Nặng lòng Bù Gia Mập

Nặng lòng Bù Gia Mập

Theo một nhà ngôn ngữ học, Bù Gia Mập - tên một huyện của tỉnh Bình Phước, có thể do hai từ Bù Gia và Bù Mấp trong ngôn ngữ của cư dân người Stiêng, chiếm số lượng lớn nhất vùng này gộp lại, trong đó “gia” có nghĩa cỏ tranh và “mấp” là gặp gỡ. Bù Gia Mập có nghĩa là gì thì chưa có ai giải thích. Nhưng trước mắt chúng tôi, một Bù Gia Mập không nhiều cỏ tranh. Hai bên đường 741, sau những mái nhà là màu xanh bạt ngàn của rừng.

Bù Gia Mập rất nổi tiếng với Vườn quốc gia cùng tên rộng hơn 26.000ha, nơi bảo tồn các nguồn gien quý hiếm của hệ động, thực vật và cây thuốc. Huyện Bù Gia Mập có một xã cũng mang tên Bù Gia Mập, nhưng “cái rốn Bù Gia Mập” không ở trung tâm, mà ở biên giới. Trong chuyến đi cùng Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP lần này, chúng tôi đến với Bù Gia Mập ấy… 

Đoạn đường từ trung tâm xã Bù Gia Mập vào thôn Bù Rên ngập nước

Đoạn đường từ trung tâm xã Bù Gia Mập vào thôn Bù Rên ngập nước

Huyền thoại của huyền thoại

Trong lời bạt viết cho cuốn “Xăng dầu – Một thời đáng nhớ”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhắc đến địa danh Bù Gia Mập, điểm cuối đường Trường Sơn huyền thoại. Theo Đại tướng, “từ tháng 8-1968 đến tháng 12-1974, bộ đội xăng dầu đã xây dựng, bảo vệ, vận hành thông suốt tuyến đường ống xăng dầu dài 5.000km và hệ thống kho xăng dầu gần 3 vạn tấn từ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, xuyên dọc Trường Sơn vào đến Bù Gia Mập tỉnh Phước Long, miền Đông Nam bộ”.

Về vai trò của hệ thống này, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, khẳng định, việc lắp đường ống, đưa dòng xăng dầu tuôn chảy thông suốt từ biên giới Việt – Trung đến Lộc Ninh tỉnh Bình Phước đã tạo thêm một phương thức vận tải bán tự động, hạn chế được tối đa thiệt hại do địch đánh phá, kịp thời phục vụ cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên cũng nói: “Nếu đường mòn Hồ Chí Minh là một huyền thoại thì đường ống dẫn dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó”.

Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, Bù Gia Mập cũng tự hào vì ở đây còn có những người giao liên, như Điểu Gia, người dân tộc Stiêng, đã rong ruổi khắp các cánh rừng Bù Gia Mập từ năm 13 tuổi để đưa đón những đoàn quân. Ông là một trong những người dân tộc được tặng huy hiệu truyền thống của Bộ đội 559. Và còn đó những cái tên như Điểu Bun, K’Rua, Ka Giá, Lâm Ron… dù không ít trong số họ đã mãi mãi nằm xuống cho màu xanh Bù Gia Mập hôm nay.

Trung tá Bùi Văn Hòa, Trưởng ban Vận động quần chúng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước, người có thâm niên 6 năm làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bù Gia Mập, trong suốt chuyến đi cùng chúng tôi về Bù Gia Mập, nhắc đi nhắc lại mãi mấy từ “tình cảm bà con”. Anh tâm sự: “Ở giữa bà con, chúng tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp, chân tình. Tôi cho rằng, tình cảm đó đã được rèn giũa qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, nên có sức sống mãnh liệt, bền vững như đường Trường Sơn huyền thoại”.

Đỏ quạch, chậm chạp mạch đời

Chúng tôi được ưu tiên sử dụng chiếc Mitsumitsi 2 cầu 7 chỗ ngồi, “khỏe nhất nhì trong dàn xe của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước, và cậu tài xế trẻ tuổi mới ngoài hai mươi, có cái tên rất lạ nhưng hợp với nghề là Phan Thanh Công Nhanh, để đi Bù Gia Mập.

