Dù Thủ tướng chỉ đạo mạnh mẽ, thường xuyên và nhất quán, nhưng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí có những quy định, những văn bản khiến xã hội bức xúc, gây khó cho doanh nghiệp và người dân. Mới đây nhất là việc xây dựng dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm; quy định về kiểm tra phế liệu nhập khẩu dẫn tới ách tắc tại các cửa khẩu trước Tết Nguyên đán; hay ý kiến về mất bằng lái xe phải thi lại… Những vấn đề này theo ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng là “đề xuất buồn cười, để dư luận ồn ào không đáng”. Mới đây, dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm đã phải tạm dừng sau những phản ứng từ phía các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống với hơn 50 nội dung quy định không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Với dự thảo về tiêu chuẩn nước mắm, không thể lấy tiêu chuẩn nước mắm công nghiệp áp cả cho nước mắm truyền thống.
Hay như trước đó, đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại, đó là đề xuất vô cùng lạc hậu trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện cơ sở dữ liệu cư dân toàn quốc, khi Thủ tướng đã giao Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ thực hiện cấp giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia kết nối với địa phương vào quý 4-2019. Khi cuộc công nghệ đang phát triển như vũ bão, chỉ cần một cái nhấp chuột là mọi dữ liệu đều có thể nắm bắt để phục vụ việc quản lý… thì những đề xuất như thế rõ ràng là khó được người dân chấp nhận.
Không những có những dự thảo đưa ra bị người dân phản đối mà cả những quy định, chính sách đã đi vào thực tiễn cũng cần được rà soát lại theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng. Cách đây hơn nửa tháng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải ban hành Thông tư 01/2019/TT-BTNMT để ngưng hiệu lực thi hành một số quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường trong các thông tư 08, 09 năm 2018 của bộ này, vốn mới có hiệu lực từ cuối tháng 10-2018. Do những bất cập, vướng mắc trong thông tư 08, 09, ở thời điểm trước Tết Nguyên đán có tới 24.124 container phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển trên cả nước, trong đó nhiều container là nguồn nguyên liệu rất cần cho sản xuất, kinh doanh và hàng loạt doanh nghiệp đã phải cầu cứu Thủ tướng.
Sự việc vừa qua, hành vi “cưỡng hôn” nữ sinh trong thang máy của Đỗ Mạnh H. chỉ bị cơ quan công an xử phạt hành chính 200.000 đồng, do không cấu thành tội phạm đã khiến xã hội bất bình. Đỗ Mạnh H. bị xử phạt về hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, quy định điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP (mức phạt đối với hành vi này là từ 100.000 - 300.000 đồng) có đúng theo quy định, nhưng với xã hội, đó là quy định không thỏa đáng. Bởi mức xử phạt đó chưa đúng tính chất, mức độ vụ việc; đồng thời, nạn nhân không hề được xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần. Mức phạt đó không thể răn đe được các hành vi quấy rối tình dục đang diễn ra ở khá nhiều nơi.
Trong năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã kiểm tra, phát hiện và kết luận 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, gồm 26 văn bản của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 131 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh. Trong đó, có 85 văn bản trái pháp luật trong lĩnh vực kinh tế (gồm 10 văn bản của bộ, 75 văn bản của địa phương), chiếm 54%. Năm 2018, cục này qua kiểm tra đã phát hiện, kết luận kiểm tra đối với 84 văn bản sai về thẩm quyền, nội dung (27 văn bản cấp bộ và 57 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh).
Rõ ràng, còn quá nhiều văn bản được ban hành trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, đòi hỏi các bộ, cơ quan ngang bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Cần phải kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3-2019. Việc rà soát các văn bản quy phạm phát luật theo chỉ đạo của Thủ tướng phải cải cách thực chất, những điều kiện, thủ tục đã cắt bỏ phải áp dụng thực chất, công bố cụ thể cho người dân, doanh nghiệp biết. Phải triệt để loại bỏ tham nhũng vặt, lợi ích nhóm cài cắm trong chính sách, thủ tục. Tập trung xây dựng chính phủ điện tử để tạo môi trường thể chế công khai, minh bạch. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là trước khi công bố các văn bản, chính sách phải đánh giá kỹ tác động, phải lấy thêm ý kiến người dân, doanh nghiệp, nghe nhiều tai, nhiều chiều để tránh việc vừa ban hành đã phải chỉnh sửa hoặc không được dư luận đồng tình. Nếu phát hiện việc cài cắm chính sách trong văn bản pháp luật phải xử lý nghiêm, như thế mới bảo đảm được yêu cầu của Thủ tướng “thể chế là số một”.