Nâng tầm nông sản Việt

Trên thế giới, quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đang diễn ra mạnh mẽ trên diện rộng ở những nước có KH-CN phát triển. Đó là sự kết hợp ứng dụng các CN hiện đại như CNTT, CN vật liệu mới, CN sinh học, CN nano để tạo ra nông sản có năng suất, chất lượng cao, giá thành hạ. Dựa vào CN gen, các nước tiên tiến đã tạo ra được các giống cây trồng có năng suất cao, CN chọn lọc lai tạo giống, vật nuôi có thể rút ngắn thời gian nuôi, phát triển nhanh về số lượng Ví dụ, từ năm 2002, Trung Quốc đã xây dựng 400 khu CNC, nhờ đó sự gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 42%, đạt giá trị sản lượng bình quân khoảng 40.000 - 50.000 USD/ha/năm, gấp 40 - 50 lần so với mô hình sản xuất trước đó.

Nền nông nghiệp Việt Nam những năm qua đã xác lập được vị thế đáng ghi nhận trên thế giới thông qua một số loại nông sản như: hồ tiêu, cà phê, gạo, điều, cây ăn trái. Hiện nay sản xuất nông nghiệp CNC ở nước ta đang được triển khai ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt… theo các mẫu cải tiến nhà kính, nhà lưới của nước ngoài. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, những mô hình nông nghiệp CNC ở trong nước chỉ mới xuất hiện, quy mô sản xuất còn nhỏ, CN thiếu đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. Trong thời gian qua, một số nông sản của Việt Nam đã phải đối mặt với cạnh tranh của các sản phẩm nước ngoài và kết quả cho thấy sự hạn chế về năng lực cạnh tranh của không ít sản phẩm.

Chẳng hạn, trong khi những sản phẩm nông nghiệp như gạo, rau quả có thể trụ vững trên thị trường bình dân thì gạo thơm Thái lại chiếm lĩnh được hầu hết thị trường cao cấp trong nước. Trái cây Thái Lan ở phía Nam và trái cây Trung Quốc ở phía Bắc đang chia sẻ mạnh thị phần trái cây Việt Nam ngay trên thị trường thành thị và một phần thị trường nông thôn. Dù có tiềm năng, song đường nội không cạnh tranh được với đường ngoại, dẫn tới tình trạng một số nhà máy đường phải giải thể hoặc phá sản. Một số sản phẩm khác như bông, đậu tương, bắp có năng suất quá thấp, giá thành cao, khó cạnh tranh với bông từ Trung Á hay Ai Cập; đậu tương và bắp từ Mỹ.

Để nhanh chóng nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam, các nhà khoa học cho rằng cần phải đẩy nhanh CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn theo hướng hình thành nền nông nghiệp hàng hóa lớn phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện sinh thái từng vùng. Trong đó tập trung đưa nhanh tiến bộ KH-CN vào sản xuất nông nghiệp, đạt mức tiên tiến trong khu vực về trình độ CN và về thu nhập trên một đơn vị diện tích; tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước, tăng đáng kể thị phần của các nông sản chủ lực trên thị trường thế giới.

Cùng với đó, cần xây dựng hợp lý cơ cấu sản xuất nông nghiệp bằng cách điều chỉnh quy hoạch sản xuất lương thực phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ, tăng năng suất đi đôi với năng suất chất lượng. Phát triển theo quy hoạch và chú trọng đầu tư thâm canh các vùng cây công nghiệp như cao su, cà phê, trà, điều, hạt tiêu, dừa, dâu tằm, bông, mía, lạc, thuốc lá..., hình thành các vùng rau, hoa quả có giá trị cao gắn với phát triển cơ sở bảo quản, chế biến.

Căn cơ hơn, các địa phương cần nhanh chóng đưa Nghị quyết số 26, Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, đồng thời nhanh chóng triển khai đề án của Bộ NN-PTNT về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC để nhanh chóng nâng tầm nông sản Việt, cải thiện đời sống nông dân và HĐH nông nghiệp - nông thôn.

Trần Minh Trường

Tin cùng chuyên mục