Đây là nhận định của các chuyên gia nêu ra tại hội thảo quốc tế “Tích hợp hệ thống nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo, động lực cho phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam” tổ chức ngày 11-5 tại TPHCM.
Đánh giá về tầm quan trọng của năng lượng trong nuôi trồng thủy sản, đại diện Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT, ông Như Văn Cẩn, cho biết hiện nay chi phí năng lượng dành cho việc đầu tư nuôi tôm thâm canh cần 50-200 triệu đồng/ha/vụ, tùy quy mô đầu tư, chiếm khoảng 10% trong tổng chi phí sản xuất. Chính vì vậy, Phó Tổng giám đốc Điện lực miền Nam (EVN SPC) Nguyễn Phước Đức cho rằng sử dụng năng lượng tái tạo là giải pháp hữu hiệu, giúp giảm bớt áp lực thiếu điện. Chưa kể những vùng nuôi trồng thủy sản nhiều như khu vực Nam miền Trung có thời lượng nắng, gió nhiều nên thuận tiện trong khai thác và sử dụng năng lượng gió, mặt trời cho sản xuất.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cũng cho rằng nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nhưng việc khai thác còn kém, chưa mang lại hiệu quả tương xứng, đặc biệt phục vụ trong nhu cầu nuôi trồng thủy sản.
Theo phân tích của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, về tiềm năng của điện gió, ước tính trên đất liền, Việt Nam có thể phát triển khoảng 30GW. Với tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển khoảng 100GW công suất điện gió. Việt Nam có nguồn năng lượng điện mặt trời cũng rất tốt với thời gian nắng kéo dài và trải khắp từ Bắc vào Nam…
Nguồn năng lượng tái tạo khá dồi dào nhưng tính đến cuối năm 2016, loại năng lượng này chỉ chiếm chưa tới 3%, trong tổng công suất 42.341MW của cả hệ thống điện.
Theo lý giải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chưa thể phát triển tốt nguồn năng lượng tái tạo do các quy hoạch chỉ mới dừng lại ở công suất theo vùng, khu vực, chưa xác định địa điểm dự án, dẫn đến khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển đồng bộ lưới điện. Công suất của loại năng lượng này không ổn định, thay đổi theo cường độ gió, bức xạ mặt trời…
Và nguyên nhân quan trọng nữa là hệ thống tiêu chuẩn chuyên ngành, tiêu chuẩn thiết kế, vận hành đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo còn thiếu, chưa đồng bộ. Do đó, để có thể phát triển nguồn năng lượng này hiệu quả, các chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần tăng cường khuyến khích phát triển, đặc biệt là các dự án điện mặt trời áp mái; điện gió khu vực miền Nam.
Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thiện, tạo lập các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn đầu tư; các địa phương cân đối, tạo điều kiện tối đa để bố trí quỹ đất cho các dự án phát triển theo quy hoạch. Nhà nước nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi về đầu tư như vốn, thuế, đất đai… đối với các dự án năng lượng tái tạo.