Đường vắng, nhiều đoạn chỉ “mình ta với ta”, nhưng mất hơn 2 giờ, chúng tôi mới vượt qua được gần 50km từ Phước Long về trung tâm xã. Đường sá đỏ quạch, đất dẻo quẹo. Nhiều khúc quanh thật gắt, đất đá lởm chởm. Mới ăn trưa xong, ngồi trên xe, lắc qua lắc lại liên hồi, các anh bộ đội không sao, chứ chúng tôi muốn nôn cả ra ngoài. “Mùa nắng chắc đỡ hơn” - tôi lẩm bẩm.

Đại tá Nguyễn Văn Phương, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước, cười lớn vì suy nghĩ “chắc đỡ hơn” của tôi: “Nắng thì bụi mịt trời, không chỉ đường đỏ mà nhà đỏ, xe đỏ, tóc đỏ, quần áo cũng đỏ… Nguy hiểm nhất là cách vài ba thước đã không nhìn thấy nhau. Xe chạy giữa ban ngày cũng phải lọ mọ, dò dẫm…”.

Nặng lòng Bù Gia Mập ảnh 2

Nụ cười trẻ thơ ở Bù Gia Mập

Cái sự học, chữa bệnh cho bà con ở đây, có lẽ vì đường sá đi lại khó khăn nên khó duy trì. Chiến tranh đã qua mấy mươi năm rồi, nhưng nhịp sống ở huyện Bù Gia Mập nói chung và xã Bù Gia Mập nói riêng vẫn chậm chạp.

Thượng tá Phạm Thành, Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập, người của Bộ đội Biên phòng Bình Phước biệt phái, cho biết, xã Bù Gia Mập thuộc diện xã nghèo của cả nước. Xã có gần 6.000 dân sinh sống tại 8 thôn và 1 tổ (Bù Dốt, Bù Rên, Bù La, Đắk Á, Bù Nga, Bù Lư, Đắk Côn, Cầu Sắt và tổ 8 Cây Da), trong đó, người dân tộc Stiêng và Mnông chiếm 67%, còn lại là người Kinh và hơn 10 dân tộc khác. Nhiều thôn ở xa trung tâm xã, đường sá đi lại khó khăn nên người dân ít có điều kiện được chăm sóc sức khỏe, mặc dù có nhiều chế độ, chính sách ưu đãi.

Trước khi đi, chúng tôi có vào trang web của huyện Bù Gia Mập (bugiamap.binhphuoc.gov.vn) để tìm hiểu cuộc sống con người nơi đây. Đập vào mắt tôi, một trang chủ tràn ngập màu xanh dễ thương của lá rừng non tơ nhưng các trang, mục trống hoác. Tin tức mới nhất là chuyện xảy từ tháng đầu năm 2010. Có cảm giác như trang web cũng chậm chạp như cuộc sống nơi đây vậy. Được biết, từ tháng 4-2009, huyện Bù Gia Mập đã được bổ sung vào danh sách các huyện được hưởng cơ chế, chính sách như đối với các tỉnh Tây Nguyên. Đã hơn một năm trôi qua, những đổi thay ở đây vẫn chưa thay đổi rõ nét.

Giấc mơ một trạm xá

Gần 4 giờ chiều, chúng tôi tới UBND xã Bù Gia Mập, vừa lúc cơn mưa như trút đổ xuống. Mưa rừng thật nặng hạt nhưng chỉ khoảng mười phút đã tạnh. Nắng chiều vùng biên vẫn gắt, như hàng ngàn cây que mạnh mẽ xiên xuống mặt đất nhòe nhoẹt. Cơn mưa khiến lãnh đạo xã lo lắng. Bởi việc đến thôn Bù Rên, cách trung tâm xã, khoảng hơn 5km, để khảo sát địa điểm xây trạm xá quân dân y kết hợp trong Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn sẽ khó khăn hơn. Không thể đi bằng xe gắn máy, lội bộ càng không thể nên chiếc xe của tài xế Nhanh cứ lầm lũi xẹo tới, xẹo lui, cuối cùng cũng đưa chúng tôi tới nơi. 

Trên xe, ông Phạm Sỹ Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập, lắc đầu kể lại những câu chuyện đau lòng khi bà con phải “đánh vật” với con đường để đưa người thân ra trạm xá khám bệnh. Thôn Bù Rên còn gần, bà con tổ 8 Cây Da ở tít trong sâu, cách trung tâm xã gần 20km, đường rừng khó đi, lại phải qua con suối lớn, mỗi lần qua tốn đến 10.000 đồng tiền bè.

Bác sĩ Vũ Ngọc Tám, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bù Gia Mập, bác sĩ duy nhất của trạm y tế xã, tâm sự: Với gần 6.000 dân, có thôn cách trạm xá đến 15km và cách trung tâm y tế huyện 50 km đường rừng, đội ngũ y tế xã rất vất vả nếu xảy ra trường hợp cấp cứu. Chỉ 50km nhưng mất thời gian 3-4 giờ mới đến nơi được. Hiện tại, với lực lượng chỉ có 1 bác sĩ, 4 y sĩ, 1 nữ hộ sinh, không thể giải quyết hết tất cả trường hợp khẩn cấp. Ước mong lớn nhất của tập thể trạm xá là có một chiếc xe cứu thương, bởi hiện nay mỗi lần cấp cứu, người dân phải thuê xe với giá rất cao, từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, một số tiền quá lớn so với thu nhập của bà con ở đây. Đó là ngày nắng, chứ mưa dầm như mùa này, có tiền cũng không thể thuê được xe!

Nghe tin Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo Sài Gòn Giải Phóng đến khảo sát địa điểm tài trợ xây dựng một trạm xá, ông Điểu Giấp, Trưởng thôn Bù Rên kêu cậu con trai chở ra chờ đón. Giơ cánh tay cụt chỉ về hướng mảnh đất trống phía sau nhà cộng đồng, ông hồn nhiên bảo: “Đất đó, bà con cho, lo gì!”. Chỉ mấy phút sau, một số bà con khác chạy ra, có người hỏi bằng tiếng Việt lơ lớ: “Chừng nào làm vậy? Bà con đợi mãi rồi!”. Sở dĩ có chuyện “đợi mãi” vì chính quyền xã và bộ đội biên phòng đã từng kêu gọi tài trợ, có đơn vị hứa nhưng khi đến khảo sát xây trạm xá thấy tốn nhiều tiền hơn các nơi khác do vận chuyển vật liệu xây dựng khó khăn, nước phải khoan rất sâu mà cũng nơi có nơi không nên họ… âm thầm rút lui.

Tối, chúng tôi trở về Lộc Ninh, trời lại đổ mưa, đường tối đen. Trong màn đêm hun hút ấy, ánh mắt của ông trưởng thôn Điểu Giấp và bà con thôn Bù Rên lúc chiều chợt hiện lên, như xoáy vào chúng tôi, trông đợi và hy vọng… Chúng tôi thầm hứa sẽ trở lại Bù Gia Mập, vì một trạm xá cho đồng bào nghèo ở điểm cuối của tuyến đường Trường Sơn lịch sử ấy!

Huyện Bù Gia Mập được thành lập ngày 11-8-2009 trên cơ sở phần còn lại của huyện Phước Long cũ, sau khi thành lập thị xã Phước Long. Huyện rộng 1736,129km2, gồm 147.967 dân (thời điểm thành lập huyện), có 18 đơn vị hành chính trực thuộc. Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có diện tích vùng đệm 33.000 ha, trong đó xã Bù Gia Mập 13.499 ha và xã Đắk Ơ 19.501 ha. Khoảng 2.400 hộ, 12.000 người sống trong vùng đệm; trong đó dân tộc bản địa Stiêng, Mnông chiếm gần 60%.

HƯƠNG UYÊN – VIỆT NGA

Tin cùng chuyên mục