Nói như đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang: “Bản thân mỗi người Hậu Giang chúng ta phải tự vượt lên chính mình, nuôi dưỡng ý chí, khát vọng vươn lên, tận tụy, hăng say lao động, sáng tạo và cống hiến xây dựng một Hậu Giang văn minh, giàu đẹp, người dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc”.
Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị sạch
Ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức tọa đàm đưa nghị quyết vào cuộc sống với chủ đề “Hậu Giang trong nhiệm kỳ 2020-2025” với sự tham gia của các diễn giả là lãnh đạo tỉnh, chuyên gia, nhà khoa học. Tiếp đến, Hậu Giang đã tổ chức thành công giải marathon quốc tế “Mekong delta marathon” Hậu Giang 2020 với sự tham dự của hơn 7.100 vận động viên trong và ngoài nước.
“Vượt trên ý nghĩa của một giải đấu thể thao, ban tổ chức mong muốn sẽ mang đến khoảnh khắc đẹp, câu chuyện đầy cảm hứng, sự kết nối bền chặt giữa các địa phương trong vùng và những trải nghiệm sâu đậm về một vùng đất năng động. Một vận động viên chạy - một cây xanh được trồng. Mỗi bước chạy - một tấm lòng chia sẻ về miền Trung”, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ. Ngay khi tổ chức thành công đại hội Đảng bộ cũng như tại buổi gặp mặt doanh nghiệp, giải marathon quốc tế “Mekong delta marathon”, các đại biểu và vận động viên đều chung tay đóng góp, chia sẻ với đồng bào miền Trung vượt qua bão lũ.
“Một Hậu Giang trẻ trung, năng động, nhiệt quyết, hiếu khách” là nhận xét của cánh phóng viên miền Tây dành cho tỉnh trên đường hòa nhịp cùng sự phát triển của ĐBSCL. “Trẻ trung, năng động” là cách ví von mà cánh phóng viên dành cho đội ngũ cán bộ trẻ giàu nhiệt huyết của tỉnh qua đường chạy marathon, từ Bí thư Tỉnh ủy, các lãnh đạo UBND tỉnh đến các huyện thị.
Sự có mặt của GS-TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ), GS-TS Hà Thanh Toàn (Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ)... tại tọa đàm đưa nghị quyết vào cuộc sống với chủ đề “Hậu Giang trong nhiệm kỳ 2020-2025” như một minh chứng cho tinh thần cầu thị của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang lắng nghe tiếng nói của các nhà khoa học để đưa Hậu Giang hòa nhịp cùng sự phát triển toàn vùng.
“Hậu Giang không có nhiều lợi thế cạnh tranh về điều kiện tự nhiên so với các địa phương khác, nên chúng ta cần tự tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chính mình thông qua công tác xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách tại địa phương. Nhiệm kỳ vừa qua, có thể nói là công tác xây dựng và hoàn thiện cơ chế được quan tâm đặc biệt với sự ra đời của nhiều nghị quyết quan trọng trong hỗ trợ phát triển các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX)… Nhưng chúng ta còn lúng túng trong triển khai trên thực tế khiến chính sách chưa đi sâu vào cuộc sống. Bản thân một số chính sách được ban hành cũng chưa thật sự sát, chưa phù hợp với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp; chưa có tính đột phá cao; chưa toàn diện các lĩnh vực. Chúng ta cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này, nhất là hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, HTX theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác, dễ tiếp cận, chi phí thấp”, đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhận định.
Tận dụng tài nguyên thiên nhiên độc đáo
Giải đáp cho gợi ý của GS-TS Võ Tòng Xuân, đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết, ý kiến của GS-TS Võ Tòng Xuân phù hợp với định hướng của tỉnh, nhiệm vụ này đã được đưa vào mục tiêu thực hiện trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh.
“Lựa chọn của tỉnh là phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp thông minh, sản xuất theo chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ sạch chú trọng vào chất lượng hơn là số lượng. Phát triển các mô hình có tính chất tuần hoàn, trên một diện tích đất, không chỉ phát triển một loại cây trồng, vật nuôi hoặc một hình thức sản xuất nhất định mà kết hợp nhiều loại, có tính bổ trợ lẫn nhau, đầu vào của loại cây này là đầu ra của loại cây khác, nhằm nâng cao giá trị thu được trên một diện tích đất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình tương tự, chẳng hạn như mô hình sản xuất nông sản hữu cơ của Công ty Nhất Thống”, đồng chí Lê Tiến Châu cho biết.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, mỗi một tài nguyên tiềm năng của Hậu Giang như Lung Ngọc Hoàng, rừng tràm Vị Thủy, khóm Cầu Đúc… mà người ta cho là “xương xẩu, mỡ” đều có giá trị của nó dưới ánh sáng của Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nếu chúng ta có doanh nhân, chuyên gia... biết đầu tư khai thác theo chính sách của địa phương. Những “cục xương, cục mỡ” của Hậu Giang thực ra là những tài nguyên thiên nhiên độc đáo của địa phương vùng sâu trũng ĐBSCL.
GS-TS Võ Tòng Xuân gửi gắm, Hậu Giang cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực: cho cán bộ các ban ngành của tỉnh có trình độ, kỹ năng chuyên môn ngành đủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XIV của tỉnh. Nông dân có kiến thức và kỹ năng nông nghiệp 4.0 để sản xuất cây trồng, vật nuôi trong chuỗi cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến sản phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu. Doanh nhân có kiến thức quản lý, điều hành khu công nghiệp gắn liền với vùng nông nghiệp nguyên liệu, kiến thức thị trường và xúc tiến thương mại.
“Công bằng mà nói, Hậu Giang từ xuất phát điểm gần như chưa có gì, đây là một hạn chế, khó khăn mà ai cũng có thể thấy. Tuy nhiên, theo tôi thì đây lại là một lợi thế rất lớn. Chính vì chưa có gì nên chúng ta dễ dàng đặt nền móng cho việc phát triển mang tầm chiến lược, đặc biệt là công tác quy hoạch. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh đã xác định phải xây dựng quy hoạch cho tỉnh Hậu Giang thật chuyên nghiệp, bài bản, có tầm nhìn dài hạn, vừa mang tính kết nối vừa mang tính đồng bộ và khả thi cao. Bản thân tôi đã chỉ đạo Sở KH-ĐT mời các chuyên gia quy hoạch quốc tế trên cơ sở tham vấn các bộ ngành trung ương để xây dựng quy hoạch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (thời gian hoàn thành là đầu năm 2022). Một khi đã có được quy hoạch hoàn chỉnh, tỉnh sẽ kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược để biến các nội dung quy hoạch thành những kết quả cụ thể, phục vụ hiệu quả cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025 và giai đoạn tiếp theo”, đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết.
Đến nay, Hậu Giang có 32/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 62,7%); có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập và đời sống của người dân nông thôn được nâng lên rõ nét, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt trên 41 triệu đồng/năm, tăng 16 triệu đồng so năm 2015. Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh bước đầu thu hút được một số nhà đầu tư có tâm huyết, năng lực. “Hậu Giang lựa chọn cách tiếp cận mới trong phát triển kinh tế hiện nay là đa chiều, liên kết các lĩnh vực kinh tế, thành phần kinh tế, tận dụng thế mạnh của nhau cùng phát triển. Vì vậy, mục tiêu của tỉnh về phát triển các lĩnh vực kinh tế trong giai đoạn tới là ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch”, đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, chia sẻ. |