Đáp ứng yêu cầu đổi mới
Thực tế, quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện nay thì chỉ bậc mầm non là còn ở trình độ cao đẳng. Sau 4 năm nữa, theo lộ trình, sẽ không còn giáo viên có trình độ cao đẳng tham gia thị trường lao động giáo dục. Có thể nói, chỉ có lao động trong ngành giáo dục mới đòi hỏi trình độ của người lao động ở mức độ tối thiểu là trình độ đại học.
Do yêu cầu cao của ngành sư phạm, 2 năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã áp đặt chuẩn đầu vào khi tuyển sinh (Bộ GD-ĐT duyệt chỉ tiêu, ấn định điểm sàn) cho các trường sư phạm trên phạm vi cả nước. Việc tuyển sinh của một số trường/cơ sở tham gia đào tạo giáo viên ở bậc phổ thông có nhiều khó khăn do chủ trương điểm sàn của Bộ GD-ĐT, nhưng mang lại lợi ích thực sự cần thiết, như chất lượng đầu vào được kiểm duyệt trên phạm vi quốc gia. Chỉ 2 năm nữa, những sinh viên ra trường từ quy định điểm sàn này sẽ là một đội ngũ đồng đều hơn về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới phát triển giáo dục phổ thông. Trước đó, khi Bộ GD-ĐT chưa quy định điểm sàn khối ngành sư phạm, nhiều trường tuyển sinh đầu vào với kết quả điểm trúng tuyển “chạm đáy” so với các ngành khác, khiến giới chuyên môn không khỏi lo ngại về chất lượng đầu ra.
Việc Bộ GD-ĐT đặt ra điểm sàn đối với tuyển sinh ngành sư phạm thực sự gây khó khăn cho các trường. Trong đó, khá nhiều trường khu vực ở địa phương đã không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh đặt ra. Chỉ sau 1-2 năm nữa, do quy định chuẩn giáo viên các bậc học đều từ đại học trở lên (được thực hiện cả ở bậc mầm non), một số trường cao đẳng sư phạm có thể phải đóng cửa hoặc trở thành cơ sở đào tạo của các đại học sư phạm lớn. Cùng với động thái đó, để chuẩn bị giải pháp cho các trường cao đẳng sư phạm, Bộ GD-ĐT cũng đang nhanh chóng hoàn thành quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo giáo viên, đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên cho từng vùng miền và cả nước.
Đặt niềm tin ở tương lai
Mùa tuyển sinh năm 2020 và năm học 2020 cũng chính là năm đầu tiên, chương trình giáo dục phổ thông mới được thực thi ở lớp 1 và 4 năm sau đó sẽ thực hiện ở tất cả các bậc học. Nhiều thay đổi trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ đòi hỏi sự thay đổi trong đào tạo ở các trường sư phạm. Theo đó, sinh viên ra trường trong vài năm tới phải là những người có năng lực nghề nghiệp để đáp ứng được mọi sự đổi thay của giáo dục nước nhà. Ngành giáo dục và cả xã hội đang mong đợi và đặt niềm tin ở các thầy cô giáo tương lai. Vì thế, học sinh tốt nghiệp THPT, khi lựa chọn nghiệp làm thầy, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi chọn nghề. Nghề nghiệp nào cũng vinh quang, quan trọng, nhưng mức độ khác nhau. Luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực từ 1-7-2020 với những ưu đãi đã được thể hiện trong luật, khuyến khích những người yêu nghề giáo tự tin bước vào các trường đào tạo giáo viên.
Nghề dạy học là một trong những nghề đòi hỏi người theo nghề, ngoài kiến thức, kỹ năng của người thầy, cần phải là người yêu trẻ, quan tâm đến sự phát triển của học sinh và toàn xã hội; sáng tạo và biết khuyến khích, khơi nguồn sáng tạo cho học sinh; tự thân suốt đời phải học, tự học và giúp học sinh biết học suốt đời; tôn trọng sự tự do của trẻ nói riêng và tự do nói chung... Có lẽ chỉ giáo dục mới có quyền dẫn dắt con người vào tương lai - đó là thiên phú của nghề giáo. Vượt lên mọi khó khăn của cuộc sống, vượt qua chính mình, làm mới mình và nghề nghiệp luôn là yêu cầu tối thiểu của mỗi thầy cô giáo - các bạn chọn nghiệp làm thầy cần chú ý đến điểm này, nếu không có những phẩm chất như trên, thì không nên đặt chân vào các trường sư phạm.
Thiếu giảng viên trình độ cao Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 113 cơ sở đào tạo giáo viên. Ngoài ra, còn có 40 trường trung cấp đa ngành có đào tạo giáo viên bậc mầm non. Nếu tính trung bình, mỗi tỉnh thành hiện có từ 2 - 4 cơ sở đào tạo giáo viên, dẫn đến tình trạng trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, bùng nổ số lượng giáo viên không đảm bảo chất lượng, vượt xa nhu cầu sử dụng... Thực tế các trường cao đẳng sư phạm rất thiếu giảng viên có trình độ cao. Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ chỉ chiếm trung bình 4,82%. Trong đó, những trường không có tiến sĩ như Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long, hoặc tỷ lệ rất thấp như Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn (1,3%). Riêng các trường đại học sư phạm, tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ (tính cả ngành ngoài sư phạm) cũng không cao như Trường ĐH Vinh chỉ trên 29%, Trường Đại học Sư phạm TPHCM và Trường Đại học Cần Thơ mới hơn 32%. |