Thực thi hiệu quả Đề án Văn hóa công vụ

Nâng cao trách nhiệm cấp ủy, tăng vai trò giám sát của người dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt đề án nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC). 

Ông Nguyễn Túc
Ông Nguyễn Túc

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề này.

° PHÓNG VIÊN: Ông nghĩ sao về Đề án Văn hóa công vụ mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành?
° ÔNG NGUYỄN TÚC:
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 129/2007/QĐ-TTG ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Quy chế gồm 16 điều, phù hợp với hoàn cảnh, công tác công vụ thời điểm đó. Nhưng sau 11 năm, đến 2018 thì tình hình đã khác đi nhiều, vấn đề thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ nặng hơn, có nhiều  biểu hiện mà trước đây chưa có. Chính vì vậy, cuối tháng 12-2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành đề án văn hóa công vụ mới và so với quy chế cũ đã đầy đủ hơn, phản ảnh được thực trạng về thái độ phục vụ của CB-CC-VC hiện nay đối với nhân dân. 
Đề án văn hóa công vụ vừa ban hành đề cập đến rất nhiều vấn đề, không chỉ mối quan hệ giữa CB-CC-VC với nhân dân, mà cả quan hệ trong nội bộ cán bộ, giữa lãnh đạo với nhân viên, nhân viên với lãnh đạo, đó là điều đã xảy ra trong suốt 11 năm qua. Có những quy định rất cụ thể, sâu sắc như: CB-CC-VC không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân. CB-CC-VC lãnh đạo phải chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín. Đối với lãnh đạo cấp trên, CB-CC-VC không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng… Tôi cho rằng, nếu thực hiện tốt quy định về văn hóa công vụ thì sẽ hạn chế được cái gọi là thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm; hạn chế được tình trạng CB-CC-VC bây giờ coi nhiệm vụ như một cái quyền muốn ban phát cho ai thì ban phát. Điều đó là rất nguy hiểm trong tình hình hiện nay.

 Đề án văn hóa công vụ được người dân rất đồng tình. Nhưng làm sao để những quy định trong đề án đó thực sự được thực thi một cách hiệu quả?

 Như Bác Hồ nói, chủ trương 1, biện pháp phải 10, quyết tâm phải 20, chứ không phải có chủ trương, quy định như thế rồi thì muốn làm gì thì làm. Thứ nhất, cả hệ thống phải vào cuộc, mà trước hết cấp ủy phải thấy trách nhiệm của mình. Trong điều kiện Đảng lãnh đạo hiện nay, nếu cấp ủy lãnh đạo mà không thấy được trách nhiệm của mình thì công việc sẽ không thành. Thứ hai, Nhà nước ban hành quy định rồi nhưng phải triển khai giáo dục cho CB-CC-VC đến nơi đến chốn, xử lý nghiêm những sai phạm. Thứ ba là phải đẩy mạnh việc giám sát. Đảng, Nhà nước đều phải giám sát, và giám sát của dân là quan trọng nhất. Chỗ nào cũng có dân, nên phải làm sao huy động được sức mạnh của dân để giám sát như chúng ta đã từng nêu ra trong quy chế dân chủ. Dân phát hiện ra, báo chí vào cuộc thì mới nên chuyện. Từ kinh nghiệm vừa qua cho thấy, hầu hết những vụ án kinh tế lớn nhỏ đều do dân phát hiện ra, từ đó báo chí vào cuộc, các cơ quan pháp luật xử lý. Giám sát của dân, thông qua MTTQ với các tổ chức chính trị xã hội là cực kỳ cần thiết và quan trọng.

Nhưng muốn giám sát của dân được mạnh thì những đồng chí Đảng giao cho làm công tác mặt trận, dân vận phải hết sức trung thực; phải dám nói những điều đúng mà dân đã nói. Nếu những đồng chí được cấp ủy phân công làm công tác dân vận, mặt trận lại sợ cấp ủy, sợ người đứng đầu, không dám nói tiếng nói trung thực của dân thì hỏng. Rất mong những đồng chí được Đảng phân công phụ trách công tác dân vận, mặt trận phải là những người trung thực, dám nói những điều mà dân nói đúng. Nếu anh nào cũng sợ thì sao mà làm được.

Do đó, để giám sát việc thực hiện văn hóa công vụ, góp phần làm chuyển biến văn hóa công vụ trong thời gian tới thì một trong những yêu cầu đầu tiên là cấp ủy phải vào cuộc. Cấp ủy phải huy động được sức mạnh của dân, làm sao phải chống được tham nhũng vặt, ăn bẩn mà hiện nay dân rất bất bình. Tham nhũng vặt phải được lên án mạnh mẽ, từ đó trở thành một phong trào chống tham nhũng mạnh mẽ như hiện nay chúng ta đang triển khai. Tôi rất tán thành khi trong đề án văn hóa công vụ của Thủ tướng vừa rồi đã nêu, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn tệ “tham nhũng vặt”, biểu hiện nhũng nhiễu phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao...

 Vừa qua, người dân, báo chí đã vào cuộc giám sát và thể hiện sự bất bình đối với trường hợp của Bộ trưởng Bộ Công thương để xảy ra việc sử dụng xe công phục vụ người nhà. Bộ trưởng sau đó đã có thư xin lỗi. Đây có thể coi là trường hợp điển hình về giám sát của dân đối với văn hóa công vụ. Ông có tin rằng, sự giám sát đó, nhất là trong bối cảnh internet phát triển mạnh mẽ hiện nay, sẽ giúp cảnh tỉnh CB-CC-VC?

 Hầu hết các vụ liên quan đến cán bộ, từ vụ Trịnh Xuân Thanh cũng đều do dân phát hiện ra, sau đó báo chí vào cuộc, cơ quan pháp luật điều tra, xử lý. Sự việc vừa qua của Bộ trưởng Bộ Công thương xảy ra sau khi Bộ Chính trị có quy định về nêu gương, người dân họ nhìn vào và thấy bất bình. Dù đó chỉ là việc nhỏ nhưng trách nhiệm nêu gương ở đây lại không hề nhỏ. Qua vụ việc này, chúng ta mong sẽ cảnh tỉnh với tất cả các đồng chí cán bộ có chức có quyền khác, đặc biệt là những người đứng đầu, lấy việc đó để răn mình, đừng làm gì để dân suy giảm niềm tin vào đường lối chính sách của Đảng. Có 27 biểu hiện suy thoái, tự chuyển hóa, tự diễn biến… đã được Đảng cụ thể hóa, CB-CC-VC hãy căn cứ vào đó để tránh. Ví dụ, dân rất mong qua chuyện của Bộ trưởng Bộ Công thương, sẽ không đồng chí nào dùng xe công cho vợ con hoặc bản thân mình để đi lễ hội, lễ tết.

Nơi nào cũng có tai mắt của dân, CB-CC-VC hãy cứ nhớ rằng bất cứ vi phạm nào cũng không lọt được tai mắt của dân. Đừng để có những sai lầm, dù nhỏ, ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin của dân. Và cuối cùng, dân mong CB-CC-VC có hành vi vi phạm quy định về văn hóa công vụ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật. Không nên phát hiện rồi bỏ đấy, dân càng mất niềm tin.

Tin cùng chuyên mục