuất khẩu, DN phải tìm hiểu các quy định về hạn ngạch, tiêu chuẩn và hợp chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ hàng hóa, bao bì, nhãn mác… để đáp ứng yêu cầu.

CHẾ HÂN

 Hàn Quốc muốn đầu tư vào vật liệu xây dựng, hóa mỹ phẩm

(SGGP).- Ngày 24-8, Cục Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương đã làm việc với 15 doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc, đến Việt Nam tìm hiểu đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, thiết bị y tế, công nghệ thông tin và một số sản phẩm truyền thống vốn là thế mạnh của DN Hàn Quốc như nhân sâm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng trẻ em. Theo đó, việc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam có thể thực hiện đa dạng dưới hình thức hợp tác, liên kết, liên doanh với những DN Việt Nam có cùng loại sản phẩm hoặc tìm kiếm các đối tác có năng lực trở thành nhà phân phối cho các sản phẩm của DN Hàn Quốc tại Việt Nam.

Hàn Quốc hiện là nước đầu tư lớn tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 37 tỷ USD.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục