Nâng cấp chợ truyền thống sạch đẹp, văn minh để hút khách vào chợ

Hàng trăm chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM đang được làm mới để tiếp cận khách hàng trước áp lực bị đào thải mạnh mẽ do cạnh tranh khốc liệt. 
Các điểm bán tự phát bao vây chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: ANH XUÂN
Các điểm bán tự phát bao vây chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: ANH XUÂN

TPHCM có khoảng 230 chợ truyền thống trải dài tại các quận, huyện, TP Thủ Đức… Trái với cảnh tấp nập khách mua hàng trước dịch Covid-19, sức mua hiện tại ở các chợ giảm mạnh, có nơi giảm hơn 70%. Làm thế nào để giúp chợ truyền thống “sống” được chính là trăn trở của các cấp, ngành, doanh nghiệp.

Chợ tự phát bao vây

Ghi nhận ngày 25-11 tại một số chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM, lượng khách mua không nhiều. Số lượng khách mua hàng bị san sẻ cho chợ tự phát gần đó.

Điển hình, “ôm” chợ Nhật Tảo (quận 10) - đoạn Nguyễn Duy Dương giao Bà Hạt, là những hộ dân sinh sống xung quanh, bán đủ loại trái cây, rau củ quả… Thỉnh thoảng, có các loại xe đẩy trái cây “ăn theo”. Giá bán cũng cạnh tranh, rẻ hơn 3.000-5.000 đồng mỗi mặt hàng so với giá trong chợ.

Người mua lựa chọn thịt heo bày đầy trên đường tại một điểm bán tự phát trước cổng chợ đầu mối Hóc Môn trưa 25-11. Ảnh: THI HỒNG

Người mua lựa chọn thịt heo bày đầy trên đường tại một điểm bán tự phát trước cổng chợ đầu mối Hóc Môn trưa 25-11. Ảnh: THI HỒNG

“Người mua chạy xe gắn máy, tấp vô lề mua rau quả, thịt cá, rồi nhanh nhanh chạy về chứ không ghé chợ”, chị T., một tiểu thương chợ Nhật Tảo cho biết.

Tương tự, mặt tiền chợ Hòa Hưng (quận 10) - đoạn Cách Mạng Tháng Tám, cũng bị người dân sinh sống xung quanh tận dụng làm nơi buôn bán trái cây, thịt, cá… Người dân lưu thông qua đoạn đường này thường xuyên gặp cảnh ùn tắc vì tình trạng buôn bán lộn xộn, hàng tràn ra đường.

Khu vực chợ Hòa Bình (quận 5) cũng không ngoại lệ, nhiều nhà dân tận dụng mặt bằng sẵn có làm nơi kinh doanh tại chỗ. Chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) không khá hơn, khi “ôm” quanh chợ là các cửa hàng bán quần áo, đồ ăn đủ loại…

Thịt heo bán dọc trục đường thuộc khu dân cư ấp Mỹ Hòa 4, Xuân Thới Đông (Hóc Môn) trưa 25-11. Người thực hiện: THI HỒNG

Đối với các chợ đầu mối, như Bình Điền, Hóc Môn, tình trạng cạnh tranh lượng khách, giá cả giữa tiểu thương trong chợ với người bán tại các điểm tự phát cũng diễn ra phổ biến.

Cụ thể, dọc tuyến đường Nguyễn Thị Sóc (đoạn gần chợ đầu mối Hóc Môn) và trục đường thuộc khu dân cư ấp Mỹ Hòa 4, Xuân Thới Đông (Hóc Môn) luôn đông nghẹt khách mua hàng. Thịt heo đủ loại bày bán khá rẻ, hải sản được đổ vào các chậu hoặc tấm nilon để trên đất… Xe máy chạy qua chạy lại, người nào ưng ý sẽ tấp vào mua hàng. Còn an toàn vệ sinh thực phẩm thì… hên - xui. Rau cải các loại khoảng 20.000 đồng/3 bó. Hải sản (ốc, tôm…) có giá từ 35.000 - 150.000 đồng/kg. Thịt heo từ 58.000 - 120.000 đồng/kg và mức giá này rẻ hơn so với các chợ truyền thống từ 20.000-30.000 đồng/kg, tùy loại.

“Tất cả đều là thịt heo nóng, mới giết mổ. Chúng tôi mua trực tiếp và đưa từ chợ đầu mối qua đây nên rất an toàn”, chị H., một người bán tại khu dân cư ấp Mỹ Hòa 4 thông tin.

Sắp xếp, chuyển đổi công năng chợ

Thực trạng chợ tự phát sống tốt, trong khi chợ truyền thống mất khách, cạnh tranh không nổi, nhiều tiểu thương cho biết rất bức xúc. Chị H. bán hải sản các loại tại chợ Hòa Hưng lắc đầu, không vui khi được hỏi về mãi lực: “Sức mua giảm gần 50% so với trước dịch Covid-19. Người mua bây giờ ngại vào chợ, tiện đâu mua đó. Chưa kể, mỗi sạp phải đóng thêm tiền điện, nước… trong khi người bán tự phát chẳng mất đồng phí nào. Vậy chúng tôi cạnh tranh sao nổi”.

Tầng trệt chợ An Đông vắng hoe, một số sạp treo đóng cửa trưa 25-11. Ảnh: THI HỒNG

Tầng trệt chợ An Đông vắng hoe, một số sạp treo đóng cửa trưa 25-11. Ảnh: THI HỒNG

Ban quản lý các chợ đầu mối như Bình Điền, Hóc Môn đã nhiều lần kiến nghị địa phương, cơ quan chức năng (Sở Công thương, công an quận, huyện…) vào cuộc xử lý dẹp chợ tự phát, nhưng sau một thời gian đâu lại vào đó.

