Nặng nợ với nghề rèn

Nặng nợ với nghề rèn

Thời buổi công nghiệp hóa, con dao cái búa được mua sắm dễ dàng, biết bao nhiêu lò rèn phải ngậm ngùi đóng cửa vì ế ẩm. Nhưng tại một con hẻm nhỏ trên đường Nhật Tảo (P.4, Q.10, TPHCM), một lò rèn vẫn miệt mài đỏ lửa với những tiếng đe búa liên hồi. Hơn 32 năm qua, chủ nhân lò rèn là ông Lê Văn Châu vẫn gắn bó, lưu giữ lấy nghề. Đây là một trong những lò rèn hiếm hoi còn sót lại ở TPHCM.

Một thời hoàng kim

Căn nhà cấp 4 nằm ẩn sâu trong con hẻm nhỏ vừa là chỗ trú ngụ của 4 thành viên trong gia đình vừa là nơi ông Châu hành nghề suốt 32 năm qua. Bên lò than đỏ rực, ông Châu mở đầu câu chuyện với những hoài niệm về một thời hoàng kim của nghề rèn. Khoảng những năm 1990, nghề rèn là một nghề “hái ra tiền”, sản phẩm làm ra không đủ bán. Thời đó, lò rèn của ông làm mọi sản phẩm như đe búa, liềm, dao, rựa, bếp lò... cùng những dụng cụ phục vụ nghề gò hàn xe hơi (làm đồng), kéo cắt tôn, búa gò, đe cầm tay, đầm dúm (dùng lận máng nước mui xe)… Vừa sản xuất sản phẩm cung ứng cho thị trường TPHCM, vừa miệt mài theo những đơn đặt hàng đi các tỉnh, lò rèn của ông lúc bấy giờ luôn tấp nập người ra vào. Nhu cầu tiêu thụ mạnh, lò rèn lúc cao điểm có cả chục nhân công thay phiên nhau làm không nghỉ để kịp giao hàng.

Lò rèn của ông Châu đều đặn đỏ lửa hơn 32 năm qua

Thế nhưng quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, máy móc dần thay thế sức người. Những dàn máy móc hiện đại, theo hệ thống dây chuyền có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm công nghiệp trong thời gian ngắn. Lần lượt nhiều lò rèn tại Sài Gòn đành ngậm ngùi đóng cửa vì không có khách. Nhưng với niềm đam mê và nhiệt huyết với nghề, ông Châu tìm mọi cách duy trì nghề rèn truyền thống. Ông cho biết: “Ngày xưa, khi nghề rèn còn đắt khách, ở Sài Gòn có trên dưới 50 lò rèn. Nhưng giờ đây số lò rèn chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay”.

Ở tuổi 64 nhưng trông ông Châu vẫn rất tráng kiện. Có lẽ lao động miệt mài đã tạo cho ông một sức khỏe dẻo dai. Tuổi thơ của ông gắn bó với xóm lao động nghèo ở vùng ngoại ô Sài Gòn, nơi ông sinh ra và lớn lên. Trước khi theo nghề rèn, ông từng trải qua rất nhiều nghề để kiếm sống như chạy xe ôm, làm thợ hồ, đạp xích lô, bán báo dạo...

Từ khi bén duyên với nghề rèn, ngôi nhà nhỏ bên hông chợ Nhật Tảo đã cùng ông chứng kiến bao thăng trầm của nghề. Ngày ngày, tiếng “chát” tiếng “cụp” hòa vào không gian thành một thứ âm thanh rất riêng của xóm chợ này. Dường như chính tiếng búa vang lên hàng ngày đã tạo thành một sợi dây vô hình gắn kết tình cảm của bà con trong xóm. Bà Nhung, một người sống lâu năm ở đây cho biết: “Cũng hơn 30 năm rồi, ban đầu nhiều người trong xóm chịu không nổi với những tiếng búa liên hồi của lò rèn ông Châu. Thế nhưng sống riết thành quen, mỗi khi nghe im tiếng là thấy thiếu thiếu thứ gì đó đặc trưng của xóm mình”.

Bám trụ với nghề

Cái duyên với nghề rèn đến với ông Châu xuất phát từ một mối tình. Thời trai trẻ, cưới vợ về ông vẫn chưa có nghề nghiệp ổn định, làm đủ nghề kiếm sống. Thấy vậy cha vợ ông đã truyền dạy ông nghề rèn truyền thống của gia đình. Nhờ bản tính nhanh nhẹn, ham học hỏi cộng với sự lam lũ chịu khó nên ông tiếp thu rất nhanh. Sau một năm học nghề, phụ việc với cha vợ, ông được chỉ dạy tất cả bí quyết trong nghề rèn, từ chọn than, nhóm bếp đến đe búa, hàn gò, cưa mài... ông đều rất thuần thục. Ông Châu tâm sự: “Nghề này coi vậy chứ đòi hỏi sự tỉ mỉ và rất kỳ công, bên cạnh sức khỏe dẻo dai thì người thợ phải có tính kiên nhẫn”. Thời đó, nhiều thanh niên theo học nghề rèn nhưng ít ai trụ được bởi nghề quá vất vả. Với tình yêu nghề cộng với sự chỉ dạy tận tình của cha vợ, một năm sau ông Châu đã có thể mở lò rèn riêng.

Thời kỳ còn nhiều khó khăn, nhiều vật dụng rất khan hiếm nên người ta hay đến các lò rèn đặt hàng. Vì vậy, cuộc sống kinh tế của gia đình ông khi đó rất dư dả và ông sống thong thả nhờ nghề rèn. Công việc đang dần đi vào ổn định thì vợ chồng ông chia tay nhau khi đã có một đứa con. Ông vẫn ở lại ngôi nhà đó và bám trụ lấy nghề như một niềm vui cuộc sống. Năm 1990, ông đi bước nữa với bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt và sau đó 2 con, một trai một gái lần lượt ra đời. Đồng cam cộng khổ, chân yếu tay mềm nhưng bà Nguyệt vẫn cùng ông miệt mài với nghề rèn.

Ngày nay, thị trường ngày một đa dạng với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm được gia công bằng máy móc và các sản phẩm nhập khẩu. Nhưng với hơn 30 năm làm nghề cùng một nguyên tắc bất di bất dịch từ khi mở lò là “tôn trọng chữ tín”, lò rèn ông Châu vẫn luôn có khách đến đặt hàng. Nhiều khách hàng thân thiết lâu năm vẫn tìm đến ông để đặt rèn đồ thay cho hàng gia công sẵn. Lượng khách giảm, ông tìm cách hợp đồng gia công thiết bị cho các nhà thầu xây dựng để duy trì lò rèn. Nghề rèn hiện nay chỉ giúp gia đình ông đủ sống nhưng ông nhất định không bỏ nghề. Ông tâm sự: “Mình già rồi, sức khỏe đã yếu dần, biết làm nghề gì thay thế, cứ sống như vậy để giữ nghề. Nghề này là vậy, mình không phụ nó thì chắc chắn nó cũng không bao giờ phụ mình, cứ đỏ lửa là có tiền để sống”.

32 năm trong nghề, niềm vui và hạnh phúc của ông là nhìn lò rèn được đỏ lửa. Mới đây, con trai ông đã trở về nối nghiệp cha. Ông bộc bạch mà đôi mắt ánh lên niềm vui khôn xiết: “Tôi thuyết phục mãi nó không nghe, theo bạn bè đi làm công nhân. Nhưng nó dần hiểu ra tâm huyết của tôi với nghề rèn truyền thống, mong muốn nó nối nghiệp để lưu giữ nghề nên đã quay về làm cùng tôi”.

Với niềm đam mê cùng tấm lòng nặng nợ với nghề rèn, ông Châu mong ước có thêm vốn để trang bị máy móc hiện đại giúp việc sản xuất được chuyên nghiệp, đồng thời mở rộng quy mô lò rèn để có thể sản xuất nhiều mặt hàng theo nhu cầu thị trường. Ước mơ đó vẫn quá xa khi hàng ngày việc lo cái ăn của 4 người trong gia đình trông cậy vào lò rèn đã khó, nhưng ông Châu vẫn quyết tâm bám trụ với nghề. Chia tay lò rèn trong buổi chiều muộn, tôi vẫn đau đáu về tình yêu, tâm huyết của ông Châu dành cho nghề rèn và nỗi tiếc nuối về một nghề truyền thống đang dần mai một.

HOÀNG TUẤN

Tin cùng chuyên mục