Những ngày gần đây, nhiều phụ huynh “sốt vó” với việc cho con thi… vào lớp 1 bởi tính chất căng thẳng, tỷ lệ chọi, tầm quan trọng không kém gì thi đại học. Có người lý giải đó là hệ quả của thế hệ năm heo vàng (những trẻ sinh năm Đinh Hợi 2007), nay đến lúc vào lớp 1. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở các lớp đầu cấp khác tại không ít địa phương, nhất là các đô thị và cả ở các lớp mẫu giáo. Có vẻ như đó là một trong các biểu hiện của một nền giáo dục thụ động.
Đó là thụ động ở triết lý giáo dục. Gần như xuyên suốt, các trường học ở ta luôn có khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” nhưng lại có chủ trương “giáo dục toàn diện”. Rõ ràng ở đây có sự chênh đáng kể; đã giáo dục toàn diện phải tập trung học “văn” nhiều hơn “lễ”, bởi không thể có thời gian để đảm bảo cho cả “văn” và “lễ”. Đã thế, học “văn” trong trường không đủ còn phải học thêm, học phụ đạo, học bồi dưỡng, thành ra học sinh trở nên quá tải, thời gian nghỉ ngơi, vui chơi đã ít huống hồ đến thời gian học “lễ”. Vì vậy, đã có không ít biểu hiện sự lệch lạc về “lễ” như thiếu tôn sư trọng đạo, học sinh phạm pháp…
Thụ động ở các quan niệm/định hướng giáo dục. Việc cải cách, cải tiến, thí điểm ở chương trình học, sách giáo khoa, nội dung học… diễn ra thường xuyên, khiến nhiều thế hệ học sinh bị cho là đã được mang ra làm thí nghiệm. Mới đây, bức xúc trước các quan niệm giáo dục không bám sát thực tiễn, có ý kiến đề nghị nên rút chương trình học phổ thông còn 9 hoặc 10 năm, để học sinh có thể vào đại học lúc 15 - 16 tuổi… Đang có một sự bế tắc về quan niệm giáo dục: học để biết, học để làm việc, học để sống hay học để thi?
Thụ động ở chính sách giáo dục. Dù giáo dục luôn được cho là quốc sách hàng đầu nhưng việc thực thi nó còn quá nhiều thay đổi và luôn ở một tâm thế thiếu chủ động. Chẳng hạn, chính sách tuyển sinh viên sư phạm, dù đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn chưa thực sự thu hút được học sinh giỏi vào ngành này; chế độ lương giáo viên vẫn cứ loay hoay với mục tiêu “giáo viên có thể sống đủ bằng lương” đến nay vẫn chưa thành hiện thực…
Thụ động với các nhu cầu của thực tiễn. Ở bậc giáo dục phổ thông, nhiều năm qua chương trình học và nội dung học về cơ bản không thay đổi nhiều và thay đổi khá chậm dù thực tế cuộc sống đã thay đổi nhanh hơn nhiều. Ở bậc đại học, mục tiêu và phương châm đào tạo chưa bám sát thực tế, chưa phục vụ đắc lực cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà ít nhiều còn bị cuốn theo lợi ích của các cơ sở đào tạo… Thành ra hiện tượng thừa thầy thiếu thợ diễn ra thường xuyên, hết ngành này đến ngành khác, hết năm này qua năm khác.
Ngoài ra, có thể còn có nhiều sự thụ động khác khiến nhiều hoạt động của ngành giáo dục gần như rơi vào tình trạng “con kiến mà leo cành đa/leo phải cành cụt leo ra leo vào” với nhiều cải tiến, chấn hưng, đổi mới… mà vẫn chưa tạo ra chuyển biến cụ thể, vẫn là mối bận tâm của nhiều người. Vì vậy, cần có sự chủ động thực sự của ngành giáo dục và các cơ quan liên quan cũng như của các địa phương. Điều quan trọng nhất là giáo dục phải bám sát và giải quyết các nhu cầu, các vấn đề của thực tiễn, tức là phải thực học và thực nghiệp một cách thực tế. Cách chủ động tốt nhất phải đến đồng bộ, đồng thời cả từ phía cơ quan quản lý, cơ quan hành chính địa phương, đến các trường, viện, học viện… và cả người dạy, người học và phụ huynh. Chẳng hạn, người học thấy việc học là một nhu cầu thực tế, còn người dạy xem công việc vừa là một thiên chức vừa là một nghề nghiệp kiếm sống, các cơ quan chuyên môn đảm bảo đào tạo ra nguồn nhân lực cho đất nước, cho xã hội chứ không phải chạy theo thành tích ảo.
TRÚC GIANG