Không chỉ các chợ truyền thống nói trên, mà một số chợ “điểm” nằm trong kế hoạch tăng trưởng lượng khách du lịch, thu hút khách quốc tế như An Đông, Bình Tây kinh doanh cũng không khá hơn.

Nhẩm tính lượng khách mua hàng từ sáng đến 17 giờ ngày 25-11, chị L. thở dài, cho biết, có hàng chục người tham quan, hỏi giá nhưng chỉ 5 người mua. Mà tổng trị giá đơn hàng rất ít, chỉ vài trăm ngàn đồng. Nếu trừ hết chi phí (điện, nước, nhân viên…), tiền lời chưa tới 100.000 đồng/ngày.

Hàng loạt sạp kinh doanh treo biển cho thuê lại tại chợ Bình Tây, quận 6. Ảnh: GIA HÂN

Hàng loạt sạp kinh doanh treo biển cho thuê lại tại chợ Bình Tây, quận 6. Ảnh: GIA HÂN

Chị T., tiểu thương có 3 sạp kinh doanh quần áo thời trang tại chợ An Đông, nói rằng vừa phải dẹp bớt 2 sạp, giữ lại 1 sạp vì kinh doanh ế ẩm. Tương tự, các quầy sạp khóa kín cửa, treo biển cho thuê cũng diễn ra tại chợ Bình Tây (quận 6)…

Theo chị M., tiểu thương chuyên kinh doanh bánh kẹo ở chợ Bình Tây, những người trụ lại và kinh doanh đến thời điểm này đều rất yêu nghề. Họ hy vọng sức mua cuối năm khởi sắc. “Chúng tôi đang làm nhiều cách để níu kéo sức mua, như bán hàng trực tuyến qua Zalo, Facebook…”, chị M. nói.

Chợ tự phát bao vây chợ đầu mối Hóc Môn. Người thực hiện: ANH XUÂN

Cách đây ít ngày, Sở Công thương TPHCM thông tin đã phối hợp các quận, huyện, TP Thủ Đức nâng cao mãi lực cho chợ truyền thống; đồng thời tăng cường kết nối các tỉnh, thành nhằm thúc đẩy giao thương, tìm đầu ra cho chợ. Hiện tại, Sở Công thương TPHCM đang rà soát, đánh giá lại hoặc sẽ chuyển đổi công năng chợ để giúp chợ hoạt động hiệu quả hơn.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc cần làm chính là nâng cao chất lượng dịch vụ, tránh tình trạng tiểu thương “chặt chém” khách hàng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phân loại và xử lý rác gọn gàng, sạch sẽ… Thông thường, khách du lịch đi đến đâu, nơi đó sẽ sạch đẹp, văn minh hơn; nhưng ở chiều ngược lại, nơi nào nhếch nhác, chất lượng dịch vụ kém… sẽ rất khó để hút khách.

Phát sợ với chợ chồm hổm

Chiều tối, trên tuyến đường Phạm Văn Bạch (nối liền quận Tân Bình và quận Gò Vấp) chỉ khoảng 3km nhưng có hàng chục điểm kinh doanh rau củ quả, thịt cá đủ loại…

Tương tự, các điểm bán tự phát dọc tuyến đường Dương Thị Mười, Tân Thới Hiệp 21 (đoạn giao Tân Thới Hiệp 06), Trung Mỹ Tây 13 thuộc địa bàn quận 12, cũng là nỗi ám ảnh với người dân.

Các tiểu thương đua nhau bày các sạp hàng ra ngoài vỉa hè, lấn chiếm cả nửa làn đường nhằm thu hút khách mua hàng. Từng có người đi đường bị đụng xe do va chạm với những sạp hàng rong này.

Thậm chí, các xe hàng còn ngang nhiên dựng ngay giữa lòng đường, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị. Dù vậy, khi thấy lực lượng quản lý trật tự đô thị kiểm tra, các tiểu thương nhanh chóng di chuyển xe chở hàng đi nơi khác và chỉ một lúc sau, họ lại quay trở về địa điểm cũ, tiếp tục buôn bán.

Các xe đẩy bán hàng rong trên đường Phạm Văn Bạch. Ảnh: HẢI NGỌC

Các xe đẩy bán hàng rong trên đường Phạm Văn Bạch. Ảnh: HẢI NGỌC

Hỗ trợ tiểu thương quảng bá hàng trực tuyến

Để giúp tiểu thương gia tăng mãi lực, thu hút khách, mới đây, Ban quản lý các chợ An Đông, Bình Tây… liên tục có các buổi tập huấn, hỗ trợ bà con.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Phương, Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Tây cho hay, ban đồng hành cùng tiểu thương đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng mãi lực; áp dụng công nghệ thông tin vào bán hàng trực tuyến. Hiện tại, ban đã giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước các sản phẩm quà tặng lưu niệm đặc trưng, như túi vải thời trang, bộ tách trà, ly thủy tinh có in hình hoặc khắc họa tiết chợ Bình Tây…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Trưởng Ban Quản lý Trung tâm TMDV An Đông (còn gọi là chợ An Đông) thông tin thêm, Phòng Kinh tế quận 5 đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho thương nhân ứng dụng công nghệ thông tin bán hàng trên TikTok, Zalo, Facebook, livestream… nhằm thu hút khách mua sắm.

Với chợ Bến Thành, các tiểu thương đã áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua mã QR, thanh toán qua máy POS... khá tiện lợi.

Khách quốc tế tham quan chợ An Đông chiều 25-11. Ảnh: GIA HÂN

Khách quốc tế tham quan chợ An Đông chiều 25-11. Ảnh: GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục