Do vậy, bên xuất khẩu (XK) cần trang bị tốt kỹ năng pháp luật, nghiên cứu đối sách, chiến lược phản ứng để tạo sự cân bằng trong quan hệ thương mại là những giải pháp căn cơ giúp hạn chế đối đầu với các vụ phòng vệ thương mại (PVTM) hiện nay.
Theo Cục PVTM (Bộ Công thương), sau hơn 10 năm gia nhập WTO, đến nay, Việt Nam đã có 130 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra bởi 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa XK. Đứng đầu là Hoa Kỳ, tiếp đó có EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ. Trong các vụ PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam, có 78 vụ chống bán phá giá, 25 vụ tự vệ, 17 vụ lẩn tránh thuế chống bán phá giá và 12 vụ về chống trợ cấp. Đáng chú ý, một số nước đã gia tăng cả 3 biện pháp chống bán phá giá, tự vệ và chống trợ cấp. Trong đó, các nước phát triển có xu hướng gia tăng biện pháp tự vệ.
Đáng chú ý, gần đây xu hướng các vụ kiện PVTM trên thế giới đối với hàng hóa XK của Việt Nam chủ yếu tập trung vào kiện chùm, kiện chống lẩn tránh thuế, kiện domino, kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp). Mặt hàng bị kiện nhiều nhất phải kể đến sắt thép (chiếm gần 50% số vụ chống bán phá giá và 75% vụ chống trợ cấp); tiếp theo là các mặt hàng sợi dệt và nông, thủy sản.
Thống kê từ Cục PVTM cho thấy, tính đến tháng 5-2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có hơn 400 lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp hiệu lực; trong đó, có 10 lệnh liên quan đến Việt Nam. Liên quan đến 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế, có 16 vụ do nghi ngờ sản phẩm nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Gần đây nhất, DOC kết luận 2 sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS) của Việt Nam có sự lẩn tránh thuế từ Trung Quốc.
Tiếp đó, ngày 12-6 vừa qua, Hoa Kỳ đã nhận đơn đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với 2 mặt hàng của Việt Nam là thép CORE do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc và thép CRS do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Hàn Quốc. Còn Australia điều tra chống bán phá giá với dây thép, thậm chí còn áp dụng điều kiện thị trường đặc biệt - một điều khoản tương đương với việc xác định nền kinh tế phi thị trường.
Chưa kể, một số nước còn áp dụng các biện pháp bảo hộ khác ngoài các biện pháp PVTM theo quy định của WTO và có thể đưa ra bất cứ lý do gì để áp dụng các biện pháp bảo hộ. Ngoài ra, không chỉ các sản phẩm XK giá trị lớn mới có khả năng bị áp dụng các biện pháp PVTM, mà ngay cả sản phẩm rất nhỏ trị giá XK, chỉ từ 2 - 3 triệu USD, cũng có khả năng bị kiện PVTM.
“Việc gia tăng các vụ kiện PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam, một mặt gây ảnh hưởng tiêu cực, hạn chế hoạt động XK của Việt Nam, nhưng mặt khác lại cho thấy hoạt động XK của Việt Nam đang rất tốt. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang cạnh tranh được với DN nước khác. Cùng sự gia tăng về kim ngạch XK, các vụ PVTM cũng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới”, đại diện Cục PVTM phân tích.
Sẵn sàng đối sách ứng phó
“Với xu hướng PVTM đang gia tăng, các DN, ngành hàng nên chủ động phòng tránh rơi vào sự cố bị điều tra. Vì một khi đã bị điều tra, vụ việc sẽ kéo dài và gây ảnh hưởng có khi kéo dài tới vài chục năm đối với DN bị điều tra. Có trường hợp DN phải bỏ luôn thị trường đó. Song song đó, các cơ quan thương mại và DN XK cũng cần nghiên cứu đối sách, chiến lược phản ứng để tạo sự cân bằng trong quan hệ thương mại”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, đề nghị.
Để hạn chế thấp nhất khi bị khởi kiện PVTM; đồng thời gia tăng khả năng thành công khi tham gia các vụ kiện, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, các DN nên tự bảo vệ bằng cách trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM. DN thường xuyên có hoạt động trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước để nắm bắt được những thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường NK, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.
Ngoài ra, DN nên củng cố quan hệ với các bạn hàng, đối tác bên phía nước NK, vì nhóm những đối tác này cũng là một bên có lợi ích bị ảnh hưởng bởi vụ việc điều tra PVTM. Song song với tìm kiếm thị trường XK mới và đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng XK quá nóng vào một thị trường, chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu.
Đặc biệt, khi vụ việc đã được khởi xướng điều tra, DN XK cần tích cực tham gia vào kháng kiện, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để tránh trường hợp cơ quan điều tra sử dụng dữ liệu sẵn có bất lợi để tính toán biên độ phá giá, trợ cấp. Bởi trên thực tế, thời gian qua có trường hợp cơ quan nước ngoài điều tra Việt Nam với một sản phẩm thì có những DN hợp tác rất tốt nhưng có DN không biết cách hợp tác trả lời có một nửa các câu hỏi điều tra, dẫn đến cơ quan điều tra nước ngoài chỉ sử dụng được một nửa thông tin, một nửa còn lại phải sử dụng thông tin bất lợi từ nước NK, dẫn đến thuế suất toàn quốc cho DN Việt Nam cao hơn rất nhiều.
Tiếp đến, DN cần chuẩn bị tốt về hồ sơ, chứng cứ để phản biện; đồng thời phải xác định rõ chiến lược, mục tiêu và nỗ lực tham gia kháng kiện một cách rõ ràng, thống nhất đến cùng. Bên cạnh đó, DN phải cùng hợp tác nhằm xác định chiến lược, lên phương án đối phó cho việc kháng kiện, cũng như vận động hành lang để đạt được kết quả tốt nhất.