Nên gắng hiểu con trẻ

Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ thiếu niên tự tử chỉ vì sự nông nổi, bốc đồng. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lớn, nhất là những bậc phụ huynh vì thiếu hiểu biết, vì ứng xử thô bạo, vì can thiệp quá sâu vào đời sống, hay thờ ơ bỏ mặc… Đã đến lúc người lớn cần được trang bị những điều cần biết trong quan hệ với con trẻ, nhất là tuổi thiếu niên.

Hiện nay, một số phụ huynh không hiểu những diễn biến tâm lý của thiếu niên, độ tuổi mà người ta thường gọi là “khủng hoảng”, là “bất trị”. Từ 11 đến 15 tuổi, trẻ có sự phát triển mạnh mẽ về cơ thể, nhất là chiều cao và những biến đổi giới tính. Đặc biệt giao tiếp là hoạt động chủ đạo, cùng với những biến đổi tâm lý mạnh mẽ dẫn đến nhu cầu giao tiếp, chia sẻ của trẻ rất lớn.

Độ tuổi này, trẻ thường xuyên xuất hiện những mâu thuẫn, muốn khẳng định mình nhưng khả năng lại có hạn, muốn được người lớn tôn trọng nhưng luôn lại bị coi là trẻ con; muốn được tò mò, khám phá thì người lớn lại cấm đoán… Do vậy, phải thường xuyên nắm vững những diễn biến tâm lý trong đời sống tâm hồn của trẻ, thử xem các em đang cần những nhu cầu gì? Tại sao khi được đáp ứng các em lại không cảm thấy thỏa mãn mà lại đòi hỏi. Vì sao, hàng ngày các em biểu hiện bình thường nhưng thiếu niềm tin với những người thân. Nếu như cha mẹ chú ý đến các hành vi của con, của những người bạn mà con thường giao lưu, hoặc những cử chỉ, động tác của trẻ hàng ngày, sẽ hiểu được và có thể tìm cách tháo gỡ.

Cảm xúc là một biểu hiện quan trọng của tuổi vị thành niên. Các em thường quan tâm đến vẻ bề ngoài của mình, quan tâm đến những yếu tố gây hấp dẫn. Tình bạn, tình cảm nam nữ đều phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt ở lứa tuổi này dễ hình thành một tình bạn tri kỷ “sống chết có nhau”, có thể giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần. Sự bất hòa trong quan hệ bạn bè cùng tuổi, thiếu bạn thân hoặc tình cảm bị phá vỡ đều sinh ra những cảm xúc nặng nề, đó có thể là một bi kịch hay một hành động dại dột thiếu suy nghĩ. Nếu như cảm xúc tiêu cực quá mạnh, kéo dài thì càng nguy hiểm cho trẻ, coi đó là điều không thể chịu nổi của tuổi thiếu niên. Nếu nắm vững được quy luật này, người lớn sẽ không can thiệp thô bạo mà là điểm tựa tinh thần cho những cảm xúc tích cực phát triển. Tất cả những can thiệp thô bạo của người lớn đều là cho trẻ cảm thấy mình bị chế diễu, xúc phạm và đương nhiên là hậu quả khó lường. Người lớn cần có những cách ứng xử phù hợp, chia sẻ, động viên, khen ngợi, thuyết phục, bảo vệ. 


 NGUYỄN LÊ HOÀNG (TP Biên Hòa, Đồng Nai)

Tin cùng chuyên mục