Năng lực thực hiện

Làm được việc hóa ra… thật khổ!” - anh K., phó tổng giám đốc một công ty lớn ở TPHCM than thở. Hỏi ra mới biết, thấy anh làm được việc, nên cấp trên cứ thế giao thêm việc cho anh, có khi giao cả việc của phó tổng giám đốc khác, vô tình đẩy anh K. vào thế khó xử.

“Anh làm, tôi tin tưởng hơn!”- tổng giám đốc công ty an ủi anh K. như vậy. Nhưng điều đáng nói là hầu hết các phó tổng giám đốc kia đều có vài bằng đại học hoặc bằng thạc sĩ, tiến sĩ (có cả ngoài nước) trong khi anh K. chỉ có một bằng đại học. Thì ra, điểm nổi trội mà lãnh đạo tổng công ty ưa thích ở anh là có “năng lực thực hiện” và nhất là anh dám làm, dám chịu trách nhiệm về công việc mình làm…

Nhớ một dạo, nhiều cấp ủy thích dùng “người có kinh nghiệm” chỉ vì họ làm được việc ngay, ít va vấp, cho dù bằng cấp của họ không cao. Tuy nhiên, thời gian sau, nhiều “người có kinh nghiệm” không chịu học hỏi thêm, làm theo lối mòn, lại hay bảo thủ nên yêu cầu bằng cấp đặt ra để chuẩn hóa cán bộ như một tất yếu.

Càng đến kỳ đại hội Đảng bộ các cấp (nhiệm kỳ 2010-2015), cán bộ các đơn vị càng ưu tiên dành thời gian đi học để đáp ứng đủ tiêu chuẩn cho các chức danh lãnh đạo, quản lý mà Thành ủy TPHCM đặt ra.

Hiện nay, số người có trình độ sau đại học tham gia BCH Đảng bộ của 24 quận - huyện ở TP là 110/1.453 người; trong ban thường vụ cấp ủy quận -huyện là 37/452 người. Ở khối sở-ngành TP, 104/319 giám đốc và phó giám đốc có bằng sau đại học.

Sự trưởng thành về trình độ học vấn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý TP là đáng mừng. Tuy nhiên, chưa bàn tới vấn đề “cần bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý là vừa đủ”, mà chỉ xét ở góc độ “năng lực thực hiện” thì nhiều trường hợp còn khoảng cách khá xa so với bằng cấp!

Hiện nay, đa số các cấp ủy khi bàn về nhân sự thường dựa trên cơ sở pháp lý như bằng cấp, học vị, lý lịch, chức vụ... mà ít chú ý tới “năng lực thực hiện” - vốn khó cân đong. Nhiều người bảo, bằng cấp, danh hiệu và chức vụ, tài năng phải được đưa ra thực tế kiểm nghiệm. Chỉ có hoạt động thực tiễn mới chứng tỏ năng lực thực hiện và là thước đo quan trọng nhất để đánh giá trình độ, phẩm chất và cái tâm của cán bộ.

Ở TPHCM, hầu như đơn vị nào cũng có những người như anh K. Chỉ khổ nỗi, làm nhiều mắc lỗi nhiều, nên những người như anh K. thường không được bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn so với người có học vị mà ít “năng lực thực hiện”.

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục