Nền kinh tế cần những “liều thuốc bổ” mới

Với những thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh, một bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước mới vừa được kiện toàn hứa hẹn một triển vọng kinh tế năng động trở lại trong năm 2021; cùng với việc kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa dần được gỡ bỏ, kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 6%-6,3%. Dự báo trên được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1, công bố ngày 20-4.


Theo VEPR, những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng, gồm: Chính phủ sớm kiểm soát được dịch Covid-19, giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước; kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định Thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn…


Âm hưởng chủ đạo là lạc quan, nhưng không phải đã có thể “kê cao gối ngủ”. Nền kinh tế toàn cầu tuy có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn ẩn chứa nhiều bất ổn và thiếu sự đồng đều giữa các quốc gia, lĩnh vực kinh tế, trong khi sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng yếu hơn; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ. Trong nước, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại. Một trong những rủi ro rất gần, đã được nhận diện, là lạm phát. Tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản (xuất hiện từ năm 2020), cộng với lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn. Thêm vào đó, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu, dẫn tới hiệu ứng tăng giá lan tỏa từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng. Việc thắt chặt trở lại chính sách tiền tệ trong bối cảnh nền sản xuất vẫn chưa có cải thiện ở cấp độ căn bản sẽ dẫn tới khó khăn hơn cho khu vực doanh nghiệp. Chính vì thế, theo các chuyên gia, chính sách tiền tệ cần “vi chỉnh” để tam giác đều là lạm phát - lãi suất - tỷ giá được duy trì ổn định, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.


Một số nghiên cứu khác (Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2020, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020) được công bố gần như cùng thời điểm đều cho thấy, những nhược điểm nội tại của nền kinh tế chưa được khắc phục triệt để. Đó là tình trạng mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển hạ tầng còn chậm; sức khỏe của hệ thống ngân hàng - tài chính tuy dần được củng cố, nhưng vẫn dễ tổn thương; tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc quá lớn vào khu vực doanh nghiệp nước ngoài, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị ngưng trệ; môi trường và thể chế kinh doanh về căn bản chưa giải phóng được sức mạnh của doanh nghiệp... Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh dường như chậm lại so với các năm trước và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược. Các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi, các lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm… Những tiến bộ đạt được là chưa thực sự vững chắc.


Rõ ràng, chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn. Dù bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước vừa được kiện toàn, nhưng đây vẫn là lúc cần có sự chung tay góp sức của tất cả cơ quan, doanh nghiệp đến từng cán bộ trong bộ máy nhà nước,… để khắc chế các “bệnh nền” nguy hiểm, nhằm tạo thêm những “liều thuốc bổ” mới cho nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục