
Trang trại của cựu chiến binh Đỗ Duy Thảo ngút ngàn những khu rừng tràm và rừng cao su. Có vẻ như hạn hán và gió Lào né tránh trang trại của ông để mặc dù tung hoành xuống đồng bằng, nơi những hồ, đập thủy lợi và hàng ngàn người dân đang lao đao vì thiếu nước.
- Tìm rừng nơi rừng đã mất
Sinh ra ở vùng quê Nam Định, năm 1961 ông nhập ngũ rồi lên đường vào Nam đi đánh giặc. Là lính của đơn vị Pháo binh 84, trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, ông đã cùng đồng đội lăn lộn trên chiến trường Quảng Trị và đã “nên duyên” với một người con gái của vùng đất thép Vĩnh Linh anh hùng. Năm 1978, rời quân ngũ, ông coi quê vợ tại xã Vĩnh Lâm huyện Vĩnh Linh là quê hương thứ hai của mình.

Ông Đỗ Duy Thảo chăm sóc vườn hồ tiêu.
Những năm 1996-1997, hưởng ứng chủ trương di dân lập vùng kinh tế mới Tân Thủy của Đảng bộ huyện Vĩnh Linh, ông Thảo là một trong số những người tiên phong đi mở đất. Vùng đất bazan phía Tây Vĩnh Linh dọc theo đường Trường Sơn chỉ toàn là lau lách và cỏ dại.
Đối mặt với vùng gò đồi cằn cỗi đó, gần 20 hộ dân rút lui, chỉ 4 hộ trụ được. Chính xác thì chỉ một mình ông có mặt từ đầu đến cuối, còn mấy hộ kia chỉ gửi... một chân. Họ ở dăm hôm, nửa tháng lại bỏ về quê cũ, coi như không bỏ. Họ vẫn xây dựng thành mô hình trang trại, vẫn trồng cây, làm vườn, nhưng trồng rồi để đó, muốn ra sao thì ra, hoặc gửi… ông Thảo.
- Khổ nhất là nguồn nước. Bây giờ vẫn thế! Ông Thảo kết luận.
Ông cho rằng chẳng phải nhờ tài ba hơn người khác, có khác chăng là cuộc đời người lính đã làm cho ông quen ở rừng. Trang trại của ông trải rộng giữa hai quả đồi rộng lớn. Nguồn nước ở đó! Ông nói như reo: “Hai quả đồi là cách duy nhất có thể giúp người ta nghĩ ra cách chặn dòng “treo nước” ngay dưới chân hai sườn núi đổ về”.
Người lính già đã nghĩ ra cách neo giữ nước. Nghĩ ra được như thế, ông huy động thêm hai vợ chồng cậu con trai trưởng cùng lên núi ngăn đập, đào ao với ông. Mất 1 năm đầu tại Tân Thủy ông chỉ toàn làm chuyện cuốc, đào, bưng, bê...
Mùa mưa đầu tiên tại vùng kinh tế mới, thứ ông có trong tay là nguồn nước. 7 năm sau đó, việc nối việc, nhưng việc thứ hai sau ngăn đập là rà bom đạn, phế liệu chiến tranh. Ông Thảo khoe: “Trời thương tôi, chú ạ. Bán sắt vụn đủ mua cây giống trồng rừng”.
Về sau, công việc không còn bắt ông lao lực. Mọi việc lớn bé đều được ông lên kế hoạch và thực hiện nghiêm chỉnh như người lính tháo, lắp... một khẩu súng. Vùng lau lách cỏ dại đã trở thành một mô hình kinh tế lồng ghép rộng tới 20 ha. Trong đó, cựu chiến binh Đỗ Duy Thảo trồng 10 ha cao su, 4 ha rừng tràm, 500 gốc hồ tiêu, trên 1.000 gốc vải thiều Lục Ngạn; chưa kể đàn trâu 15 con, đàn gà gần 100 con và 50 bộng ong mật.
Thu nhập từ trang trại mỗi năm trên 100 triệu đồng. Lúc dẫn chúng tôi đi xem bộng nuôi ong nằm rải rác giữa những hàng cao su thẳng tắp, ông nói: “Tôi đã tìm được rừng!”. Giọng miền Bắc chưa phai của ông đều đều, chậm rãi như nói với chính mình. Có lẽ rừng cây hiểu hết lời ông Thảo.
- Có rừng mới có “nước sinh”
Hai từ “nước sinh” (nguồn nước) có lẽ cũng xưa như... rừng. Tôi đã nghe vài lần. Lần này từ miệng của “người tìm rừng”: “Nhà báo thấy chưa? Cái đài đặt trên đầu giường của tôi kêu hạn mấy hôm nay. Nghe mà khiếp! Không phải cứ có tiền là chống hạn được đâu. Phải có nước sinh!”.
Ông Thảo kêu khiếp cũng phải. Quảng Trị đang đối mặt với hạn nặng. Mực nước của các công trình thủy lợi đều thấp hơn mực nước năm 1998, năm mốc hạn hán lịch sử. Các huyện, thị chỗ nào cũng nóng lên vì hạn và chống hạn. Hồ chứa nước La Ngà - công trình thủy lợi lớn nhất huyện Vĩnh Linh - có dung tích thiết kế 36,7 triệu m3, nay chỉ còn khoảng 0,5 triệu m3.
1.400 ha lúa 2 vụ của 3 xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy đành phải bỏ hoang. Hồ Trúc Kinh dung tích 39 triệu m3 nay còn 11,6 triệu m3. Trạm bơm Cam Lộ có 7 tổ máy, bơm nước từ sông Hiếu tưới cho 800 ha, nay chỉ đủ nước cho 3 tổ máy hoạt động, 450 ha đất phải bỏ hoang.
Tiếp đến, công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn lớn nhất của tỉnh, mực nước chỉ còn 7,9m, thấp hơn 1,4m so với năm 1998. Toàn tỉnh phải bỏ hoang 2.800 ha đất lúa. Hàng ngàn hộ dân 2 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh đang thiếu nước sinh hoạt.
Ông Thảo nói: “Chú xem, hạn thế mà dọc đường 9 người ta vẫn đốt trụi hàng trăm ha rừng. Ngay như rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Đak Rông (vùng tiếp giáp với Thừa Thiên - Huế) cũng không giữ nổi. Đến nuôi tôm người ta cũng khoan nước ngầm. Làm sao có nước sinh? Nguồn nước của rừng, của cây và đất mới là “nước sinh”. Không có rừng, khoan chỉ mất công.
Dưới xa kia, cây lúa mỏi mòn chờ mưa. Còn trên núi, người lính già như đang lội ngược thời gian để “tìm rừng” cho “nước sinh” sống lại!
LÊ MINH THẮNG